Ngày 24/5/2020, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết phản ánh về những mập mờ trong việc thu hồi đất và việc áp giá bồi thường dựa trên cơ sở Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn tài chính Việt Nam (FACOM) đưa ra. Nhiều người dân cho rằng, UBND huyện Yên Thủy chỉ định Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn tài chính Việt Nam thực hiện là không đúng quy định, thiếu khách quan dẫn đến việc định giá bồi thường đất ở không có lợi cho người dân.
Theo ông Bùi Văn Dần, ở xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lượng, huyện Yên Thủy cho biết: “Đối với việc Ban GPMB của huyện áp giá bồi thường về đất nông nghiệp thì gia đình tôi đồng ý, nhưng riêng đất ở và tài sản gắn liền với đất thì bồi thường 200 nghìn đồng/m2 là quá thấp và chưa phù hợp với giá đất ở địa phương. Trong quá trình giải quyết Ban GPMB và Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cũng chưa giải thích rõ ràng về việc này”.
Được biết, toàn tuyến đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1 qua đoạn huyện Yên Thủy có chiều dài trên 9km, với gần 500 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 3 hộ phải di chuyển nhà ở, có 22 hộ dân có diện tích đất ở thu hồi, trong đó xã Lạc Lương có 19 hộ có diện tích đất ở thu hồi.
Theo một số người dân, cán bộ xã Lạc Lương và Ban GPMB có động tác rất lạ từ việc tư vấn cho người dân chuyển từ đất ở sang đất lâu năm để nhận được nhiều quyền lợi hơn. Có không ít hộ dù đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn không khỏi nghi ngờ và lo lắng về tính minh bạch trong việc chi trả tiền bồi thường.
Theo tài liệu, các hộ được áp giá bồi thường về đất theo Quyết định số 188 ngày 24/1/2018 của UBND huyện Yên Thủy. Theo đó, đất ở nông thôn, khu vực 2, vị trí 1 (xã Lạc Lương và xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy) áp giá 200 nghìn đồng/m2; đất trồng cây hàng năm 40 nghìn đồng/m2; đất trồng cây lâu năm 55 nghìn đồng/m2 và xã Bảo Hiệu áp giá bồi thường nhỉnh hơn xã Lạc Lương giao động từ 50 – 60 nghìn đồng/m2.
Nhiều người dân phản ánh Chủ tịch huyện Yên Thủy thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết quyền lợi cho người dân |
Đáng nói, việc UBND huyện Yên Thủy áp giá bồi thường giá đất ở trên thực hiện theo kết quả tại chứng thư định giá đất của Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn tài chính Việt Nam và Tờ trình số 20 trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường giá đất.
Qua khảo sát thực tế, một số người dân cho biết, đất ở tại địa phương có vị trí giống như hộ ông Bùi Văn Dần và một số hộ dân bị thu hồi có giá thị trường khoảng 1 - 2 triệu đồng/m2 đất ở.
Đến nay người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về việc giải quyết bồi thường giá đất ở.
Đơn vị thi công nổ mìn gây lún, nứt nhiều nhà dân ở xóm Quyết Thắng, xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy |
Ngoài ra, quá trình thực hiện GPMB, đơn vị thi công nổ mìn, phá đá đã không có phương án đảm bảo an toàn đã gây lún, nứt có nhiều hộ dân.
Trước sự việc này người dân đã gửi đơn đến Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy và chủ đầu tư đề nghị dừng thi công, kiểm tra, xác định thiệt hại. Tuy nhiên, sau nhiều tháng vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm về việc nổ mìn gây lún, nứt nhà dân.
Sự việc diễn biến phức tạp nhưng đến nay UBND huyện Yên Thủy vẫn né tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.