Dư luận tại TP.HCM cho rằng, nếu Ban Giám hiệu, trực tiếp là Hiệu trưởng Lê Văn Lý có báo cáo thuế trung thực hàng năm, thì số tiền này sẽ được đầu tư thỏa đáng vào việc mua sắm máy móc, thiết bị phòng thí nghiệm phục vụ sinh viên. Đây thực sự là hành vi thiếu trách nhiệm, làm thất thoát tiền của sinh viên đóng góp. Được biết, nhà đầu tư cam kết đầu tư vào ĐHHùng Vương “phi lợi nhuận”, trong khi đó Hiệu trưởng lại làm thất thoát tiền công. Như vậy việc quản lý của Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương Lê Văn Lý thật tắc trách.
Những con số giật mình
Cục Thuế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt vi phạm pháp luật về thuế đối với Trường Đại học (ĐH) Hùng Vương TP.HCM với số tiền là 1,742 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, Cục Thuế TP.HCM tiến hành phạt, truy thu tiền thuế của trường số tiền 3,759 tỷ đồng.
Từ sự việc trên, tìm hiểu nội tình của ĐH này càng thấy rõ, vị Hiệu trưởng họ Lê đã 73 tuổi này suốt những năm từ 2007 đến nay đã gây ra nhiều điều khuất tất, khiến cán bộ, giáo viên nhà trường bất bình.
Theo văn bản tổng hợp của Thanh tra ngành Thuế với ĐH Hùng Vương, việc chi tiêu của Hiệu trưởng sai nguyên tắc, như không có chứng từ, chi bồi dưỡng sai… nên quỹ vốn bị thất thoát, chi tiêu trái nguyên tắc tài chính. Đơn cử như việc mở, ghi chép, hạch toán trên hóa đơn chứng từ và sổ sách chưa đúng theo quy định; chưa kê khai doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT); kê khai thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân chưa đúng; việc đáng sợ hơn là chứng từ không hợp pháp (bị Thanh tra Thuế loại ra) lên tới hàng chục tỷ đồng, và cơ quan thuế đã coi như là lợi nhuận của trường và đánh thuế thêm vài tỷ đồng vào số lợi nhuận mà trường không được hưởng này, nhưng lại còn mất thêm tiền thuế nữa, đúng là thiệt thòi cho các em sinh viên quá!
Dư luận còn cho biết, việc thuê nhà của ĐH này cũng rất tốn kém, thất thoát, trong khi Trường đã có trụ sở, đáng ra phải chuyển về rồi thì Hiệu trưởng vẫn tiếp tục đi thuê, gây thiệt hại không đáng có cho quỹ hàng chục tỷ đồng!
Chủ tịch HĐQT bị vô hiệu hóa
Năm 2004, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) được Thành ủy TP.HCM mời làm nhà bảo trợ cho ĐH Hùng Vương. Kể từ khi trường chuyển từ dân lập sang tư thục, ngoài tiền tài trợ học bổng, tổng số tiền góp vốn bất vụ lợi (tiền lãi phát sinh sẽ dùng để tái đầu tư) của cá nhân Chủ tịch SGI cùng bạn bè lên tới 50 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ tài chính của người đứng đầu SGI, ĐH Hùng Vương nhiều lần vượt qua khó khăn. Đáng tiếc thay, giờ đây Chủ tịch SGI với tư cách là Chủ tịch HĐQT của ĐH Hùng Vương đang bị ông Hiệu trưởng vô hiệu hóa.
Bằng chứng là Đại hội cổ đông của ĐH Hùng Vương cho tới nay chưa thể triệu tập, chỉ vì không có con dấu để đóng vào hồ sơ. Trước tình hình này, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức cuộc họp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ, có kết luận “không được cản trở quyền sử dụng con dấu hợp pháp của Chủ tịch HĐQT”, nhưng Hiệu trưởng Lý vẫn phớt lờ, chiếm giữ riêng.
Ngày 23/6 mới đây, nhóm HĐQT gồm 5 người đã yêu cầu Hiệu trưởng giao lại con dấu nhưng ông Lý không chấp thuận, cho rằng "Hiệu trưởng mới là người trực tiếp quản lý con dấu", rồi viện ra nhiều lý do để Đại hội cổ đông và HĐQT phải “bó tay”.
Không có các văn bản pháp lý để “người đại diện” cho các cổ đông triệu tập, báo cáo, kiểm tra, giám sát… Hiệu trưởng Lý càng bám giữ vị trí, thao túng nhà trường tìm cách “tháo gỡ” những sai phạm mà ngành Thuế và dư luận đã phanh phui. Chưa ở đâu, Hiệu trưởng - thực chất là người được HĐQT chọn, thuê quản lý - lại tác oai tác quái như vậy.
Được biết, TP.HCM đã quyết định thanh tra toàn diện ĐHHùng Vương. Những khuất tất của người đứng đầu ĐH này và kế toán trưởng chắc chắn sẽ bị dư luận và pháp luật phanh phui làm rõ.
Nhân Văn