Những bức ảnh lên tiếng
Cách đây không lâu, trên một diễn đàn chuyên chia sẻ những bức ảnh đời thường, bức ảnh: “Hãy đặt máy xuống để thực sự bên con” của tay máy Đặng Thị Thu Thảo đã khiến không ít người giật mình. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bất chợt của 3 nhân vật ngồi trên một chiếc ghế băng dài. Hai người lớn, một người đàn ông và một người phụ nữ ngồi ở hai đầu, cả hai đều chăm chú nhìn vào smartphone. Ở giữa chiếc ghế băng, một cậu bé đang mím chặt môi, mặt hơi cúi, hướng ánh nhìn xuống đất, khoanh tay trước ngực, ôm một chai nước suối. Giữa ánh nắng vàng của mùa hè, 3 người họ, tuyệt nhiên không có sự giao tiếp hay điều gì thể hiện một “mối liên quan” cụ thể. Cảm giác nổi bật nhất, khi ngắm nhìn cậu bé ở giữa ghế băng, đó là một nỗi cô đơn – cô đơn giữa thế giới của công nghệ, thế giới của người lớn.
Cá nhân người chụp bức ảnh này, chị Thu Thảo vẫn tin vào cảm nhận của mình, rằng đó thực sự là một gia đình. Chị kể, mình đã chụp lại bức ảnh ở một băng ghế quanh hồ Hoàn Kiếm, sau khoảng 15 phút lặng im quan sát họ. “Bé trai ngồi rất ngoan trên ghế, chỉ vặn vẹo thôi chứ không chạy đi loanh quanh, ánh mắt thì buồn rười rượi; còn hai người bên cạnh vẫn chăm chú nhìn điện thoại. Trong suốt thời gian đó, ba người không hề giao tiếp với nhau, cũng không nhìn nhau; nhưng cũng không có ai khác đến bên cạnh em bé cả. Mình nghĩ đó chính là bố mẹ bé. Và hình ảnh đó đập vào mắt mình nên mình chụp lại”.
“Đứa trẻ công nghệ” là một bộ ảnh khiến bất cứ một ông bố, bà mẹ nào cũng phải giật mình xem lại vì thấy thấp thoáng hình ảnh của chính mình, con mình ở trong đó vì câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi trong chính gia đình mình rồi trở thành “nô lệ” cho các thiết bị điện tử thông minh hay những nỗi trăn trở của cha mẹ về việc làm sao “cai nghiện iphone, ipad” cho con… chưa bao giờ “nguội” trên các diễn đàn làm cha mẹ. Hình ảnh thường thấy trong các gia đình hiện đại là hình ảnh những đứa trẻ lặng lẽ ngồi một góc, mắt chăm chú vào màn hình điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng hàng giờ mà chẳng cần bất cứ một sự giao tiếp trong gia đình nào khác hay những đứa trẻ vừa ăn vừa được xem clip hoạt hình, vui nhộn… trên điện thoại để nhanh chóng hoàn thành bữa ăn của mình hoặc mỗi thành viên trong gia đình “ôm” một thiết bị điện tử khi đi chơi cùng nhau hay thậm chí là khi đang ngồi trên bàn ăn gia đình sau khi bữa ăn đã kết thúc….
Đỗ Xuân Bút - tác giả của bộ ảnh cho biết: “Ý tưởng thực hiện bộ ảnh này lóe lên từ lời tâm sự của bà ngoại mình khi bà kể về đứa chắt 2 tuổi. Bà phàn nàn vì dù mới 2 tuổi nhưng đứa nhỏ rất hay chơi điện thoại và mẹ của cháu cũng hay dỗ con bằng thiết bị công nghệ. Có lẽ vì thế là đứa nhỏ trở nên cáu gắt cũng như hay đòi…”.
Lựa chọn tổ ấm gia đình hay “tổ kén” công nghệ?
Sẽ là quá thừa nếu như bài báo này tiếp tục kể những câu chuyện buồn của gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ bởi sự tác động vô cùng mạnh mẽ của thế giới ảo, dẫu biết rằng không thể phủ nhận lợi ích mà internet và mạng xã hội mang đến. Có một thực tế, dù không muốn nhưng vẫn phải thừa nhận rằng ngay trong mái ấm, bên mâm cơm gia đình mỗi thành viên trong gia đình có thể ngồi bên nhau nhưng trái tim, suy nghĩ của họ đều dành cho “người trên mạng” thay vì chính người thân bên mình.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã liên tục đứng trong top 20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới với tỷ lệ hơn 30% dân số, đứng thứ 8 trong khu vực châu Á. Tổng thời gian trung bình mà một người Việt Nam truy cập vào mạng xã hội trong ngày là 2 tiếng. “Chúng ta đang là những “khách trọ” cô đơn trong chính tổ ấm của mình” – đó là suy nghĩ của chị Dương Thị Hạnh đại diện Đoàn cơ sở Thư viện Quốc gia Việt Nam về sự khác biệt giữa bữa cơm xưa và nay khi có sự tác động của công nghệ. “Khách trọ” cô đơn trong tổ ấm vì khung cảnh thường thấy ở nhiều gia đình thời nay là sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng, các thành viên vẫn quây quần đầy đủ bên mâm cơm, nhưng không gian vắng hẳn tiếng chuyện trò rôm rả mà thay vào đó, mỗi người tập trung vào thiết bị di động trên tay mình. Thậm chí những bữa ăn quây quần trở nên hiếm hoi và nếu có cũng diễn ra vội vàng, ai cũng muốn nhanh quay về “tổ kén” của mình với một chiếc máy tính, một chiếc smatphone có kết nối mạng.
Cũng đề cập đến khái niệm “tổ kén”, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Mai - Trường ĐH Văn hóa Hà Nội tại Tọa đàm “Xây dựng văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại” do Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL tổ chức mới đây đã nêu ra hiện tượng được gọi là “di cư trí thức” hiện đang diễn ra phổ biến. Sống ở quốc gia này vẫn có thể nối mạng làm việc cho một quốc gia khác. Ngồi trong phòng ngủ mà có thể điều khiển cả mạng lưới kinh doanh. Không gian sống trong nhà giờ đây không chỉ cần đến phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ cha mẹ, phòng ngủ con cái mà còn phải có phòng làm việc cho mỗi người. Ngôi nhà hôm nay của mỗi người bao chứa cả phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim, cung thể thao, sân bóng đá... Tất cả được tích hợp trong máy thu hình, trong chiếc laptop và gọn nhẹ hơn trong chiếc điện thoại di động. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Mai nhận định: “Kết quả là tuy sống trong cùng một nhà nhưng các thành viên trong gia đình ngày càng ít trao đổi với nhau, mỗi người chui vào một “tổ kén” với chương trình giải trí của riêng mình. Như vậy, với sự thâm nhập của truyền thông đại chúng đã làm thu hẹp dần không gian chung sống của mỗi gia đình Việt Nam hiện nay”.
Tại tọa đàm, GS. Nguyễn Lân Dũng - Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, trong một nghiên cứu mới công bố của Mỹ với các cặp vợ chồng từ 19 đến 39 tuổi, các nhà nghiên cứu cho rằng những cặp vợ chồng sử dụng mạng xã hội có tỷ lệ ly hôn cao hơn những cặp không sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Một khảo sát của Anh mới đây đã phát hiện ra rằng, mạng xã hội Facebook phải chịu trách nhiệm cho trên 20% vụ ly hôn ở đất nước này. Khảo sát được thực hiện trên 5.000 đơn xin ly hôn, và phát hiện 989 trường hợp có nhắc đến các mối quan hệ trên mạng. GS. Nguyễn Lân Dũng đã đưa ra những lời khuyên hữu ích để gìn giữ bảo vệ hạnh phúc gia đình và một trong số đó là “từ bỏ phương tiện truyền thông xã hội”.
Ở Việt Nam, tuy chưa đưa ra được một con số thống kê chính xác về các vụ ly hôn do mạng xã hội nhưng thiết nghĩ, nếu thống kê được cũng là một con số không nhỏ, thế nên mong rằng lời khuyên của GS. Nguyễn Lân Dũng sẽ lọt tai các cặp vợ chồng…