Tìm cách để “đồng vốn” đến sớm với bà con nông dân
Trực tiếp trả lời các kiến nghị của các đại biểu tham dự Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ: “Trong phần tài liệu sáng nay, tôi gửi cho các bác nông dân đã có cài theo danh thiếp, nếu phần trả lời chưa đầy đủ thì xin bà con cứ nhắn tin, gọi điện cho tôi để được giải đáp thêm và cũng mong bà con mạnh dạn, thường xuyên làm điều đó. Nhận được tin nhắn của bà con, chúng tôi đảm bảo sẽ chuyển ngay tin của bà con đến lãnh đạo địa phương”.
Về thiệt hại do bão số 3, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục có cuộc họp với đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng để bàn bạc làm sao "đồng vốn" sớm đến tay bà con. Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, nông dân nên thay đổi tư duy sản xuất sau cơn bão số 3.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn thông tin, để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chương trình hành động, quyết định, kế hoạch thực hiện. “Có thể nói, chưa có giai đoạn nào, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương dành nhiều chính sách, quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như giai đoạn hiện nay” - Chủ tịch Hội Nông dân nói.
Tuy nhiên, với đặc thù của ngành Nông nghiệp của Việt Nam hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế cả về mặt khách quan và chủ quan, như sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân đặt ra nhiều thách thức mới; khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn về hạ tầng, ổn định đời sống dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa... Những vấn đề đó đòi hỏi phải có những giải pháp, chính sách tháo gỡ cụ thể để hướng tới mục tiêu hình thành nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thu nhập của nông dân tăng 5,5 lần
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Hoàng Yến thông tin, thành tựu của ngành Nông nghiệp thời gian qua rất nổi bật, đó là đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp phát triển kinh tế, xuất khẩu mạnh. Thu nhập đời sống của nông dân tăng lên, xóa đói giảm nghèo nhanh, xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững. Nông nghiệp cũng cung cấp tài nguyên cho công nghiệp hóa, bình ổn kinh tế - xã hội; chưa kể trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nông nghiệp góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm phát thải.
GDP nông nghiệp đã đạt tới 1,5 triệu tỷ đồng vào năm 2023 và trong 6 tháng 2024 đã tăng 3,38%. Việt Nam cũng nằm trong top 5 thế giới về xuất khẩu cá tra, gạo, cà phê, hạt điều, tiêu đen, cao su, chè, sắn, sản phẩm gỗ. Thu nhập nông thôn tăng và ngày càng đa dạng. Giai đoạn 2008 - 2020, thu nhập của nông dân tăng 5,5 lần, nhanh hơn cả tốc độ tăng của người dân đô thị.
Chương trình nông thôn mới đã đạt và vượt xa mục tiêu đề ra về cả hai phương diện tỷ lệ xã đạt chuẩn và số tiêu chí bình quân trên xã. Hết năm 2023, có 6.370/8.167 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 270 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 20 tỉnh và thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng ngành Nông nghiệp chưa bền vững, hiệu quả sản xuất chưa cao, diện tích manh mún; năng suất lao động còn thấp.
Chính vì những bất cập khó khăn này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, lấy nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là nền tảng văn hóa xã hội. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng.
Trong bối cảnh này, Bộ NN&PTNT mới đề xuất cách thức tiếp cận nông dân, nông thôn cho giai đoạn tới. Theo đó, sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn tới; Cải thiện tình hình tài chính, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng ở nông thôn. Nhà nước cũng cần hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng và tri thức hóa nông dân để nâng cao giá trị sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.