Hồ Thang Hen – “Tuyệt tình cốc” của Cao Bằng
Từ trung tâm thành phố Cao Bằng về hướng đông bắc gần 30 km, vượt qua đèo Mã Phục thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo Tỉnh lộ 205 khoảng một cây số xuất hiện lối rẽ trái đi thẳng lên địa danh du lịch hồ Thang Hen, nơi được mệnh danh là “tuyệt tình cốc” được nhiều du khách, dần phượt gần xa thi nhau đến thăm quan.
Hồ Thang Hen nằm giữa những dãy núi bao quanh với mặt nước xanh ngát, uốn vòng theo lòng thung lũng mấp mô những mỏm đá ngầm. Người dân nơi đây nói rằng, nếu ngắm nhìn hồ từ đỉnh núi phóng tầm mắt xuống lòng hồ có thể thấy những đám mây lướt qua hệt như những dải lụa trắng tung bay trong gió.
Tên của hồ Thang Hen theo nghĩa tiếng Tày là "đuôi ong", bởi vì từ trên cao nhìn xuống thì hồ có hình tựa như đuôi con ong. Các hồ xung quanh Thang Hen là hồ Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng, Thang Hoi… Trong đó, Thang Hen là một hồ nước ngọt rộng nhất trong số 36 hồ nước ngọt, được ngăn cách riêng biệt nhưng chúng lại thông nhau bằng những hang động dưới lòng đất.
Anh Nông Văn Nam (46 tuổi) mưu sinh bằng nghề câu, bẫy tôm cá trong khung cảnh thơ mộng của hồ Thang Hen |
Không kể mùa lũ hoặc mùa khô, các hồ khác trong cùng khu vực đỏ ngầu vì bùn đất, nhưng hồ Thang Hen vẫn luôn có màu xanh ngọc bích quanh năm do hồ có thượng nguồn ở trên cao. Nước từ trong miệng hang đổ ra lúc nào cũng cung cấp, “thanh lọc” nguồn xanh trong cho hồ. Hồ có chiều rộng chừng 100–300 m, chiều dài 500-1.000 m, tùy theo mực nước.
Mỗi ngày hồ Thang Hen đều có 2 đợt thủy triều lên và xuống. Đặc biệt vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 giai đoạn lập thu, trong một đêm, nước hồ Thang Hen bị rút cạn chỉ trong vài ba giờ đồng hồ. Khu vực hồ Thang Hen có bờ vực đá dựng đứng sâu từ 5m - 30m, trên núi đá có những loại cây gỗ quý hiếm như nghiến cổ thụ có tuổi thọ hằng trăm năm và nhiều giống hoa lan rừng, các loại thực vật đa dạng phong phú cùng với nhiều loại thú hoang dã, như: khỉ vàng, gà gô, chim gáy rừng...
Tượng khỉ đá và nhà sàn ở Khu du lịch Thang Hen, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) |
Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên là Sung thông minh, chịu khó. Chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng bảy ngày vinh quy bái tổ. Sau đó, chàng về quê rồi kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp, nết na nhất trong vùng.
Mải quyến luyến bên người vợ xinh đẹp mới cưới, chàng quên mất ngày trở về kinh. Cho đến đêm thứ bảy chàng mới nhớ ra và vội vàng chia tay vợ và bố mẹ chạy về kinh. Giữa đêm tối trong rừng hoang, chàng chạy được 36 bước chân thì ngã đầu đập vào núi rồi chết. 36 bước chân của chàng ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ với những tên gọi khác nhau, nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay.
Những phận đời mưu sinh nơi lòng hồ
Mùa khô, nước hồ Thang Hen rút xuống khá nhiều nên việc đánh cá cũng khá dễ dàng đối với những người dân sinh sống bên hồ. Một số người dân xã Quốc Toản ở xung quanh hồ vẫn tranh thủ trong thời gian mỗi buổi chiều câu tôm cá để mang ra chợ phiên bán kiếm thêm thu nhập. Hồ Thang Hen thực sự là nơi thiên nhiên ưu đãi những con người từ phương xa về đây xây dựng kinh tế mới năm xưa và phát triển đời sống đến tận hôm nay.
Anh Nông Văn Nam (46 tuổi) sinh sống ngay gần hồ Thang Hen từ nhỏ và có nhiều năm kinh nghiệm săn tôm cá dưới hồ cho hay: “Nhà tôi ở ngay gần hồ Thang Hen này, chỉ có vài ngôi nhà ở đây thôi nên chủ yếu là câu tôm cá, kiếm mấy loại rau rừng về ăn và bán ở thị trấn và đèo Mã Phục cho khách hay đi lại nữa. Nếu cả ngày ngồi trên thuyền câu thì cũng kiếm được khoảng 200-300 nghìn đồng.
Nhà sàn cổ của người Tày, Nùng ở Cao Bằng trong Khu du lịch Thang Hen |
Anh Nam cho biết, gặp lúc thuận lợi, tiền bán tôm cá cũng được 500 nghìn đồng/ngày, nhưng cũng có ngày chỉ kiếm được mấy chục nghìn đồng. Công việc cũng không vất vả lắm, chủ yếu là kiên trì, nhẫn nại ngồi chờ đời tôm cá cắn câu nhưng cũng đòi hỏi kinh nghiệm nữa. Người có kỹ năng, kinh nghiệm nhiều thì được nhiều tôm cá, không thì ngồi cả ngày cũng chỉ được vài con đủ cho gia đình ăn một bữa thôi”.
“Hồi xưa, tôi đi bộ qua đồi này rẫy nọ để săn thú rừng nhưng bây giờ không còn nữa. Gia đình phải chuyển sang nghề đánh bắt cá trên lòng hồ, bán kiếm gạo sống qua ngày. Nhưng mấy tháng qua, cá trên hồ cũng hiếm dần. Nhiều năm kéo lưới, bàn tay họ đã chai sạn, vết xước trên tay chằng chịt lẫn vào đường chỉ tay.
Sống ở lòng hồ kiếm kế mưu sinh rất nguy hiểm, mỗi khi xảy ra mưa bão, nước lớn không chỉ tài sản đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm mà còn đe doạ tới tính mạng con người. Biết khó khăn, vất vả nhưng không còn lựa chọn nào khác”, ông Chung – một người dân khác đã sống ở bên hồ Thang Hen, xã Quốc Toản từ nhỏ chia sẻ.
Trời vừa sập tối, ánh nắng chiều vừa khuất dưới những ngọn đồi cũng là lúc anh Nam buông xong tay bẫy câu làm bằng tre cuối cùng. Đưa thuyền vào chân núi gần bờ, ngồi nghỉ ngơi một lát, anh Nam lấy hộp nhựa đựng cơm từ trong chiếc thùng xốp nhỏ mang theo trên thuyền ra để dùng bữa tối ngay trên thuyền.
Bữa tối của anh Nam chỉ là cơm nguội mang theo từ chiều và một ít trứng kho. "Từ ngày hành nghề đánh bắt cá trên lòng hồ, hầu như buổi tối nào việc ăn uống, thậm chí ngủ tối cũng trên thuyền. Nên trên thuyền lúc nào mình cũng thủ sẵn chiếc mền để tranh thủ chợp mắt trong khi chờ kéo bẫy"- anh Nam chia sẻ.