Hàn Quốc: Càng luận tội, chính trường càng căng thẳng

Vụ bê bối tham nhũng dây dưa từ Choi Soon-sil (giữa) đến Tổng thống Park đang khiến chính trường Hàn Quốc căng thẳng
Vụ bê bối tham nhũng dây dưa từ Choi Soon-sil (giữa) đến Tổng thống Park đang khiến chính trường Hàn Quốc căng thẳng
(PLO) - Tòa Hiến pháp Hàn Quốc vừa bác bằng chứng của Tổng thống Park Geun Hye liên quan đến thảm họa chìm phà Sewol hồi năm 2014. Động thái này khiến chính trường Hàn Quốc tiếp tục diễn biến căng thẳng sau vụ bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Park và người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil.

Ngày 11/1/2017, tại phiên điều trần về việc luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Tòa án Hiến pháp nước này đã bác bỏ những giải trình về việc bà Park đã ở đâu khi xảy ra thảm họa chìm phà Sewol hồi năm 2014. Tòa cho rằng những giải trình của các luật sư biện hộ là “không thỏa đáng”.

Ở đâu khi có thảm họa?

Theo các luật sư, vào sáng hôm xảy ra thảm họa, Tổng thống Park thấy trong người không khỏe và bà đã ở tư dinh thay vì ở văn phòng làm việc. Cả tư dinh và văn phòng làm việc của Tổng thống đều năm trong khu Nhà Xanh (phủ Tổng thống). Các luật sư cũng trình Tòa các tài liệu chứng minh thời gian Tổng thống nhận các báo cáo về thảm họa qua điện thoại hoặc từ các trợ lý của bà cũng như việc bà đưa ra các chỉ thị.

Tuy nhiên, Thẩm phán Lee Jin-Sung, một trong 9 thành viên bồi thẩm đoàn, nói với nhóm luật sư của bà Park rằng lộ trình thời gian này không xác minh được chính xác khi nào và bằng cách nào bà bắt đầu biết thông tin về vụ chìm phà. Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Lee nêu rõ: “Câu trả lời từ phía Tổng thống không đáp ứng mong đợi và có phần không thỏa đáng”. Theo ông Lee, các kênh truyền hình đã đưa tin về thảm họa chìm phà ngay sau 9h sáng (giờ địa phương) và bà Park cần làm rõ bà có xem tin tức tại thời điểm đó hay không.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới bên ngoài phiên điều trần, Luật sư Lee Joong-hwan đại diện cho Tổng thống Park khẳng định Tổng thống đã nhận rất nhiều cuộc gọi từ người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia và đã đưa ra các chỉ thị. Tuy nhiên, các đại diện của Quốc hội phát biểu tại phiên điều trần cho rằng cả cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu và thư ký trưởng của Tổng thống Park đều không biết bà Park ở đâu tại thời điểm xảy ra vụ việc. 

Tháng 12/2016, Tòa án Hiến pháp đã yêu cầu bà Park giải trình về việc bà vắng mặt trong suốt 7 giờ vào thời điểm xảy ra thảm họa. 

Ký ức kinh hoàng

Ngày 16/4/2014, một chiếc phà chở khách mang tên Sewol đã bị chìm tại vùng biển cách đảo Byungpoong khoảng 20km về phía Tây Nam Hàn Quốc, làm 304 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là học sinh.

Chiếc phà gặp nạn chở 476 hành khách gồm cả nhân viên trên phà và 150 phương tiện giao thông, trong đó có cả ô tô và xe tải. Trong số hành khách trên phà có 325 học sinh ở độ tuổi 16-17, 15 giáo viên thuộc Trường Trung học Danwon ở Ansan, ngoại ô thủ đô Seoul. Các giáo viên và học sinh đang trong chuyến đi du lịch thực tế từ thành phố cảng Incheon đến đảo nghỉ dưỡng Jeju ở Tây Nam Hàn Quốc. 

Theo lịch trình, phà Sewol lẽ ra phải xuất phát từ cảng Incheon lúc 18 giờ 30 phút ngày 15/4, nhưng do sương mù dày đặc nên mãi đến 21 giờ phà mới dời bến. Dự kiến, chiếc phà sẽ đến đảo Jeju vào lúc 12 giờ trưa hôm sau ngày 16/4. Nhưng đến 8 giờ 58 phút sáng (giờ Hàn Quốc), ngày 16/4, Sewol đã đột ngột phát tín hiệu cấp cứu.

Hơn 2 giờ sau, khoảng 11 giờ 30 phút, chiếc phà bị nghiêng rồi lật úp và chìm gần như hoàn toàn, chỉ còn nhìn thấy phần mũi phà nhô lên mặt nước. Nguyên nhân khiến chiếc phà bị chìm là do chở số hàng ký gửi quá tải. Đây là tai nạn hàng hải nghiêm trọng nhất ở Hàn Quốc kể từ vụ chìm tàu ngoài khơi bờ biển phía Tây năm 1993 làm gần 300 người thiệt mạng.

Chiếc phà nhiều tầng SEAWOL có tải trọng 6.825 tấn, do Nhật Bản sản xuất năm 1994, có thể chở tối đa 921 người trưởng thành, 180 phương tiện giao thông và 152 container. 

Sau vụ chìm phà Sewol, Chính phủ Hàn Quốc đã phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích, nhất là về sự phản ứng chậm chạp và thiếu phối hợp hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển trong quá trình tìm kiếm và cứu các nạn nhân. Điều này khiến Tổng thống Hàn Quốc Park phải tuyên bố giải tán lực lượng bảo vệ bờ biển và sửa đổi toàn diện các tiêu chuẩn an toàn quốc gia. Ngày 27/4/2014, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won) đã phải đệ đơn từ chức. Ngày 19/5, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tuyên bố đứng ra chịu trách nhiệm về cách ứng phó chưa thích hợp và kịp thời của chính phủ trong thảm họa chìm phà Sewol, đồng thời lần thứ tư gửi lời xin lỗi chân thành tới toàn thể nhân dân. 

lTòa án Hiến pháp Hàn Quốc bác bỏ những giải trình về việc bà Park đã ở đâu khi xảy ra thảm họa chìm phà Sewol hồi năm 2014
lTòa án Hiến pháp Hàn Quốc bác bỏ những giải trình về việc bà Park đã ở đâu khi xảy ra thảm họa chìm phà Sewol hồi năm 2014

Hơn 7 tháng kể từ ngày xảy ra thảm họa chìm phà Sewol, ngày 20/11, một toà án ở Quang-chu, miền Nam Hàn Quốc, đã kết án 10 năm tù giam đối với ông Kim Han Sik, Giám đốc điều hành Công ty Chonghaejin Marine, công ty chủ quản phà Sewol. Ông Kim Han Sik, 71 tuổi, bị buộc tội để chiếc phà thường xuyên chở quá tải và có những thay đổi kết cấu vi phạm luật hàng hải để nâng trọng tải của chiếc phà cũng như cho phép phà này chở hàng mà không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Ông Kim từng phủ nhận trách nhiệm và khăng khăng nói rằng ông chỉ là một nhân viên thuộc công ty của ông Yoo Byung Eun, người đứng đằng sau công ty Chonghaejin Marine. Ông Kim cũng bị kết án vì tội chuyển 2,6 triệu USD từ Công ty Chonghaejin Marine trong hơn 4 năm qua cho ông Yoo, những công ty khác và các thành viên gia đình của ông này.

Ngoài ông Kim, 10 bị cáo khác, bao gồm 6 người thuộc Công ty Chonghaejin Marine cũng bị đưa ra tòa xét xử. Một trong số đó được tòa tuyên bố trắng án, 9 người còn lại phải chịu các mức án từ tù treo cho đến 6 năm tù giam. Trước đó, ngày 11/11, toà án này đã kết án 36 năm tù giam đối với thuyền trưởng phà Sewol Lee Joon Seok do tội bất cẩn nghiêm trọng và lơ là nhiệm vụ, đặc biệt là hành vi bỏ rơi hành khách và thoát thân khi xảy ra tai nạn.

Lãnh đạo hãng Samsung bị thẩm vấn

Trong tiến trình Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tiếp tục luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc Lee Jae-yong cũng đã bị thẩm vấn với tư cách là nghi phạm trong vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân là bà Choi Soon-sil. Tại văn phòng của nhóm điều tra đặc biệt tại Seoul ngày 12/1, ông Lee đã bày tỏ “xin lỗi người dân”. 

Tập đoàn Samsung bị nghi ngờ hỗ trợ tài chính quá mức cho bà Choi để đổi lấy những ưu ái trong hoạt động của tập đoàn này. Việc các công tố viên đặc biệt để ngỏ khả năng xin lệnh bắt giữ ông Lee đã khiến nhiều quan chức của Samsung lo ngại tập đoàn này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. 

Tập đoàn Samsung bị cho là đã ký kết một hợp đồng trị giá 22 tỷ won (18,3 triệu USD) với một công ty ở Đức do bà Choi và con gái bà sở hữu dưới danh nghĩa một thỏa thuận tư vấn để trả tiền cho việc luyện tập đua ngựa của con gái bà Choi. Các nhà điều tra đang xem xét những nghi ngờ rằng hợp đồng trên được ký kết để đổi lấy việc Cơ quan Hưu trí Hàn Quốc, dưới sức ép của Phủ Tổng thống, hậu thuẫn vụ sáp nhập giữa 2 chi nhánh của Samsung trong năm 2015.

Bà Choi Soon-sil từ chối tham dự phiên luận tội

Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức thuộc Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 9/1 cho biết bà Choi Soon-sil - nhân vật trung tâm của vụ bê bối chính trị hiện nay tại Hàn Quốc và là người bạn thân của Tổng thống tạm thời bị đình chỉ chức vụ Park Geun-hye, đã từ chối tham dự phiên điều trần của Tòa án Hiến pháp vào ngày 10/1 tới để xem xét việc luận tội tổng thống. 

Quan chức yêu cầu giấu tên trên cho biết đã có lệnh triệu tập bà Choi Soon-sil đến trả lời chất vấn trước Tòa án Hiến pháp về cáo buộc tham nhũng, kéo theo việc Quốc hội thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye ngày 9/12/2016, song bà Choi Soon-sil trả lời sẽ không đến, viện dẫn một đạo luật theo đó các nhân chứng có thể từ chối xuất hiện vì lo ngại việc này có thể có hại cho họ hoặc người nhà.

Bà còn giải thích cần thời gian để chuẩn bị cho phiên xét xử chính mình dự kiến diễn ra vào ngày 11/1. Tòa án Hiến pháp sẽ quyết định bước tiếp theo đối với bà Choi Soon-sil trong phiên xét xử ngày 10/1, trong đó có cả khả năng dùng sức mạnh để đưa bà tới tòa. 

Ngày 9/12/2016 vừa qua, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, theo đó bà ngay lập tức bị tạm thời đình chỉ chức vụ tổng thống. Thủ tướng đương nhiệm Hwang Kyo-ahn đã tạm thời kiêm nhiệm chức quyền Tổng thống.

Mặc dù luận tội tập trung vào bê bối tham nhũng liên quan đến người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye là Choi Soon-sil, song nội dung luận tội cũng bao gồm việc bà Park Geun-hye đã lơ là nhiệm vụ khi không giải quyết thỏa đáng vụ chìm phà Sewol hồi tháng 4/2014. Theo quy định, Tòa án Hiến pháp có 180 ngày để đưa ra phán quyết.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh, Tổng thống Park đang tạm thời bị đình chỉ chức vụ để tham dự phiên điều trần của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc xem xét luận tội liên quan đến vụ bê bối tham nhũng của bà và người bạn thân Choi Soon-sil, việc Tòa án Hiến pháp bác bằng chứng của Tổng thống Park về thảm họa chìm phà Sewol khiến khó khăn trên chính trường nước này càng trở nên chồng chất.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.