Dư luận Tây ninh bàn tán và bày tỏ sự khó hiểu việc các cơ quan có thẩm quyền địa phương chuẩn bị cưỡng chế chặt bỏ hàng trăm ha cây cao su từ 6 -7 năm tuổi đang trong thời kỳ cho năng suất mủ cao và một số khá chuẩn bị thu hoạch tại khu vực thuộc xã Tân Hà, huyện Tân Châu, Tây Ninh.
Đã hết cách giải quyết vụ việc!?
Có việc “trái khoáy” gây lãng phí tài nguyên, tiền của làm dư luận bức xúc là vào cuối năm 2009, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử xử vụ án đối với 3 cán bộ của Nhà máy đường Nước Trong (trực thuộc Công ty mía đường Tây Ninh) đã nghỉ hưu về tội: “Lợi dung chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cả 3 cựu cán bộ này còn bị Tòa tuyên thêm phần dân sự xử lý đất đai và tài sản trên đất là cây cao su, cây xà cừ và cây điều… Theo đó, bản án hình sự số 81/2009/HSST ngày 28/10/2009 của TAND tỉnh Tây Ninh giao cho UBND tỉnh Tây Ninh xử lý theo chủ trương chung của tỉnh….
Ngày 19/09/2011, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức cuộc họp để triển khai xử lý tài sản trên đất (1.936 ha) khi thực hiện bản án nói trên. Tại cuộc họp, UBND tỉnh Tây Ninh đưa ra chủ trương cho thanh lý cây xà cừ và điều; riêng việc thanh lý cây cao sư phải thực hiện theo chủ trương của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Cơ quan Thi hành án dân sự Tây Ninh xây dựng phương án thi hành bản án số 81 của TAND tỉnh trình UBND tỉnh xem xét; có văn bản thông báo cho bên phải thi hành án tự thanh lý tài sản trên đất để thực hiện bản án số 81 trong hời gian 2 tháng kể từ ngày ra thông báo, nếu quá thời gian quy định sẽ tiến hành cưỡng chế; việc triển khai thực hiện phải có phương án cụ thể và đảm bảo chặt chẽ, đúng theo quy định của pháp luật.
Ngày 19/10/2011, Cục thi hành án Dân sự tỉnh Tây Ninh và một số ban ngành UBND huyện Tân Châu đã có buổi làm việc, thông báo cho chủ đất cao su để thanh lý tài sản trên đất và ngày 25/10/2011 Cục thi hành án có thông báo số 08/TB-THA thông báo về việc cưỡng chế thi hành án theo quyết định số 01/QĐ-CTHA ngày 25/10/20111 về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất. Với quyết định này, ngày 01/01/2011 toàn bộ cây cao su từ 6-7 năm tuổi có trên đất sẽ được xử lý bằng cách cưa để bán làm củi. Tuy nhiên việc cưỡng chế đã được hoãn lại vào ngày 07/11/2011 sẽ tiếp tục cưỡng chế. Đồng thời ngày 2/11/2011, Cơ quan Thi hành án Tây Ninh đã đắng bán đấu giá củi cao su trên một số phương tiện truyền thông tỉnh.
Cần cân nhắc quyền lợi trước mắt và lâu dài!
Nhiều người dân Tây Ninh, nhất là những hộ dân đã đầu tư công sức, tiền của để tạo lập vườn cao su bạt ngàn đến độ thu hoạch bày tỏ bức xúc trước cách làm của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh. Họ cho rằng, việc chặt bỏ hàng trăm ha cao su đang cạo lấy mủ quá lãng phí, thậm chí gây thiệt hại về kinh tế cho người dân nói riêng và cho địa phương nói chung.
Bên cạnh đó, việc cán bộ sai phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật, còn cây cao su đang trong thời ký sinh lợi và cho năng suất cao thì chăng có tội tình gì để chặt bỏ nó để làm củi. Chẳng lẽ Lãnh đạo chính quyền địa phương ở Tây Ninh và các cơ quan chức chức năng không tìm được phương cách nào để giải quyết vụ việc một cách “hợp tình, hợp lý” để người dân được nhờ. Đồng thời, đề ra chủ trương đúng đắn, phù hợp để không bị thiệt hại về kinh tế. Dư luận cho biết sở dĩ có việc chính quyền muốn chặt bỏ hàng trăm ha cao su là do khu đất này đang được dự kiến quy hoạch khu dân cư để kết nối với khu dân cư Chàn Riệc. Nếu quả đúng như thế thì việc này đã đi ngược lại với chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh trước đó.
Theo đó, ngày 25/11/1997, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 392/1997 giao 1.936 ha đất (tiểu khu 40, 41, 42, 43) cho UBND huyện Tân Châu để quản lý và bố trí sản xuất ổ định lâu dài. Ngày 22/5/1998 UBND huyện Tân Châu ra Quyết định 157/1998 giao 1.936 ha cho UBND 2 xã Tân Hội và Tân Hà để lập kế hoạch cho nhân dân ổn định và sản xuất lâu dài. UBND 2 xã Tân Hội và Tân Hà sau đó đã tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân. Như vậy, mục đích sử dụng đất khu vực này đã được xác định rõ là đất sản xuất ổn định lâu dài nên việc các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh nay lại “vẽ quy hoạch” khu dân cư làm trái với chủ trương của Tỉnh ủy, UBND Tây Ninh trước đó.
Nên chăng, trong vụ việc này UBND tỉnh Tây Ninh nên giữ nguyên hiện trạng, tiến hành định giá đất và cây cao su để cho thuê, với hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật hoặc giao toàn bộ đất và cao su cho một tổ chức có cùng chức năng để quản lý và tiếp tục khai thác thì sẽ có hiệu quả hơn. Thiết nghĩ Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cần cân nhắc, xem xét để có thể đưa ra “lời giải” hiệu quả, không gây thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi vụ việc và cả chính quyền địa phương.
Trấn Tố