“Thấp thỏm trong những căn nhà tạm bợ”
Khu du lịch Cồn Hến được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định quy hoạch vào năm 1998, bao gồm các công trình trung tâm công cộng kết hợp dịch vụ (khoảng 13.297m2); khu chức năng hỗn hợp; khu du lịch dịch vụ (7.984m2) nằm ở phía Nam Cồn Hến với các hoạt động tham quan du lịch, ẩm thực, mua sắm, văn hóa. Ngoài ra còn có khu nghỉ dưỡng cao cấp xây dựng trên 74.367m2 và quảng trường rộng trên 16.800m2...
Đến cuối tháng 6/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) xây dựng khu du lịch, dịch vụ cao cấp Cồn Hến với diện tích 26,4ha gồm diện tích đất liền 23,8ha và mặt nước bao quanh Cồn Hến là 2,6ha.
Thế nhưng, kể từ khi ban hành quyết định quy hoạch, đến nay đã gần 20 năm mà dự án này vẫn đang “dậm chân tại chỗ” vì chưa tìm được nhà đầu tư. Việc này cũng đồng nghĩa với việc, suốt thời gian qua, hàng trăm hộ dân sống ở Cồn Hến vẫn luôn sống trong nỗi lo không biết bao giờ bị giải tỏa hoặc nếu giải tỏa thì sẽ di dời về đâu để tái định cư. Hầu hết các hộ dân đều sống trong những ngôi nhà cổ, xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn phải cố ở tạm vì muốn xây mới hay sửa cũng khó vì vướng quy hoạch.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, Cồn Hến là vùng thấp trũng nằm bên sông Hương nên thường xuyên chịu cảnh lụt lội. Trong khi nhà cửa lại không được xây dựng mới, hoặc sửa chữa nên vào mùa mưa bão người dân rất lo lắng. Cũng vì thuộc vùng quy hoạch treo nên hiện nhiều công trình công cộng ở khu vực này dù đang xuống cấp, hư hỏng cũng không được sửa chữa, xây mới, trong đó có Trường Tiểu học Phú Lưu.
Vẫn đang tìm nhà đầu tư
Khu vực Cồn Hến hiện có 750 hộ dân với hơn 3.600 nhân khẩu và toàn bộ số hộ dân này đều nằm trong khu vực quy hoạch của dự án “Khu du lịch - dịch vụ cao cấp Cồn Hến”.
Ông Lê Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho hay, cuộc sống của người dân ở Cồn Hến hiện gặp nhiều khó khăn khi phần lớn các hộ mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ, lao động phổ thông. Khu Cồn Hến bị quy hoạch treo diễn ra trong nhiều năm đã đẩy cuộc sống người dân ở đây rơi vào thế khó. Đặc biệt, khi người dân có nhu cầu sửa chữa hoặc xây dựng nhà ở, tách thửa thì phường đều phải hướng dẫn lên cấp thành phố để giải quyết chứ phường không đủ thẩm quyền…
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định cho biết, để đầu tư vào Cồn Hến, buộc doanh nghiệp phải tái định cư cho hơn 750 hộ dân ở khu vực này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng hơn 1.000 tỷ đồng để di dời, tái định cư cho dân. Đây là một số tiền lớn và chưa kể đến khoản kinh phí khác để đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì thế đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào xác nhận sẽ đầu tư vào Cồn Hến dù trước đây đã có nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu về dự án.