Hai vấn đề quan trọng của nông nghiệp khu vực
Hội nghị lần này tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực lương thực, thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp. Nhận thức tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững, quản lý rừng bền vững, khử carbon và số hóa trong khu vực ASEAN, Hội nghị kêu gọi tất cả các bên liên quan, gồm giới học thuật, tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN, thông qua Ban Thư ký ASEAN, thực hiện các chính sách lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững và tuần hoàn đã được ASEAN thông qua.
Ban Thư ký ASEAN cũng nhấn mạnh về hai vấn đề quan trọng trong ngành nông nghiệp khu vực hiện nay là: “kháng thuốc kháng sinh” và “nông nghiệp thuận thiên”.
Cụ thể, việc chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực chăn nuôi nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng cần được các quốc gia thành viên nghiên cứu kỹ, tích hợp vào trong hướng dẫn cũng như quy định của mình. Từ đó các bên cùng nhau hợp tác giám sát để giảm thiểu tác động của việc sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản.
Đối với nông nghiệp thuận thiên, Ban Thư ký ASEAN cho rằng, các nước có thể xây dựng một số thí điểm để tích hợp sản xuất nuôi cá kèm với trồng cây đước ở rừng ngập mặn, nhờ đó góp phần đạt mục tiêu giảm thiểu phát thải carbon cho khu vực.
Ban Thư ký ASEAN cho biết đã làm một số nghiên cứu, khảo sát để xem khả năng mà chúng ta có thể giảm thiểu phát thải carbon. Thông qua đó tăng cường hợp tác khu vực để xây dựng thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon.
Đại diện phía Việt Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị là dịp để các nước trong khu vực cùng nhau đánh giá và tổng kết những kết quả hợp tác trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, nông, lâm nghiệp ASEAN trong năm 2024. Từ đó đưa ra định hướng ưu tiên hợp tác lương thực, thực phẩm, nông, lâm nghiệp ASEAN trong năm tiếp theo. Ngoài ra, Hội nghị cũng là cơ hội để Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp các quốc gia thành viên ASEAN có cơ hội trao đổi quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phát triển ngành lương thực, thực phẩm, nông, lâm nghiệp ASEAN.
Năm 2024, hợp tác lương thực, thực phẩm, nông, lâm nghiệp ASEAN được triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp bền vững và phát thải thấp. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Việt Nam đang tham gia tích cực và có trách nhiệm vào hợp tác lương thực, thực phẩm, nông, lâm nghiệp trong ASEAN, góp phần vào các kết quả chung.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 - 45 vào tháng 10/2024 tại Lào đã thông qua Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về Thúc đẩy nông nghiệp bền vững và ghi nhận Kế hoạch hành động về Nông nghiệp bền vững ở ASEAN. Việc thông qua Tuyên bố trên sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, đối tác và các tổ chức quốc tế để tiếp tục thực hiện Chiến lược của ASEAN về trung hòa carbon, đóng góp vào an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững và phát thải thấp trong khu vực. Đồng thời, tăng lợi ích cho người nông dân và bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh về sự tin tưởng của Việt Nam đối với việc hợp tác lương thực, thực phẩm, nông, lâm nghiệp ASEAN sẽ tạo ra động lực và cơ hội mới để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và phát thải thấp, đảm bảo an ninh lương thực cho toàn khu vực ASEAN.
8 lĩnh vực ưu tiên về hợp tác nông nghiệp ASEAN
Hội nghị lần này đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong những năm tới và khuyến khích các nhóm công tác chuyên ngành liên quan của ASEAN tiếp tục nỗ lực thực hiện sáng kiến quan trọng liên quan đến lương thực, thực phẩm, nông, lâm nghiệp.
Một là, thúc đẩy nông nghiệp bền vững thông qua Kế hoạch hành động về nông nghiệp bền vững. Hai là, giảm thiểu việc đốt phế phụ phẩm cây trồng trong khu vực thông qua việc thực hiện Hướng dẫn ASEAN về giảm đốt phế phụ phẩm cây trồng. Ba là, giảm việc sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp độc hại, chấm dứt tình trạng đốt phế phụ phẩm cây trồng. Bốn là, thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua thực hiện Chiến lược ASEAN về quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Năm là, phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản. Sáu là, thúc đẩy việc sử dụng các tác nhân kiểm soát sinh học (BCA) trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản. Bảy là, đảm bảo bền vững nguồn tài nguyên đất và nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Và cuối cùng là khuyến khích áp dụng nông nghiệp tái tạo và công nghệ số trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, nông, lâm nghiệp.
Các quốc gia thành viên ASEAN đối với các lĩnh vực ưu tiên này được khuyến khích điều chỉnh các sáng kiến của mình phù hợp với các ưu tiên khu vực. Ban Thư ký ASEAN sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN và hợp tác với nhiều đối tác khác nhau để tạo điều kiện thực hiện các sáng kiến nêu trên.
Theo đó, cách tiếp cận hợp tác này không chỉ nhằm giải quyết những thách thức trước mắt mà khu vực ASEAN đang đối mặt mà còn thúc đẩy sự bền vững và khả năng phục hồi lâu dài trong các lĩnh vực quan trọng làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực.
Ủng hộ xây dựng tầm nhìn ASEAN về nông nghiệp đến năm 2045
“Việt Nam hoàn toàn ủng hộ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong nông nghiệp vào năm 2050 và coi trọng Chiến lược của ASEAN về trung hòa carbon. Chúng tôi kêu gọi Văn phòng FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với các văn phòng quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế đi đầu trong việc thực hiện chiến lược này. Việt Nam tiếp tục ủng hộ đề xuất của Malaysia về xây dựng tầm nhìn ASEAN về nông nghiệp đến năm 2045, đây là nhiệm vụ kinh tế ưu tiên trong năm Malaysia là Chủ tịch ASEAN 2025”, Thứ trưởng NN&PTNT Việt Nam Phùng Đức Tiến.