Đây cũng là vấn đề quan tâm trọng tâm của Dự án “Tự tin là chính mình” vừa được Hội LHPN Việt Nam và tổ chức Plan International Việt Nam ra mắt ngày 2/4.
Kết quả khảo sát đầu vào của dự án cho thấy có tới 37,6% học sinh nữ thiếu kiến thức và trên 40% chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề vệ sinh kinh nguyệt. Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em gái đã có kinh nguyệt khoảng trên 40%, tuy nhiên tỷ lệ thực hành vệ sinh kinh nguyệt ở mức trung bình và kém lên tới trên 80%. Đa số trẻ em gái chia sẻ, tâm sự cùng mẹ, tuy nhiên cha mẹ cũng chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đúng về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), trong đó có vấn đề vệ sinh kinh nguyệt.
Bên cạnh các em gái thì trẻ em trai cũng thiếu kiến thức và kỹ năng về SKSS nên nhiều em vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về những khó khăn mà các em gái gặp phải khi có kinh nguyệt, từ đó góp phần thêm vào những quan niệm sai lầm, những điều cấm kị, kỳ thị và có thái độ, thực hành không đúng đắn, khiến trẻ em gái xấu hổ và không tự tin. Theo kết quả nghiên cứu của Avani M và cộng sự năm 2017 thì tại Việt Nam, trên 30% thanh thiếu niên thiếu khả năng tiếp cận với các thông tin cần thiết về SKSS tuổi dậy thì.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép chương trình giáo dục SKSS trong các trường học thông qua phát triển chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Kết quả khảo sát đầu vào cho thấy hiện tại trong các trường học có đề cập tới vấn đề sinh sản, nhưng vẫn tập trung nhiều vào các khía cạnh sinh học và khoa học của sinh sản mà chưa đề cập nhiều đến SKSS tuổi dậy thì, sức khỏe sinh sản và tình dục.
Mục tiêu của dự án “Tự tin là chính mình” là tạo điều kiện tối đa để các em gái vị thành niên sống ở vùng đô thị và cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn hẻo lánh có thể tự tin vượt qua “kỳ nguyệt san” của mình một cách an toàn và thoải mái, đồng thời tự đưa ra được những quyết định liên quan đến SKSS.
Dự án sẽ được triển khai thực hiện tại 02 tỉnh, thành phố là tỉnh Quảng Bình (huyện Minh Hóa và thành phố Đồng Hới) và thành phố Hà Nội (huyện Ba Vì và một số trường THCS, THPT) trong thời gian 3 năm, từ tháng 8/ 2020 đến tháng 5/ 2023 với bốn can thiệp chính và dự kiến dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 27.880 thanh thiếu niên, giáo viên trong 40 trường THPT, THCS và tiểu học tại Hà Nội và Quảng Bình. Bên cạnh đó, dự án sẽ cung cấp thông tin cho 224.000 thanh thiếu niên, phụ huynh học sinh trong cộng đồng thông qua các ấn phẩm truyền thông trực tiếp và qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sự kiện truyền thông trong cộng đồng.
Việc tác động trên nhiều đối tượng khác nhau như vậy nên dự án cũng đặt ra yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như Hội LHPN, ngành Giáo dục của 2 tỉnh, thành phố Hà Nội và Quảng Bình trong triển khai các hoạt động.