Sắp có sổ hưu cũng bỏ
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm ngoái có 266 người chấm dứt hợp đồng lao động. Sang năm 2017, số người lao động bỏ việc tăng nhanh; chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có 207 người nghỉ việc. Cá biệt, nhiều công nhân sắp đến tuổi nghỉ hưu cũng xin nghỉ trước từ 1 - 12 tháng. Có những đơn vị số lao động chỉ 110 người nhưng từ đầu năm đến nay đã có khoảng... 15 người bỏ việc, chiếm tỷ lệ trên 10%.
Công nhân đường sắt làm việc khá vất vả nhưng lương thấp, trung bình chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Ngoài lương chính, gần như không có thêm các khoản phụ cấp, thưởng. Với đồng lương “ba cọc ba đồng”, nhiều người đã bỏ việc để làm những công việc lao động phổ thông, lương khá hơn, công việc lại không tẻ nhạt.
Nếu lao động đường sắt bỏ việc nhiều chủ yếu nguyên nhân vì lương thấp thì công nhân hầm lò trong ngành Than dù lương cao hơn so với mặt bằng lao động phổ thông vẫn bỏ việc hàng loạt, thậm chí tỷ lệ bỏ việc nhiều hơn ngành Đường sắt. Theo Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm ngoái số thợ lò bỏ việc là 1.121 người, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có 1.136 thợ lò bỏ việc. Ngoài ra, còn có hàng trăm thợ cơ điện hầm lò xin thôi việc. Theo tìm hiểu, đây là con số “sổ sách”, thực tế số thợ hầm lò bỏ việc có thể cao hơn.
Theo tính toán của ngành Than, công nhân bỏ việc mới tăng đột biến, năm nay tỷ lệ công nhân bỏ việc và vào làm mới gần cân bằng nhau. Trong khi đó, theo kế hoạch, mỗi năm các đơn vị khai thác than thuộc TKV cần tuyển từ 3.500 đến 4.000 thợ lò. Riêng năm 2017, dự kiến các đơn vị này tuyển 3.800 thợ lò, nhưng đến nay mới tuyển được khoảng 1.800. Việc không đủ nhân lực cung cấp cho các hầm lò chắc chắn sẽ kéo theo những khó khăn trong khai thác than của TKV. Về lâu dài, nếu tình trạng thợ lò tiếp tục bỏ việc sẽ là nguy cơ dẫn đến “phá sản” đối với các doanh nghiệp khai thác than.
Lo sập hầm, sợ cô đơn...
Lý do công nhân ngành Đường sắt bỏ việc phần lớn do lương thấp. Không chỉ đời sống công nhân bị xáo trộn, bất ổn, ngay cả vị trí lãnh đạo cấp cao của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam trong vòng hai năm nay cũng có nhiều xáo trộn. Sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo và công nhân liên tục bỏ việc... phản ánh thực trạng kém phát triển, tình hình hoạt động kinh doanh ảm đạm của ngành Đường sắt.
Rõ ràng, việc hàng loạt công nhân bỏ việc là biểu hiện bên ngoài dễ nhận thấy, còn bên trong, nó bộc lộ những yếu kém trong cách quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp? Để thu hút lao động, không còn cách nào khác là tăng lương cho công nhân. Muốn làm điều này thì trước tiên doanh nghiệp phải vững mạnh, phát triển, kinh doanh có lãi. Có lẽ, lãnh đạo ngành Đường sắt đang nợ công nhân điều này.
Đối với TKV, những năm gần đây dù gặp nhiều khó khăn do phải khai thác than ngày càng sâu dưới lòng đất, chi phí tăng lên nhưng Tập đoàn này vẫn luôn là một “ông lớn” với doanh thu năm nào cũng vượt mốc 100 nghìn tỷ. Năm ngoái được cho là năm khó khăn nhất của TKV khi giá than giảm mạnh, khó cạnh tranh với than nhập ngoại. Thế nhưng, sang năm nay, giá than trong nước tăng lên, trong khi than ngoại cũng tăng giá mạnh khiến việc kinh doanh của Tập đoàn nhiều khởi sắc. Bằng chứng là chỉ trong 9 tháng năm nay, lợi nhuận đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Dù giai đoạn khó khăn hay thuận lợi, lương công nhân TKV luôn ở mức khá cao so với mặt bằng chung lương lao động. Lương thợ lò liên tục cao hơn mức 10 triệu đồng/tháng; nhiều thợ đạt mức trên dưới 20 triệu. Thế nhưng, thợ lò vẫn liên tục bỏ việc. Theo tìm hiểu, họ bỏ việc nhiều nguyên nhân chính không phải vì lương thấp mà vì tâm lý mất an toàn, vất vả.
Phải làm việc dưới lòng đất ở độ sâu hàng chục mét thì không mấy ai cảm thấy an toàn, nhất là lâu lâu lại nghe tin chỗ nọ, chỗ kia, có công nhân chết do sập lò. Ngoài tâm lý mất an toàn, nhiều công nhân cũng bỏ việc do sống xa gia đình, vợ con.
Theo một lãnh đạo TKV, để đảm bảo số thợ lò, Tập đoàn có kế hoạch lên các vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc, người dân tộc tìm kiếm nguồn lao động. Ngoài ra, để giữ chân thợ lò, một số đơn vị thuộc TKV định đưa doanh nghiệp dệt may có nhiều nữ công nhân về gần, tạo công ăn việc làm cho vợ hoặc người yêu thợ lò làm việc ở đó, tránh tình trạng thợ lò bỏ việc vì... cô đơn. Tuy nhiên, những phương án trên của TKV chưa được thực hiện và chưa thật sự đem lại hiệu quả. Quản trị doanh nghiệp sao cho công nhân, thợ lò cảm thấy an toàn, gắn bó, nghĩa tình như trong một gia đình là điều mà TKV đang thiếu?
Tìm nữ thợ may cho thợ mỏ có bạn
Tập đoàn TKV có kế hoạch lên các vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc, người dân tộc tìm kiếm nguồn lao động. Ngoài ra, để giữ chân thợ lò, một số đơn vị thuộc TKV định đưa doanh nghiệp dệt may có nhiều nữ công nhân về gần, tạo công ăn việc làm cho vợ hoặc người yêu thợ lò làm việc ở đó, tránh tình trạng thợ lò bỏ việc vì... cô đơn.