Từ ưu tiên dùng hàng Việt Nam…
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đầu năm 2007, giới doanh thương Việt Nam rất háo hức khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới với kỳ vọng hàng Việt có cơ hội vươn ra "biển lớn". Tuy nhiên, cơ hội đó đi cùng với sự lo lắng bởi hàng ngoại tràn vào thị trường trong nước trong khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm về quản lý cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát hàng lậu, hàng giả, hàng nhái mới ở giai đoạn đầu triển khai còn rất nhiều bỡ ngỡ. Chưa kể, doanh nghiệp phân phối trong nước vẫn chưa ý thức về trách nhiệm xây dựng nền sản xuất Việt nên cứ thấy có lợi là bán hàng, không cần biết đến nguồn gốc xuất xứ, không nghĩ đến việc ưu tiên hàng Việt.
Ngoài những lý do chủ quan kể trên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 cũng là một tác động cực mạnh đến nền kinh tế Việt Nam khiến cho xuất khẩu sang các thị trường gặp khó khăn, nhập siêu tăng mạnh cùng với đó xu hướng sính ngoại tồn tại không nhỏ trong tâm lý người tiêu dùng...
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đưa ra quyết định tổ chức Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Cuộc vận động). Đây được coi là kim chỉ nam cho nền sản xuất Việt sau này, là động lực cho những doanh nghiệp làm thương mại trong nước.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), có 92% người tiêu dùng được hỏi cho rằng họ rất quan tâm tới Cuộc vận động; 63% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam. Hàng Việt hiện đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và trên 90% hàng sản xuất trong nước.
Hiện nay, hàng Việt tại chợ truyền thống chiếm 60-80%. Tại các hệ thống siêu thị hiện nay có tới 90% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam với nhiều thương hiệu Việt như Vinamilk, Thiên Long, Việt Tiến, Kinh Đô, Hữu Nghị…
… đến chinh phục người tiêu dùng
Đã từng có không ít ý kiến bàn ra tán vào về Cuộc vận động, rằng hàng Việt Nam cứ tốt, đương nhiên sẽ được lựa chọn. Nhưng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ý thức người dân cũng như doanh nghiệp chưa rõ ràng về việc mỗi một cá thể nhỏ bé có thể góp thành sức mạnh lớn, đẩy nền sản xuất Việt đi lên, trụ vững trong thế giới đang hội nhập nhanh và sâu, rộng hiện nay thì Cuộc vận động như một hồi chuông thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Đức, Tổng Giám đốc (TGĐ) Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex cho rằng, chính nhờ có Cuộc vận động lớn này mà người Việt Nam đã có xu hướng thay đổi sự lựa chọn mua sắm, doanh nghiệp Việt Nam đã có những nhận thức rõ ràng, cụ thể hơn về nền sản xuất trong nước.
Ông Đức chia sẻ: “Sau ưu tiên cần phải nghĩ cách để khách hàng chấp nhận và ưa thích sản phẩm mới là vấn đề lớn. Để làm được điều này, phải dựa vào chất lượng sản phẩm mình sản xuất ra. Khi đó bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình, để chất lượng sản phẩm không thua kém so với sản phẩm nước ngoài mà giá thành chỉ bằng một nửa”.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, TGĐ Tổng Công ty CP May 10 chia sẻ, người Việt Nam rất tinh tế trong việc tiếp nhận những sản phẩm thời trang. Muốn chinh phục thị trường quốc tế trước hết phải làm chủ cuộc chơi ngay tại sân nhà bằng loại vải tốt nhất, loại chỉ tốt nhất, công nghệ mới nhất để phục vụ người tiêu dùng Việt, để họ từ ý thức sử dụng hàng Việt chuyển sang lựa chọn hàng Việt vì giá cả và chất lượng.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương cũng có Ban vận động chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Hiện nay Bộ đang tập trung vào các nội dung để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường nội địa. Trước hết, đó là việc cải cách các thủ tục hành chính để giảm bớt các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. “Bộ cũng ý thức được việc không chỉ tuyên truyền suông mà còn phải đồng hành cùng doanh nghiệp để hàng Việt chinh phục người Việt sau Cuộc vận động lớn này” - ông Đông nói.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt cho rằng, sau 8 năm thực hiện Cuộc vận động, doanh nghiệp đã hình thành được văn hoá cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý. Qua đó thực hiện các cam kết với xã hội và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thông qua các dịch vụ trước, trong và sau bán hàng. Đồng thời cũng là cách để góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập và trụ vững trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
Các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đều cho rằng, người Việt Nam hiện nay đã có ý thức hơn trong việc lựa chọn, mua sắm hàng hóa để góp phần phát triển kinh tế đất nước. Đây đồng thời vừa là động lực và cũng là áp lực để doanh nghiệp Việt hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình, tiến tới mục tiêu chinh phục người Việt như mong muốn của hầu hết người tiêu dùng Việt Nam.