Theo Reuters, văn phòng Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, đồng thời cũng là quyền tổng thống Hàn Quốc kể từ khi bà Park bị quốc hội luận tội hồi tháng 12 năm ngoái, ngày 27/2 thông báo ông Hwang đã từ chối đề nghị từ các công tố viên về việc gia hạn điều tra thêm 30 ngày.
Về lý do, văn phòng của ông Hwang cho rằng cuộc điều tra đã đạt được mục đích và việc kết thúc cuộc điều tra này theo đúng dự kiến vào ngày 28/2 sẽ có lợi nhất cho đất nước Hàn Quốc.
“Sau rất nhiều tranh luận, quyền tổng thống đã quyết định việc không gia hạn cuộc điều tra đặc biệt và để các công tố viên bình thường tiếp quản việc điều tra sẽ có lợi nhất cho sự ổn định của đất nước”, ông Hong Kwon-heui - người phát ngôn của ông Hwang, cho hay.
Ông Hwang được bà Park bổ nhiệm làm thủ tướng Hàn Quốc hồi năm 2015 và đang được xem là một ứng viên tiềm năng cho chức tổng thống Hàn Quốc nếu việc luận tội bà Park tới đây được Tòa án hiến pháp giữ nguyên. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau khi thông báo không gia hạn điều tra, bản thân ông Hwang cũng bị kéo vào vụ bê bối khi 4 đảng đối lập tại Hàn Quốc tuyên bố họ sẽ tìm cách thúc đẩy việc luận tội cả ông, theo Yonhap.
Tình hình càng có khả năng trở nên phức tạp hơn khi một số đảng đối lập khác tại Hàn Quốc cũng được cho là đang xem xét khả năng hợp tác với các đảng trên trong việc thúc đẩy thông qua kiến nghị luận tội ông Hwang.
AFP cho biết, quyết định của quyền Tổng thống Hwang đồng nghĩa với việc các công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc sẽ chỉ có thời hạn đến ngày hôm nay (28/2) để quyết định có truy tố các đối tượng có liên quan đến vụ bê bối hay không. Yonhap dẫn lời ông Lee Kyu-Chul - người phát ngôn của nhóm công tố viên đặc biệt - cho biết, trong ngày 28/2, các công tố viên đặc biệt dự kiến sẽ khởi tố thêm từ 10 đến 15 nghi phạm khác trong ngày cuối cùng của cuộc điều tra kéo dài 70 ngày của họ. Trước đó, họ đã khởi tố 13 nghi phạm vì cáo buộc họ có liên quan đến vụ bê bối của bà Park.
Dự kiến, người thừa kế Tập đoàn Lee Jae-Yong, người đã bị bắt hồi đầu tháng về các cáo buộc đưa hối lộ, và một số quan chức cấp cao khác của Samsung sẽ bị truy tố về cáo buộc hối lộ bạn thân của bà Park là bà Choi Soon-sil. Việc bị truy tố đồng nghĩa với việc ông Lee sẽ phải ra hầu tòa.
Trong một diễn biến khác có liên quan, cũng trong ngày hôm qua, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã tiến hành phiên tranh luận cuối cùng của Tổng thống Park Geun-hye và Quốc hội để tiến tới hoàn tất việc xem xét về tính hợp pháp của việc luận tội tổng thống. Bà Park đã không dự phiên điều trần cuối cùng này nhưng trong một tuyên bố do một trong các luật sư bào chữa của bà đọc trước tòa, bà đã khẳng định nỗ lực phục vụ đất nước.
Bà cũng bày tỏ sự hối tiếc vì gây ra “nỗi đau lớn” cho người dân, đồng thời khẳng định bà chỉ nhận những lời khuyên bình thường từ bà Choi Soon-sil. “Trong suốt hơn 20 năm hoạt động chính trị, tôi chưa bao giờ liên quan đến tham nhũng hay hối lộ”, bà khẳng định.
Trong khi đó, các thành viên của ủy ban luận tội của Quốc hội Hàn Quốc do Nghị sỹ Kwon Seong-dong đứng đầu nhấn mạnh lỗi của bà Park khi không bảo vệ tính mạng của những nạn nhân trong vụ chìm phà hồi năm 2014. Dự kiến, Tòa án hiến pháp Hàn Quốc sẽ công bố phán quyết cuối cùng vào ngày 13/3 tới. Nếu Tòa giữ nguyên việc luận tội và bãi miễn chức vụ của bà Park, Hàn Quốc sẽ phải tiến hành tổng tuyển cử trong vòng 60 ngày sau đó.