Tại Trường Tiểu học thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, hiện tượng học sinh bị đau mắt đỏ xuất hiện rải rác từ sau ngày khai giảng và lây lan diện rộng trong những ngày gần đây. Đến sáng 14/9, nhà trường ghi nhận có 192 em học sinh và 5 giáo viên bị đau mắt đỏ phải nghỉ tại nhà.
Còn tại Trường Tiểu học Hương Giang, từ đầu tháng 9 đến nay đã có 200 em mắc đau mắt đỏ, hiện nay cơ bản đã khỏi, chỉ còn 57 em. Hầu hết các em chỉ nghỉ học từ 2 – 5 ngày là có thể quay lại trường.
Sau khi ghi nhận nhiều ca bệnh, các trường đã cho học sinh, giáo viên nghỉ học để điều trị và phòng ngừa lây lan. Đồng thời, trường phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp vệ sinh, tuyên truyền cách phòng tránh đến từng học sinh và phụ huynh. Các trường cũng lên kế hoạch dạy bù, bổ túc kiến thức cho học sinh sau khi khỏi bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Trường Lâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Khê cho biết: Trên địa huyện hiện còn khoảng 2.000 ca đau mắt đỏ. Để khống chế dịch bệnh, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện và chính quyền các địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan. Trong đó tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch đau mắt đỏ sâu rộng trong nhân dân.
Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, dễ lây lan thành dịch. Bệnh khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, với các triệu chứng bao gồm: đỏ mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ. Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…
Theo Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, thời tiết giao mùa là thời điểm dễ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Năm nay, dịch đến khá sớm và trùng vào thời điểm năm học mới bắt đầu, các em học sinh ở các lứa tuổi tiếp xúc nhiều càng khiến cho nguy cơ dịch lây lan.
Hiện tại không chỉ ở Hương Khê mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận số ca đau mắt đỏ tăng, nhiều nhất là Hương Khê 5.900 ca, Vũ Quang 2.000 ca, huyện Kỳ Anh 2.200 ca. Đây là bệnh lành tính, ít để lại di chứng nhưng lại thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu chủ quan thì có thể bị bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.
"Để phòng tránh lây lan của bệnh, cần hạn chế việc dụi tay vào mắt, mũi, miệng và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Nếu phát hiện mắt trẻ chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt. Cần sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: đồ ăn uống, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ; đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…; vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.
Nếu trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở y tế để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời, không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, tránh gây biến chứng nặng nề hơn, di chứng rất nguy hiểm cho mắt", Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo.