Nhiều lợi ích khi sử dụng
Các tranh chấp kinh tế, thương mại hiện đang phát sinh với số lượng ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp hơn đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định.
Một phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển, chính là hòa giải thương mại. Cùng với thương lượng và trọng tài, hòa giải được coi là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) và rất được các doanh nhân ưa chuộng do những ưu điểm vượt trội của các phương thức này so với tố tụng tòa án.
Luật sư Vũ Ánh Dương phân tích, sở dĩ hòa giải thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến hiện nay vì thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên đương sự. Các DN có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh các thủ tục pháp lý phức tạp. Ngoài ra, khi tham gia hòa giải, với tinh thần thiện chí và hợp tác, các DN cũng dễ đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng.
Một ưu điểm lớn nữa của phương thức hòa giải là các DN tự quyết định việc giải quyết tranh chấp và luôn biết trước kết quả. Trong quá trình hòa giải, với sự hỗ trợ của hòa giải viên, các bên sẽ có cơ hội được đưa ra quyết định của mình về phương án giải quyết tranh chấp. Đây là ưu thế nổi trội của phương thức hòa giải so với các phương thức tố tụng khác, vốn khó lường trước được kết quả. Mặt khác, hòa giải mang tính thân thiện rất cao. Thông qua hòa giải, các DN có điều kiện thể hiện thiện chí, hiểu và thông cảm cho nhau hơn, giúp họ tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ kinh doanh, đối tác.
Quan trọng hơn, hòa giải là một quá trình không công khai. Đây là tiêu chí được nhiều DN quan tâm. Với việc giải quyết thông qua hòa giải, tên của các bên tranh chấp không bị tiết lộ ra công chúng, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của DN. Còn Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai bổ sung, tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại thì không có thắng thua, mỗi bên nhường nhịn nhau để đưa ra giải pháp. Thông tin liên quan đến hòa giải được giữ bí mật, trừ khi có quy định khác của pháp luật.
Tòa án sẽ “giúp sức” cho hòa giải
Với những lợi ích trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại, lần đầu tiên quy định cụ thể, hướng dẫn về hòa giải viên, tổ chức hòa giải chuyên nghiệp, trình tự, thủ tục hòa giải. Theo Nghị định, các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên
thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn nếu hòa giải có nhiều lợi ích như vậy thì tại sao bây giờ mới được ưa chuộng. Băn khoăn này cũng có cơ sở bởi hòa giải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, sẽ khó mà ép buộc các bên tuân thủ. Song theo lý giải của Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã bổ sung một chương về vấn đề công nhận hòa giải thành ngoài tòa án.
Đối với hòa giải, điều quan trọng nhất là tôn trọng sự lựa chọn, định đoạt của đương sự, không xâm phạm lợi ích của người thứ ba. Thỏa thuận phải hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối. Nội dung thỏa thuận không trái điều cấm mà pháp luật quy định, không trái đạo đức xã hội và không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba. Đáng chú ý, về thủ tục công nhận hòa giải thành, chỉ cần một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu là tòa sẽ xem xét...
Ông Hào nhấn mạnh, việc hòa giải, thương lượng ngoài tòa án được khuyến khích nhằm giảm số lượng vụ tranh chấp phải giải quyết và khắc phục tình trạng quá tải của tòa án. Tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài. Tòa án hỗ trợ bằng việc công nhận việc giải quyết đó.