Tuy nhiên, Hội đồng xét xử TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên các bị cáo cùng mức án 15 tháng tù giam khiến dư luận bàng hoàng, nhiều người cho rằng phán quyết thiếu đi cái Tình của người “cầm cân nảy mực”.
Sáng 31/12/2013, sau khi nghe tin em Tu Ngọc Thạch (SN 1999, học sinh lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) bị Lê Minh Phát và Lê Tấn Khoẻ (nguyên công an viên xã Vạn Long) đánh tử vong trên đường đưa về nhà, người nhà nạn nhân và dân chúng tụ tập rất đông trước cổng UBND xã Vạn Long và trên quốc lộ 1 (đoạn ngã tư Cây Duối) để la hét, phản đối gây tắc đường. Trong đó có ông Nguyễn Văn Ly (43 tuổi) và Mai Thành Tâm (47 tuổi) là cậu ruột và bác họ của em Thạch.
Theo cáo trạng, hai ông Ly và Tâm cùng một số người khác vừa đi vừa la:“Công an đánh chết người! Công an đánh chết người, bà con ơi!” làm một số người bị kích động hùa theo.
Sau khi được chính quyền giải thích, đề nghị giải tán, nhiều người không còn tham gia nhưng hai ông Ly và Tâm tiếp tục hô hào, kích động làm cho cả ngàn người kéo ra quốc lộ 1 gây mất trật tự công cộng, ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Đến khoảng 15h30' cùng ngày, khi có lực lượng cảnh sát cơ động hỗ trợ, quốc lộ 1 mới được thông xe.
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Ly và Tâm cho rằng vào thời điểm 2 ông Ly và Tâm la lối đã có rất đông người tụ tập và quốc lộ 1 đã bị ách tắc. Cáo trạng không chứng minh được ai đã bị 2 bị cáo trên kích động để kéo ra đường chặn xe, như vậy không thể buộc tội 2 bị cáo là kích động dẫn đến ách tắc giao thông. Nếu 2 bị cáo bị khởi tố thì những người tụ tập gây ách tắc giao thông trước đó cũng phải bị khởi tố mới công bằng.
Các luật sư cho rằng việc hò hét, la lối của ông Ly và ông Tâm có thể “thông cảm” vì xuất phát từ nỗi đau mất cháu sau khi bị Công an xã đánh chết chứ không nhằm mục đích kích động nhiều người.
Nỗi đau khổ của người thân các bị cáo khi nghe tòa tuyên án. |
“Bản chất của vấn đề là cái chết oan khuất của một cháu học sinh vô tội 15 tuổi vì bị công an đánh đã gây bức xúc nhiều”- những người dự phiên tòa đồng tình với nhận định của một luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Trước tòa, các bị cáo thừa nhận có hành vi hò hét, la lối của mình là sai do không hiểu biết pháp luật và vì bức xúc trước cái chết của cháu nên hành động như thế. Đại diện VKS cũng thừa nhận trước khi 2 bị cáo này hô la đã có nhiều người tụ tập, quốc lộ 1 bị ách tắc.
Tuy nhiên, vị đại diện VKS cho rằng nếu 2 bị cáo không hò la, kích động thì vụ việc sẽ được giải quyết nhanh, quốc lộ 1 không bị ách tắc lâu. Đại diện VKS đề nghị mỗi bị cáo chịu mức án từ 15 tháng đến 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Gây rối trật tự công cộng” vì phạm tội trong hoàn cảnh bị kích động do cháu bị đánh chết.
Tuy nhiên, sau gần một giờ nghị án, Hội đồng xét xử TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên phạt mỗi bị cáo 15 tháng tù giam về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Nhiều người dự khán tỏ ra bất ngờ, bức xúc trước bản án tòa tuyên. Đành rằng hành vi của các bị cáo là sai nhưng phán quyết của Tòa đã thiếu cái tình của người xét xử. Sau khi cháu bị đánh chết, cậu và bác lại phải vào tù, nỗi đau chồng chất trong lòng người thân của các bị cáo…
Liên quan đến vụ án này, vào cuối tháng 11/2014, TAND huyện Vạn Ninh đã xử vụ đánh chết em Tu Ngọc Thạch, tuyên phạt bị cáo Lê Minh Phát (nguyên công an viên xã Vạn Long) 6 năm 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và “Bắt người trái pháp luật”; Lê Ngọc Tâm (nguyên công an viên xã Vạn Long) 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Bắt người trái pháp luật” và Lê Tấn Khỏe (SN 1999) 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm trên đã bị TAND tỉnh Khánh Hòa trong phiên xử phúc thẩm vào tháng 3/2015 tuyên hủy, trả hồ sơ để điều tra lại vì nhiều tình tiết chưa được làm rõ./.