Chốn mua vui của các “quý bà”
Hà Nội có rất nhiều sàn nhảy, câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển phục vụ các quý bà, quý cô tìm sự thoải mái, thư giãn, kéo theo đó là nghề dẫn nhảy cùng đội ngũ “trai nhảy”.
Để có thể lên sàn dẫn nhảy, ngoài việc phải nhảy giỏi thì tiêu chí về ngoại hình cũng khá khắt khe. Các “trai nhảy” phải làm việc theo ca: 9 -12h, 15 -18h và 18 -23h, mức thù lao mà họ nhận được phụ thuộc vào tiền “boa” của khách. Công việc chính của họ không chỉ là là dạy nhảy mà còn đóng vai trò một bạn tâm tình, sẵn sàng tâm sự, chia sẻ buồn, vui với khách và đôi khi là phục vụ những nhu cầu thầm kín cho các “quý bà”, “quý cô”.
Trong vai của một nam sinh viên đi xin việc, tôi tìm đến sàn Đ.Đ trên đường Lương Ngọc Quyến, quận Hà Đông. Dáng người cao ráo trong trang phục của vũ công, Nguyễn Văn H (sinh năm 1992, sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh) dẫn nhảy tại sàn này cho biết: “Làm nghề này không sung sướng gì đâu. Để lên được sàn dẫn nhảy, em phải học mất 5 tháng trời, nếu người nào nhanh thì học ít nhất cũng 3 - 4 tháng.
Mỗi ngày em làm 1 đến 2 ca, mỗi ca thường dẫn dắt được một người và được trả khoảng 200.000 đồng, bà nào dễ tính hoặc mình làm vừa lòng thì có thể sẽ “boa”thêm. Nếu họ có nhu cầu học nhảy thì bọn em sẽ phục vụ tận nhà 24/24h. Họ chỉ cần gọi điện báo trước một ngày để em sắp xếp, học phí 200.000 đồng/buổi 2 tiếng đồng hồ”.
Đang dở câu chuyện thì có một quý bà tuổi tầm ngũ tuần, “khách ruột” của H đến gần cắt ngang, ôm eo H dắt ra sàn. Trong tiếng nhạc du dương hòa quyện với ánh đèn xanh đỏ lập lòe, trên sàn không chỉ có cặp đôi của H mà có đến 7 cặp “đũa lệch” khác đang “vai kề vai” khập khễnh lướt trên sàn.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Từ “trai nhảy” đến “trai bao”
Phần nhiều những “trai nhảy” ở sàn này đều ở ngoại tỉnh, mỗi người một ngành nghề. Có người đang là sinh viên, có người đã đi làm nhưng lương thấp, có tài nhảy. Những vị khách đến sàn có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau, vì thế nhu cầu của họ đến đây cũng ít nhiều khác nhau. Có người mong muốn một nơi vui chơi, giải trí lành mạnh.
Bên cạnh đó, không thiếu “quý bà sồn sồn” sẵn sàng bỏ tiền của để kiếm bạn tình, mượn chốn này để tìm người “tâm sự” lúc phòng không gối lạnh, vì thiếu tình cảm, vì gia đình đổ vỡ, bị chồng lạnh nhạt, hoặc trốn chồng con đi giải khuây, tìm “của lạ” thỏa mãn nhu cầu tuổi “hồi xuân”. Còn các nhân viên dẫn nhảy mong muốn có nhiều tiền. Trong khoảng tối, sáng của ánh đèn màu lấp lánh nơi vũ trường, “người cần tình, người cần tiền” dễ dàng tìm đến nhau, ngã vào nhau...
Qua sự giới thiệu của H., tôi gặp Hoàng Văn D (sinh năm 1993), một sinh viên Trường Múa ở Hà Nội, có kinh nghiệm 2 năm dẫn nhảy. D. tâm sự: “Em vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lần đầu dẫn nhảy cho một người trạc tuổi mẹ mình. Lúc đó em cảm thấy ghê ghê khi phải gọi họ bằng em, phải ôm họ trong lòng và đôi khi thể hiện những cử chỉ đầy tình cảm. Thế nhưng làm nhiều rồi cũng quen, vì em không xác định làm nghề này lâu nên cũng cố cho qua ngày, miễn sao kiếm được tiền ”.
Qua câu chuyện của D., tôi biết không ít nam sinh viên ngày đầu đi dẫn nhảy mục đích cũng chỉ kiếm thêm thu nhập để lo chuyện học hành. Thế nhưng khi làm quen, không mấy tốn sức mà thu nhập khá hơn so với các công việc, ngành nghề khác họ dễ xao nhãng học hành rồi dẫn đến bỏ học. Có những người sẵn sàng trở thành tình nhân của các “quý bà”, “quý cô” và được họ sắm cho những đồ đắt tiền như xe máy, điện thoại…
Những chàng trai vốn hiền lành, chân chất không thể giữ được mình trước sức hút của đồng tiền, cuối cùng trở thành “trai bao”. Nhưng cầm được đồng tiền trong tay mới thấy sự vất vả, tủi nhục, đắng cay của cái “nghề” phũ phàng này. Phận “trai tơ” trẻ, khỏe nhưng phải chịu luồn cúi, cung phụng các “quý bà”, “quý cô”, bị họ “bóc lột sức lao động” không thương tiếc.
Và những cuộc tình qua đường đó chẳng kéo dài được lâu vì thói “cả thèm chóng chán” của các “quý bà”, “quý cô”. Ranh giới giữa “trai bao” với “call boy” (trai gọi) vì thế thành mong manh, chỉ bởi ma lực của đồng tiền…
(Còn nữa)