Năm ngày sau khi 3 nạn nhân mất tích, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể “phu vàng” cuối cùng kẹt trong hang Nước (Thanh Hóa). Công tác tìm kiếm kết thúc chiều tối 9/6.
Hậu họa nạn “vàng tặc” còn dai dẳng
Trao đổi với PV, ông Lương Ngọc Đanh, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết: “Vào lúc 11h ngày 6/6, UBND xã nhận được cuộc gọi báo của trưởng thôn bản Kịt, báo cáo có 3 người kẹt trong hang Nước do đãi vàng trái phép. Ngay sau đó tôi đã gọi điện báo cho UBND huyện. Xã cũng cử 40 dân quân cùng với công an huyện vào hiện trường. Nhưng có vào cũng không xuống được vì cửa hang quá nhỏ, trang thiết bị không đủ.Mọi người cùng người nhà nạn nhân cũng chỉ chờ thế thôi”.
Theo ông Đanh, từ năm 1990, khu vực này đã bị cấm đãi vàng. Đến năm 1998 thành lập khu bảo tồn Pù Luông, khu rừng được giao cho Hội bảo tồn quản lý. Mấy năm trước đây, tình trạng khai thác lén lút vẫn có.
Kiểm lâm và chính quyền xã thường xuyên kiểm tra. Mấy ngày vừa qua, trời mưa nên việc kiểm tra tạm dừng. Các “phu vàng” đã tranh thủ vào đãi vàng trộm.
Theo ông Đanh, trước đây, tại tại địa bàn xã chỉ có hai điểm có thể khai thác vàng, làng Mười và bản Kịt. Nhưng sau khi chính quyền làm mạnh, tại làng Mười đã chấm dứt hẳn.
Vị Chủ tịch xã giải thích, công tác quản lý tình trạng khai thác vàng chui tại bản Kịt gặp nhiều khó khăn do giáp danh với xã Pù Bin (Mai Châu, Hòa Bình), ở xa trung tâm hành chính của xã, huyện Bá Thước, việc di chuyển trên địa hình khó khăn và mất khá nhiều thời gian.
Còn theo một đại diện bên Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (tại huyện Bá Thước): Khu vực hang Nước, nơi 3 “phu vàng” bị ngạt khí tử vong thuộc quản lý của Khu bảo tồn Pù Luông, khi xưa cũng đã cho nổ mìn lấp hang nhiều lần. Cũng theo người này, ngoài hang Nước thì trên địa bàn vẫn còn các hang khác như hang Đỏ, hang cây Bương… vẫn còn lại dấu tích của các vụ khai thác vàng vào những năm 1988, trong chuyên án V89 của Công an tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1990, sau khi tướng cướp Nguyễn Mạnh Hiền (ngụ xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, biệt danh Hiền “ đầu bạc”, cai quản toàn bộ khu vực vàng này) bị bắt, tại đây cũng chấm dứt tình trạng khai thác vàng với quy mô lớn.
Cũng theo vị trên, khu vực này có địa hình hiểm trở, cách xa nơi dân cư sinh sống, giáp hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Do đây là khu vực rừng đặc dụng, được bảo vệ nghiêm ngặt, nhiều năm qua Ban quản lý Pù Luông cũng có kết hợp với lực lượng kiểm lâm thường xuyên rà soát địa hình, giải tỏa nhiều lán, trại, máy móc do các đối tượng nghiện ngập lén lút dựng nên để khai thác vàng trái phép.
Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng rời đi khỏi hiện trường một thời gian, các đối tượng lại quay trở lại tiếp tục hành vi trái phép. Đến năm 2012, ngành chức năng lại có đề nghị tiếp tục cho nổ mìn lấp hang nhưng do sợ ảnh hưởng đến khu vực rừng đặc dụng nên việc nổ mìn đã không được triển khải.
“Do hang Nước sâu và đã lâu ngày không có ai xuống dưới hang nên tích tụ nhiều khí độc. Dưới hang đang còn nhiều thiết bị mà các đối tượng khai thác trước chạy trốn để lại. Có thể những nạn nhân vừa qua biết và muốn xuống lấy máy để sửa chữa rồi sử dụng, không may gặp nạn”, vị đại diện này chia sẻ.
Bốn ngày cứu hộ
Ngày 5/6, hai “phu vàng” là anh Khà Văn Huyền và anh Khà Van Ngôn (cùng ngụ xã Pù Bin, huyện Mai Châu, Hòa Bình) rủ nhau xuống hang Nước, thuộc mỏ vàng trên địa bàn của bản Kịt, xã Lũng Cao, Bá Thước để sửa máy đào vàng. Khi xuống hang, cả hai đều bị ngạt khí độc. Anh Huyền ngất tại chỗ, anh Ngôn tuy cũng bị ngạt nhưng cố bò lên cửa hang hô hoán người tới cứu anh Huyền.
Sau đó ông Phạm Văn Dũng đã di chuyển xuống hang tìm cách cứu nạn nhân, song cũng không thấy trở ra.Sáng 6/6, một “phu vàng” khác là ông Bùi Văn Mẫn tiếp tục xuống hang mong cứu những người đang mắc kẹt, tuy nhiên mất tích luôn.
Theo lãnh đạo huyện Bá Thước, trưa 6/6, UBND huyện mới nhận được tin báo có 3 “phu vàng” mắc kẹt trong hang tại bản Kịt, xã Lũng Cao. Các lực lượng chức năng được cử ngay đến hiện trường để cứu hộ, cứu nạn.
Qúa trình cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình trắc trở và điều kiện thời tiết không thuận lợi .
Hiện trường cứu hộ |
Rạng sáng 8/6, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân đầu tiên là ông Bùi Văn Mẫn (ngụ xã Sảo Bảy, huyện Kim Bôi, Hòa Bình), người đã xuống hang tìm cách cứu hai người bị kẹt trước đó.
Theo lực lượng tìm kiếm cứu nạn, do trận mưa to chiều hôm trước, lượng khí độc trong hang giảm bớt, lực lượng cứu hộ và người nhà nạn nhân đã tìm cách xuống sâu dưới hang Nước để tìm kiếm các nạn nhân. Ông Mẫn được tìm thấy nằm cách cửa hang khoảng 30m.
Trưa 8/6, đội cứu hộ cũng đưa được thi thể nạn nhân thứ hai là anh Khà Văn Huyền (Mai Châu, Hòa Bình) ra ngoài.
Ngày 9/6, nạn nhân cuối cùng được tìm thấy là Phạm Văn Dụng (44 tuổi, ở xã Lâm Xa, Bá Thước) và đưa thi thể ra khỏi cửa hang. Khi lên cửa hang, xác các nạn nhân đã trong quá trình phân hủy. Họ đều được chôn cất ngay khi về quê.