Học phí khối ngành Y, Dược tăng mạnh: Lo thí sinh nghèo học giỏi lỡ cơ hội

Mức học phí khối ngành Y, Dược tăng mạnh sẽ khiến nhiều học sinh nghèo học giỏi bỏ lỡ cơ hội. Ảnh minh họa.
Mức học phí khối ngành Y, Dược tăng mạnh sẽ khiến nhiều học sinh nghèo học giỏi bỏ lỡ cơ hội. Ảnh minh họa.
(PLVN) - Vừa qua, nhiều trường đại học trên cả nước đã bắt đầu công bố đề án tuyển sinh trong năm học 2020-2021. Cùng với đó là thông báo tăng học phí. Gây hoang mang hơn cả là khối trường Y, Dược sẽ có học phí ngành cao nhất lên tới gần 90 triệu/năm.

Học phí 90 triệu đồng/năm

Theo lộ trình tự chủ với các trường đại học, từ sau năm 2020, 100% các trường đại học đều hoạt động tự chủ. Để có kinh phí tiếp tục thực hiện các hoạt động đào tạo, các trường buộc phải tăng học phí. Tuy nhiên, điều tất yếu này đang kéo theo nhiều nỗi lo của học sinh, phụ huynh. Tiêu chí chọn trường bây giờ không chỉ cần phù hợp với năng lực mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Gây xôn xao là đề án tuyển sinh của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, học phí năm 2020-2021 ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt 70 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm. Mức học phí này tăng 2-5 lần so với mức cũ. Dự kiến học phí mỗi năm tiếp theo sẽ được trường tăng 10%. 

Về việc Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa công bố mức học phí dự kiến từ 30-70 triệu đồng/năm, ông Ngô Vũ Thắng – Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, mới chỉ nắm được thông tin Trường Đại học này tăng học phí qua báo chí.

Ngay sau đó, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế đã làm công văn yêu cầu đơn vị báo cáo, giải trình cụ thể việc này. Theo ông Thắng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị duy nhất bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020.

Tuy nhiên, thời điểm trường công bố mức học phí mới, Bộ không hề nhận được thông báo. Việc xây dựng học phí cần xin ý kiến bộ, ngành về thẩm quyền tăng học phí như thế nào. Vị này cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên xây dựng học phí thế nào, có cần khống chế mức trần không?

Trong khi đó, mức học phí hiện tại của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chỉ là 1,3 triệu đồng/tháng, tương ứng 13 triệu đồng/năm. Không chỉ Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, khoa Y - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020-2021 (dự kiến) chất lượng cao như ngành Y khoa là 60 triệu đồng/năm, Dược học 88 triệu đồng/năm. 

Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ tăng học phí từ 1 đến 2 triệu đồng dành cho tất cả các chương trình đào tạo như lớp đại trà, lớp chất lượng cao tiếng Việt, lớp chất lượng cao tiếng Anh và lớp chất lượng cao tiếng Việt - Nhật. Như vậy, học phí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nằm trong khoảng từ 17,5 triệu đồng đến 32 triệu đồng/năm.

Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, từ năm 2017 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động, nhà trường cũng đã có những thay đổi mức học phí từ đó đến nay. Trước đó, trong năm 2016, học phí trung bình của Đại học Luật chỉ khoảng 7.200.000 đồng.

Trong năm học này, Trường tiếp tục có điều chỉnh tăng học phí với các ngành đạo tạo trong nhà trường từ 500.000 đến 1.200.000 đồng. Vì mức học phí được tăng theo lộ trình giai đoạn từng năm nên so với năm 2019, học phí không có quá nhiều biến động.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố mức học phí áp dụng cho sinh viên năm nhất trong năm học tới. Theo đó, học phí sẽ dao động từ 20 đến 24 triệu đồng tùy từng ngành, mức này đã tăng so với mức từ 16-22 triệu đồng của năm ngoái. Riêng học phí các chương trình tiên tiến bằng 1,3 - 1,5 lần chương trình chuẩn cùng ngành.

Học phí 6 năm bằng cả gia tài

Trước thông tin Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tăng học phí, một số người lo lắng sinh viên nghèo khó theo học vì tính chi phí trung bình một tháng ít nhất cũng phải 7 triệu đồng. Anh Huỳnh Ngọc Hiếu (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, con có học giỏi tới đâu cũng không cho nộp đơn vào trường y. Bố mẹ lương ba cọc, ba đồng, tiền đâu mà nuôi con ăn học gần chục triệu/tháng.

Đâu phải nguyên tiền học là xong, nào là tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền sách vở, tiền đi lại, tiền ngoại khoá… một năm cũng phải trên dưới 200 triệu đồng. Luồng ý kiến khác lại cho rằng ngành Y - Dược cần nhiều thiết bị, thí nghiệm, máy móc, mô hình, dụng cụ, liên kết bệnh viện... Việc tăng học phí lên đến 70 triệu đồng/năm của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khiến dư luận thắc mắc, sinh viên lo lắng. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, học phí tính theo chi phí đào tạo một sinh viên. Từ năm học tới, Trường sẽ thực hiện tự chủ tài chính và học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%. Theo lãnh đạo một số trường đại học, mức tăng thêm này là không nhiều so với mức thu hiện nay và vẫn còn thấp hơn với chi phí đào tạo sinh viên tại trường.

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra những phân tích, đánh giá từ điểm mới trong chính sách tuyển sinh và học phí của hai trường: “Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đưa ra chính sách học phí mới với 2 ngành cao nhất là Răng - Hàm - Mặt là 70 triệu đồng/năm và ngành Y học 68 triệu đồng/năm cho năm học 2020-2021. Mỗi năm học phí tăng thêm 10%, áp dụng cho khóa 2020 trở đi.

Các trường tăng học bổng

Mặc dù, sau khi dư luận bày tỏ băn khoăn trước mức học phí mới được cho là xa xỉ của của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Nhà trường đã quyết định dành 15% số tiền học phí thu được trong năm 2020 (tương đương 15,8 tỷ) để trao học bổng học phí cho 100% sinh viên nhập học năm 2020, trong đó: 51 suất học bổng trị giá 100% học phí, 80 suất 70% học phí, 153 suất 50% học phí và 516 suất 25%.

Từ năm hai trở đi, trường sẽ trích 10% khoản thu học phí của năm học, vận động các nhà tài trợ để hỗ trợ sinh viên học bổng khuyến học và vượt khó. Học bổng khuyến học gồm 3 loại, chiếm 50%, 75% hoặc 100% học phí. Học bổng vượt khó có 4 loại với các mức 25%, 50%, 75% và 100% học phí.

Tính ra, nếu học 6 năm ra trường thì chỉ tính riêng học phí, sinh viên ngành Y đa khoa phải nộp khoảng 525 triệu đồng và ngành Răng - Hàm - Mặt phải nộp khoảng 540 triệu đồng. Cùng với chi phí sinh hoạt, cứ cho khoảng 4 triệu đồng/tháng, với 6 năm học sinh viên phải tốn khoảng 288 triệu đồng. Như vậy, một sinh viên nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học sẽ tốn khoảng 800 triệu đồng. Một con số gây sốc với rất nhiều thí sinh đang chuẩn bị thi vào trường”.

“Ngay sau khi Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh công bố chính sách học phí, rất nhiều thí sinh năm nay tại khu vực phía Nam đã nhắn hỏi tôi: “Em nên làm thế nào bây giờ”? 800 triệu đồng là một số tiền lớn. Tôi nghĩ nhiều thí sinh có năng lực nhưng gia đình không có điều kiện có thể phải gác lại ước mơ bác sỹ của mình vì mức học phí đó”, thầy Công chia sẻ.

Theo nhiều thầy cô  giáo, một số thí sinh đã tính đến việc chuyển ra Hà Nội để đăng ký nguyện vọng 1 về Đại học Y Hà Nội. Một số em có lực học yếu hơn tính đến các trường đào tạo ngành y khác trong khu vực như Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Cần Thơ hay xa hơn là Đại học Y Dược Huế.

Nếu vẫn mong muốn vào Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, các em sẽ có rất nhiều cách để vượt qua con số học phí kể trên: Tìm nguồn học bổng, vừa học vừa làm, vay vốn ngân hàng chính sách. Đam mê không đủ lớn sẽ tìm lý do và khi nỗ lực đủ lớn chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết được vấn đề này. Nhưng dù sao, trong năm đầu tiên thực hiện chính sách học phí mới vẫn có một làn sóng các thí sinh ngậm ngùi xa rời ước mơ cánh cổng Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Không ít ý kiến cho rằng, nhân viên văn phòng bình thường một tháng 10 triệu, 6 năm 720 triệu. Các trường đại học danh tiếng cứ đua nhau tăng học phí thì nhân tài đi về đâu? Tự chủ đại học là con đường tất yếu phải đi qua. Nhưng trên lộ trình đó mong các trường hãy tính toán thật hợp lý để không tước đi cơ hội học tập của những em thực sự xứng đáng… 

Đại học Y Hà Nội gây bất ngờ bằng chính sách chưa có tiền lệ

Với Đại học Y Hà Nội, đơn vị đào tạo ngành Y hàng đầu ở miền Bắc thì thông tin tuyển sinh năm 2020 của Trường cũng nhận được nhiều quan tâm của các thí sinh, gia đình và xã hội. Điểm mới và đặc biệt quan trọng là trường dành tới 25% chỉ tiêu để tuyển thẳng các đối tượng đạt giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn: Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh cùng với các thí sinh trong đội tuyển thi Olympic quốc tế và các thí sinh có giải Olympic quốc tế môn Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh. Các thí sinh đạt giải quốc tế kỳ thi khoa học kỹ thuật hoặc bảo vệ đề tài khoa học kỹ thuật bằng tiếng Anh cũng nằm trong đối tượng tuyển thẳng của Trường năm nay.

Mặt khác, chính sách cộng điểm dành cho các đối tượng thí sinh đã tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cũng là điểm mới chưa từng có: Giải nhất cộng 5 điểm, giải nhì 4 điểm, giải ba 3 điểm, giải khuyến khích 2 điểm và tham gia nhưng không có giải vẫn được cộng 1 điểm. Nếu chỉ xét riêng 400 chỉ tiêu ngành Y đa khoa, 100 chỉ tiêu cho tuyển thẳng và các chỉ tiêu còn lại có các thí sinh được cộng điểm ưu tiên khủng như trên thì các thí sinh không có điểm ưu tiên chắc chắn... 

Dù không gây sốc về học phí nhưng Đại học Y Hà Nội lại gây bất ngờ bằng chính sách tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên chưa từng có tiền lệ như trên. Các thí sinh không có điểm ưu tiên phải thực sự nỗ lực, không để sai bất kì câu hỏi nào trong 3 môn thi thì cơ hội vào Đại học Y Hà Nội của em mới được đảm bảo. Chưa kể, cùng với làn sóng thí sinh từ phía Nam và miền Trung chuyển ra và một yếu tố vô cùng quan trọng là mức độ khó của đề thi, có thể nói điểm chuẩn năm nay của Đại học Y Hà Nội là một ẩn số khó dự đoán. 

Đọc thêm

Điều chỉnh “xét tuyển đại học sớm” để bảo đảm công bằng cho tất cả các thí sinh

Việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển cần bảo đảm được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển. (Ảnh minh họa: Ngọc Hương)

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, việc có quy định chặt chẽ hơn nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh (TS) ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ II của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều em chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn.

Góp ý cho Kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2025: Nên loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào

Tuyển sinh năm 2025 có nhiều thay đổi theo CTGDPT 2018. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018), việc triển khai thực hiện chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm 2025.

Nâng cao hiểu biết pháp luật trong học sinh, sinh viên

Việc một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết về pháp luật là một thực trạng đáng báo động. (Ảnh: BD)
(PLVN) - Thời đại công nghệ phát triển, giới trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin nhưng cũng đối mặt với những hệ lụy, nhất là khi không được trang bị nền tảng kiến thức pháp luật. Một số bạn trẻ hiện nay “vô tư” thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật.

Ngăn ngừa thuốc lá mới xâm nhập học đường

Ảnh minh họa: Sở GD&ĐT Hà Nội
(PLVN) - Trước tình trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh ở giới trẻ, nhiều trường học tại các tỉnh/thành đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá mới, góp phần đẩy lùi mối lo này ra khỏi trường học.

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô
(PLVN) -  Ngày 30/11/2024 đánh dấu cột mốc vàng son trong lịch sử của Trường Đại học Thành Đô – hai thập kỷ nỗ lực không ngừng để kiến tạo một môi trường giáo dục chuẩn mực, kiên định với sứ mệnh kiến tạo không gian tích hợp WILL, gắn kết hài hòa giữa học tập, nghiên cứu, giảng dạy, thực hành, hướng nghiệp và trải nghiệm cuộc sống. Lễ kỷ niệm có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm và cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp đối tác, bệnh viện, nhà trường, báo chí…

Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.
(PLVN) - Sáng ngày 30/11/2024, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – Kinh nghiệm và thực tiễn”. Đây là sự kiện do Nhóm đề tài cấp Bộ tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, lao động và môi trường.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025: Tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh

Thay đổi dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025, bảo đảm công bằng cho thí sinh. (Ảnh minh họa: ĐHQGHN)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học 2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, các điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất.

Bộ Công an thông tin về đề thi đánh giá năm 2025

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bộ Công an cho biết, trong năm 2025, đơn vị sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong ngành bám sát chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện theo đúng các quy định trong tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.