Mấy ngày này, cộng đồng mạng lai ồn ào vụ Phương Thanh làm từ thiện. Từ một status “kể tội” người dân vùng lũ đòi hỏi nhiều, so sánh này nọ, nữ ca sĩ đã làm cả hai vùng đất sục sôi. Người dân Quảng Nam, dù không được nhắc đến trong bài viết, nhưng lại là đối tượng Phương Thanh muốn nói. Người dân Quảng Ngãi, nơi bị Phương Thanh “nhầm” với Quảng Nam thì hết sức tức giận, cho rằng nữ ca sĩ “vơ đũa cả nắm”, xúc phạm người dân quê hương mình. Làm từ thiện là điều đáng để trân trọng, nhưng, khiến người dân cảm thấy tổn thương, điều này cũng cần nhìn nhận lại về cách cho và hành xử của mình.
Trong một đoạn clip khác, không biết do ai tung lên, khi đoàn của Thủy Tiên về phát quà, có một chị nọ xếp hàng nhận 2 lần. Dù chưa biết sự thể thế nào, vì đằng sau sự việc “xếp hàng 2 lần” ấy còn nhiều lý do có thể chấp nhận, nhưng người quay clip, người đăng và nhiều người khác vào rủa xả không tiếc lời, cho đó là “tham lam”, “kém văn hóa”. Cho dù rằng, thật sự người phụ nữ ấy xếp hàng nhận đến hai lần, thì người dân vùng lũ khốn khổ nhận quà “rốn” thêm một chút đáng để bị chà đạp, xúc phạm đến thế ư?
Người Việt vốn rất dễ mềm lòng, tinh thần nhân ái cao. Bất cứ một biến cố, từ dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, nạn tai, đều thấy người người đồng lòng, chung sức giang tay giúp đỡ, ủng hộ nhau. Nhưng đâu đó, vẫn còn rất nhiều hình ảnh không đẹp của sự làm từ thiện. Những đoàn từ thiện đi ngang vứt quà xuống đường cho người dân, ngang nhà dân vứt những thùng mì vào, quẳng kẹo cho trẻ em nghèo… Có lần, một đoàn từ thiện còn bị cộng đồng mạng phản ứng sau khi lộ clip người phát từ thiện chửi mắng người nhận quà, vì không chịu xếp hàng.
Người nghèo xấu xí và tội nghiệp đến thế ư? Có một người bạn miền Trung, mấy ngay này cùng gia đình chống chọi giữa tâm bão đã nói với tôi rằng, sao họ để người dân quê em xuất hiện với hình ảnh tệ đến thế. Em chưa thấy người dân quê em chung quanh phàn nàn hay so đo nhau chiếc phong bì hay túi quà bao giờ!
Vào đợt đầu tiên Đại dịch Covid hoành hành ở Việt Nam, có biết bao người lâm cảnh khó khăn. Một doanh nghiệp đã nghĩ ra cách rất hay, chế tạo nên chiếc ATM gạo. Xuất phát điểm của ATM là muốn trao thực phẩm cho người dân gặp khó trong bữa ăn hàng ngày mà không cần phải tổ chức cấp phát, tiếp xúc tận mặt, vừa tiện dụng lại vừa có thể tránh cho người nghèo cảm thấy mặc cảm, mất tự nhiên. Đó là một cách làm đầy ý nghĩa. Thế nhưng, những người vận hành ATM cũng đã mắc phải sai sót không hay. Khi một cô bé xếp hàng để chờ nhận gạo, em ăn măc tươm tất, có bạn chở theo. Người quan sát phía bên trong camera đã có suy nghĩ rằng em không quá khó khăn mà vẫn đến nhận, rằng e có đồng bọn theo cùng, hoặc vì lý do nào khác, nên qua loa phóng thanh đã chỉ đích danh em, mời em về. Clip quay cảnh em gái nhỏ hoang mang, xấu hổ đã khiến không ít người nổi giận. Có thể thông cảm được rằng trước đó, nhiều kẻ xấu đã tổ chức trục lợi từ tấm lòng hào hiệp của những người thực hiên ATM gạo. Nhưng chính cách hành xử không khéo đã khiến một hoạt động đẹp đẽ suýt nữa thì không thể tiếp tục.
Có thể thấy rằng, còn nhiều người, nhiều tổ chức nghĩ mặc định, người nghèo thì cần trông khốn khổ. Cho nên, có những trường hợp, đoàn từ thiện đã từ chối tặng quà cho người phụ nữ vùng quê đi xe tay ga ăn mặc tươm tất. Hoặc nhiều đoạn clip tung ảnh người dân nhận quà đeo nhiều vàng với bình phẩm đầy tính chế giễu. Có chắc rằng những hình ảnh ấy đã phản ánh đúng sự thật về hoàn cảnh của người đi nhận quà? Chưa kể đến, có những đoàn thiện nguyện, với mong muốn kêu gọi sự ủng hộ của Mạnh thường quân, còn bắt người nhận quà tạo tình cảnh khốn khổ, trang phục xấu xí để chụp ảnh.
Ở những nước phương Tây, có những cảnh, người nghèo, vô gia cư xếp hàng nhận quà, họ sạch sẽ, tươm tất, thậm chí có người còn mặc áo vest. Vì, cho dù đi nhận quà từ thiện, họ vẫn ngẩng cao đầu, không cho mình là kẻ thấp kém hơn. Họ được quyền diện bộ đồ đẹp nhất, dáng vẻ sáng láng nhất. Vì họ biết họ nghèo, nhưng không chấp nhận mình hèn.
Từ bao giờ, người nghèo thì buộc lòng mặc áo rách? Trẻ em miền quê buộc lòng phải nhem nhuốc, dơ bẩn? Tại sao người dân đi nhận quà là phải cúi gằm mặt, thảm thương, sụt sùi? Hay chen chúc, giành giật quà? Là do người nhận tự cảm thấy mình thua kém, khổ sở, hay do hình ảnh này cũng khiến người tặng thỏa lòng?
Tôi không biết nữa, chỉ biết rằng, nhìn những bức ảnh, những clip cứ lan truyền rầm rộ trên mạng xã hội về hình ảnh “người nghèo”, tôi thấy nhoi nhói trong lòng. Có lẽ, chẳng ai, dù nghèo khó hay bệnh tật muốn mình xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội với hình ảnh không mấy đẹp đẽ như thế. Họ không nói ra, vì họ giữ trong lòng, vì tôn trọng và biết ơn người tặng, và cũng vì không biết phải phản ứng thế nào mà thôi.
Tôi có một người bạn. Anh lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo. Trước ngày anh tổ chức trao quà, chụp ảnh, anh có mua sắm quần áo tươm tất gửi tặng để các em “lên hình cho đẹp”. Khi tặng quà, có em đầu cúi gằm, anh bảo ngẩng đầu lên, đừng tự ti, cũng đừng nghĩ mình thua kém. Anh tặng học bổng cho các em, bởi vì các em xứng đáng được nhận. Các em không nợ gì anh, không cần phải thấy các em bé nhỏ hay anh vĩ đại. Các em chỉ đơn giản là nợ cuộc đời một lời hứa sống hữu ích. Nên phải ngẩng cao đầu mà phấn đấu, nghe không!