Những phán quyết hài hước!
Hồ sơ vụ án thể hiện, giữa bà Ngô Thị Bích trú ở huyện Long Thành, Đồng Nai có mua thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH CJ Agri (gọi tắt là Công ty Agri- công ty mẹ) ở Long An. Công ty TNHH Thực phẩm CJ Vina ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Công ty CJ- công ty con của Agri) sẽ cung cấp gà con cho bà Bích nuôi. Khi gà lớn, bà Bích phải bán lại cho Công ty CJ. Việc mua bán này theo tập quán cấn trừ.
Cụ thể, khi bà Bích bán gà cho công ty con (có kèm theo đơn đề nghị cấn trừ) thì công ty con sẽ trừ lại số tiền mà bà Bích đã mua cám của công ty mẹ cộng với số tiền gà con mà bà Bích mua của công ty con. Số tiền dư ra thì công ty con sẽ trả lại cho bà Bích (bản chất thì bà Bích chỉ là người nuôi gia công, còn mọi kỹ thuật, thức ăn và con giống đều do hai “mẹ con” Agri và CJ cung cấp).
Việc mua bán theo kiểu xoay vòng đó được thực hiện qua nhiều lần, suốt nhiều năm trời. Tuy đến một ngày “xấu trời” năm 2016, bà Bích không chịu cấn trừ như trước, mà đi đòi tiền từ Công ty CJ vì cho rằng mình bán cho ai người đó phải thanh toán tiền. Cụ thể bà Bích đòi CJ trả cho mình số tiền 5,99 tỷ đồng.
Điều đáng nói là trước khi có văn bản đòi nợ Công ty CJ, bà Bích đã ký hợp đồng đặt cọc 1,5 tỷ đồng để mua 1 lô đất hơn 1,6ha tại huyện Long Thành, Đồng Nai với giá 4,5 tỷ đồng (bà Bích không hề báo cho Công ty CJ biết). Sau đó bà Bích làm đơn đề nghị phía CJ phải thanh toán số tiền mà công ty đang nợ bà để bà có đủ tiền trả cho chủ đất, nếu không bà sẽ mất số tiền đặt cọc thì sẽ “ăn vạ”, buộc Công ty CJ phải bồi thường. Trong các văn bản đề nghị phía CJ trả nợ, có lúc bà nói để trả nợ cho nhiều đối tác, có lúc bà nói để trả tiền cho chủ đất đã đặt cọc…
Sau thời gian đòi nợ không thành, bà Bích ra “tối hậu thư” cho CJ hạn cuối cùng là ngày 26/5/2016. Sau khi tính toán sổ sách, thấy bà Bích đang nợ công ty mẹ số tiền cám hơn 3,3 tỷ đồng nên CJ cấn trừ số tiền này lại. Đồng thời Công ty CJ cũng trừ hơn 500 triệu mà bà Bích đang nợ gà con công ty mình. Số tiền chênh lệch còn lại hơn 2,1 tỷ đồng, Công ty CJ đã chuyển cho bà Bích đúng vào ngày 26/5/2016. Như vậy nếu theo tập quán thương mại nhiều năm qua mà các bên thực hiện thì tất cả quyền, nghĩa vụ tới đây sẽ chấm dứt, không ai còn nợ ai.
Thế nhưng bà Bích nhất quyết không chịu nên khởi kiện Công ty CJ đòi bồi thường tổng cộng hơn 5,3 tỷ đồng, bao gồm: Tiền bán gà hơn 3,3 tỷ đồng, tiền thiệt hại thực tế do bị mất tiền cọc cho chủ đất là 1,5 tỷ đồng; tiền phạt vi phạm hợp đồng 8% là gần 480 triệu.
Điều ngạc nhiên là tất cả những yêu cầu khởi kiện của bà Bích đều được TAND huyện Bàu Bàng chấp nhận bằng các phán quyết trong bản án.
Sau bản án sơ thẩm, phía bị đơn đã kháng cáo vì cho rằng quá vô lý, bởi việc đặt cọc mua đất của bà Bích là ý chí của cá nhân bà với người dân, chứ không hề liên quan gì tới Công ty CJ, nhưng tòa án Bàu Bàng vẫn buộc CJ bồi thường là lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
“Tòa án Bàu Bàng tuyên vô tội vạ khi bắt CJ phải bồi thường 8% trên tổng giá trị hợp đồng, trong khi đó, trong hợp đồng quy định số tiền phạt chỉ là 8% trên phần hợp đồng vi phạm. Ở đây, chúng tôi hoàn toàn không vi phạm vì không còn nợ nần gì bà Bích, nếu tòa Bàu Bàng có cố tình tuyên thì cũng chỉ là 8% của 3,3 tỷ, chứ không phải là 8% của 5,99 tỷ, bởi CJ đã trả cho bà Bích hơn 2,6 tỷ đồng…”- đại diện Công ty CJ bức xúc.
Kháng nghị toàn bộ bản án
Xét thấy bản án sơ thẩm có nhiều điểm khuất tất, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và giải quyết nội dung nên VKS tỉnh Bình Dương đã kháng nghị toàn bộ bản án này.
Cụ thể, về mặt tố tụng, VKS Bình Dương cho rằng, vụ án này thuộc trường hợp tòa án phải xác minh, thu thập chứng cứ, do đó thuộc trường hợp phải có VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không tuân thủ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Về nội dung, tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bích đối với Công ty CJ là không có căn cứ, bởi:
Thứ nhất, đối với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng Công ty CJ nợ bà Bích thì thực tế bà Bích đang nợ công ty mẹ của CJ số tiền tương ứng nên Công ty CJ đã thay mặt công ty mẹ cấn trừ và chuyển khoản vào cho công ty mẹ số tiền hơn 3,3 tỷ đồng vào tháng 5/2016. Tuy nhiên tòa cấp sơ thẩm đã không tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ để làm rõ vấn đề này, mà quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của bà Bích là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Thứ hai, đối với số tiền 1,5 tỷ đồng trong hợp đồng đặt cọc mua bán đất giữa bà Bích với người dân là giao dịch cá nhân của bà Bích, mà không hề liên quan gì tới Công ty CJ. Đây không phải là thiệt hại thực tế phát sinh từ hợp đồng mua bán gà thịt giữa bà Bích và Công ty CJ. Do đó, việc tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của bà Bích là không có căn cứ.
Thứ ba, đối với số tiền phạt 8%, phần hợp đồng bị vi phạm là gần 480 triệu đồng thì bà Bích cho rằng CJ vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với bà số tiền là hơn 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm lại tính giá trị phần hợp đồng bị vi phạm là 5,99 tỷ đồng là không đảm bảo quyền giữa các bên.
Dư luận đang trông chờ vào một phán quyết công tâm, đúng pháp luật của tòa cấp phúc thẩm.