Hình ảnh con ngựa tung vó phi nước đại của Gimiko cũng chính là khát vọng của đời ông, khát vọng tận dụng từng phút, từng giây có mặt trên đời…
Nổi danh ở tuổi U30
Ông Lê Trung Hiếu sinh năm 1938 trong một gia đình có 7 anh em, ông Hiếu là anh cả. Nhà nhiều miệng ăn, tất cả đều trông cậy vào nghề khâu giày của bố. Để đỡ đần chi phí cho gia đình, Lê Trung Hiếu học một buổi, buổi còn lại đi làm công, lại còn cố gắng đi học tiếng Anh. Không có tiền đóng học phí, 3 tháng đóng được một tháng, đuổi tới đuổi lui nhiều lần đến nỗi nhà trường phải xiêu lòng trước cậu học trò hiếu học, đành phải cho học không lấy tiền.
Năm 17 tuổi, ham thích việc tỉ mỉ, chính xác, anh thanh niên Lê Trung Hiếu học thêm nghề sửa đồng hồ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tư chất thông minh, chỉ sau 3 tháng ông đã lành nghề trong khi người bình thường phải mất tới 3 năm. Vừa có học lực lại vừa có nghề sửa đồng hồ khá giỏi nhưng Lê Trung Hiếu vẫn chưa gặt hái được bất kỳ thành công nào.
Một ngày, ông cụ thân sinh của Hiếu chê “chẳng thấy con làm nên trò trống chi”. Nổi máu tự ái, chàng trai trẻ bỏ nhà ra đi và không quên nói với bạn bè “sẽ trở về với sự nghiệp trong tay”. Sau thời gian làm việc cho hãng RMK (Mỹ) rồi đi dạy Anh văn, Lê Trung Hiếu vẫn chưa thể làm giàu.
Thấy ở Sài Gòn khó “cạnh tranh” được, ông bèn mạo hiểm ra miền Trung tìm đường làm ăn. Tại vùng đất miền Trung nắng gió, ông Hiếu nhận ra những mặt hàng nhu yếu phẩm được tiêu thụ rất mạnh nhưng lại thường thiếu hàng vì khâu phân phối không thông suốt. Vậy là ông đứng vào khâu phân phối, mua đi bán lại hàng hóa, lấy của người có bán cho người cần, hưởng lãi chênh lệch.
Bắt đúng mạch thị trường, chỉ vài năm sau, doanh nhân trẻ Lê Trung Hiếu đã có trong tay bạc triệu, có xe hơi riêng, nổi danh cả vùng Trung Bộ. Năm 30 tuổi, Lê Trung Hiếu đã trở thành một trong những người giàu nhất giới doanh nhân Việt Nam lúc bấy giờ.
Gimiko từng chiếm 60% thị phần đồng hồ trong nước. |
Là người nhạy cảm, đại gia trẻ ấy sớm nhận ra ngưỡng của sự thăng tiến. Khi tiền đồ đạt đến đỉnh cao, công việc làm ăn vẫn đang thuận lợi, Hiếu nhận ra thị trường miền Trung đang đến độ bão hòa cùng với những biến động thời cuộc xảy ra. Hiếu trở về Sài Gòn năm 1969, tiếp tục tìm ra được cách kinh doanh thành công.
Thấy con đường Tạ Thu Thâu nối đường Nguyễn Trung Trực qua chợ Bến Thành, lượng người qua đây chủ yếu đi sắm vải. Vậy là, ông mạnh dạn thuê nhà ở Tạ Thu Thâu để kinh doanh vải ngoại nhập và nội địa các loại. Chuyện mua bán phát đạt, lôi kéo nhiều người khác nhảy vào kinh doanh, biến con đường Tạ Thu Thâu trở nên sầm uất, tấp nập kẻ mua người bán. Thế nhưng, khi có nhiều người cạnh tranh, mãi lực không “ngon” như lúc đầu, ông lại bỏ kinh doanh vải.
Lần này, ông tham gia thành lập Công ty Thực phẩm Hà Tiên, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy hải sản sang Nhật cho đến ngày 30/4/1975. Nhưng trong lần thứ 3 lập nghiệp này, Lê Trung Hiếu lại phải nhận trái đắng, lần đầu tiên doanh nghiệp của ông phải phá sản do nhân sự xáo trộn, môi trường kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp của ông không bắt kịp với những thay đổi thời cuộc.
Sau 1975, bà con, bè bạn của ông Lê Trung Hiếu lần lượt đi định cư ở nước ngoài. Bản thân ông Hiếu cũng bị một áp lực rất nặng từ trong gia đình về chuyện phải ra đi. Song ông chọn ở lại bởi theo ông, cuộc sống giàu sang, của cải đầy nhà nhưng sống ở nơi không phải quê hương mình thì thật khó. Vả lại, ngay tại quê hương, ông cũng đang là người thành đạt, giàu có, là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm Hà Tiên (Hatico), một công ty đang ăn nên làm ra.
Làm lại từ đầu ở tuổi 40
Đời sống ngày càng khó khăn hơn, hoạt động kinh doanh của Hatico bị đình trệ, Công ty ngưng hoạt động và giải thể. Từ đại gia trở nên trắng tay, nhưng nhờ tuổi vẫn còn trẻ, ông vẫn quyết làm lại từ đầu bằng một hiệu sửa chữa đồng hồ nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, kiếm sống qua ngày.
Chỉ được một thời gian ngắn, biến cố lại ập đến với gia đình ông. Năm 1978, cả gia đình ông phải rời bỏ thành phố đến vùng kinh tế mới tại sông Bé, với hai bàn tay trắng. Đối với người khác phải làm lại từ đầu có lẽ là điều không dễ, nhất là khi họ đã bước vào tuổi 40. Tuy nhiên, ông không nản lòng, cũng không ân hận về quyết định ở lại và cho rằng còn bàn tay và khối óc, vẫn có thể gây dựng lại.
Tại vùng kinh tế mới, ông Hiếu làm công cho một anh thợ sửa đồng hồ khác. Được ít lâu, với đồng tiền tích cóp được, ông mua đồ nghề ra làm riêng. Những năm đầu giải phóng, đặc biệt là ở vùng kinh tế mới, cái ăn còn khó, nói chi đến đồng hồ đeo tay. May mắn là nơi ông ở gần một doanh trại bộ đội. Hầu như anh bộ đội nào cũng có đồng hồ, đa số là đồng hồ Liên Xô, vậy là có mối đều đều.
Đến năm thứ 4 định cư ở vùng đất mới, tiếng tăm về Lê Trung Hiếu bay xa. Năm 1982, một công ty quốc doanh chuyên sản xuất đồng hồ ở Sài Gòn mời ông về phụ trách kỹ thuật, làm cửa hàng trưởng tại quận 1. Năm 1986, Nhà nước mở cửa, ông Hiếu cảm nhận thời cơ đã đến điểm. Năm 1987, ông xin nghỉ quốc doanh để ra làm tư nhân và đến năm 1989, cùng 6 người bạn chí thú ra mắt tổ hợp sản xuất đồng hồ Gimiko, tổ hợp đầu tiên ở thành phố.
Gimiko ra đời đánh dấu lần đầu tiên trên thị trường Việt Nam xuất hiện loại đồng hồ treo tường với những nét hoa văn “cây nhà lá vườn” của gỗ mít, do thợ ở Lái Thiêu gia công. Tất cả các công đoạn chủ yếu là thủ công nhưng chất lượng và hình thức ngang ngửa với đồng hồ Tây, còn về giá cả thì ăn đứt nên được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận.
Có điều, công nghệ tẩm sấy lúc ấy chưa có, nhiều đồng hồ gỗ mít xuất đi nước ngoài bị ảnh hưởng thời tiết nên co rút, cong vênh làm Gimiko gặp chút... tai tiếng. Rút kinh nghiệm, ông Hiếu nghiên cứu chuyển sang vỏ nhựa, nguyên liệu lại không có, phải mua nhựa phế liệu các loại (vỏ tivi, tủ lạnh...) về ép lại rồi sơn mới và được khách hàng đánh giá cao.
Nhưng thương trường như chiến trường, chỉ được vài năm - năm 1993, nhiều cơ sở đồng hồ khác ra đời, tạo nên sự cạnh tranh khá gay gắt. Nhưng “ác” nhất là tình trạng ăn cắp mẫu mã, ăn cắp bản quyền rất dữ dội, trong khi bảo hộ quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp thời bấy giờ gần như không tồn tại. Trong tình hình đó, Gimiko buộc phải liên tục cải tiến từ quản lý sản xuất đến cung cách phục vụ, thiết kế mẫu mã, kiểu dáng.
Từ một loại đồng hồ treo tường và để bàn đơn giản, Giám đốc Lê Trung Hiếu đã sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, rồi có thêm đồng hồ Gimiko báo giờ bằng tiếng Việt, bằng tiếng gà gáy, loại đồng hồ có quả lắc... Đổi lại, sự sáng tạo đó đã đem về cho Gimiko hơn 60% thị phần đồng hồ ở Việt Nam một thời.
Vài năm gần đây, tin tức về thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam không còn thấy xuất hiện nhiều, cũng có thông tin rằng Gimiko đã đổi sang tên gọi khác. Tuy nhiên, ông chủ Gimiko vẫn luôn là một minh chứng sống động về những bài học thất bại, về tình yêu đối với quê hương xứ sở, với công việc, về nghị lực vươn lên của con người.