Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh trên cả nước có người DTTS chiếm tỷ lệ cao với gần 74,43%, chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông…sống trải dài ở 145/151 xã, phường, thị trấn.
Trong đó, có 59 xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn, 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, khu vực I. Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đây là vùng "lõi nghèo" của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền xã Hiền Lương (Đà Bắc) tạo điều kiện cho cán bộ tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyện môn, nghiệm vụ. Đến nay, 100% cán bộ xã đạt chuẩn. (Ảnh: Lê Hanh) |
Trong những năm qua, nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ cán bộ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, tỉnh Hoà Bình chú trọng công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS. Cùng với đó, tỉnh cũng quy hoạch bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa bàn, cơ quan.
Nhằm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS, tỉnh Hoà Bình cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng DTTS và miền núi.
Đặc biệt, tập trung thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS theo chuẩn chức danh nghề nghiệp. Song song với đó là chú trọng bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ cấp cơ sở ở vùng đông đồng bào DTTS.
Hiện, toàn tỉnh Hoà Bình có 14.986 cán bộ, công chức, viên chức chiếm trên 51% là người DTTS. Cán bộ DTTS có trình độ trên đại học chiếm 1,5%; đại học chiếm trên 87%; cao đẳng chiếm trên 5,4%. Trong đó, có gần 7.000 người là người DTTS là trưởng bản, cán bộ cốt cán ở cơ sở, trên 95% biết tiếng DTTS.
Cán bộ phòng Tư pháp huyện Tân Lạc, cùng bà con xã Gia Mô trong một buổi trợ giúp pháp lý - Nơi đây chủ yếu là người dân tộc Mường (Ảnh: Lê Hanh) |
Hàng năm, tỉnh cũng tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho khoảng 1.500 cán bộ. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS và miền núi, góp phần giải quyết việc làm, ổn định sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc. Riêng trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã mở 9 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, 8 lớp tuyên truyền phòng, chống ma tuý trong đồng bào DTTS, 2 lớp bồi dưỡng chữ dân tộc Mường.
Ngoài các lớp bồi dưỡng kiến thức trực tiếp, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp triển khai thực hiện tốt chính sách cấp báo, tạp chí cho cán bộ vùng DTTS và miền núi nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật đến với cán bộ, Nhân dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Hoà Bình phấn đấu tăng thu nhập bình quân của người DTTS gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm 2,5% - 3%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4 - 4,5%.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Hoà Bình tiếp tục chăm lo, bồi dưỡng, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS, để lực lượng này trở thành “cánh tay nối dài” của cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển.