Nếu không có vụ hai đứa trẻ dại dột vì ghét con tắc kè mà thiêu cháy đống rơm vào một ngày cuối tháng 4/2012, người dân thôn Vĩnh Lưu (xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có lẽ cả đời cũng không biết mặt mũi cái xe cứu hỏa như thế nào.
Nguy cơ cả làng bị cháy “dắt nhau đi ăn mày” qua đi, lúc truy ra nguyên nhân, ai cũng vừa tức vừa buồn cười “tự hào” khoe vui rằng nhờ hai đứa trẻ nghịch dại mà lần đầu tiên xe cứu hoả tận trên tỉnh cuống quýt về thôn chữa cháy.
Xe cứu hoả vượt hàng chục km cứu đống rơm khô
Vụ cháy xảy ra tại gia đình anh Trần Văn Tuấn và chị Võ Thị Thu Thuỷ. Theo lời thuật lại của chị vợ, đó là ngày 23/4/2012: “Trưa hôm đó cả nhà đang nghỉ trưa ngon giấc thì bất ngờ có tiếng tri hô náo loạn khắp xóm. Vợ chồng tui vùng dậy thì trời ơi cả đụn rơm đang cháy ngùn ngụt. Tui nhảy dựng khỏi giường rồi lao ra dập lửa”.
Không khí lúc đó theo lời phụ nữ này nhớ lại vô cùng náo loạn, dân làng người cầm xô, người cầm gầu ra sức múc nước xối vào đống rơm đang cháy. Tuy nhiên do rơm đầu mùa, cộng với tiết trời khô hanh nên sức người như “muối bỏ bể”. Hàng trăm người dân cố hết sức khống chế được đám cháy góc này thù ngọn lửa lại lan sang nơi khác.
Bà chủ đống rơm kể lại sự việc |
Là người trực tiếp tham gia dập lửa giúp hàng xóm, bác Nguyễn Văn Thanh (một người dân trong thôn) cho biết thêm tại địa phương chưa từng xảy ra đám cháy nào lớn như vậy. Bác Thanh cho biết đống rơm cao gần 8 mét, dài 10 mét và rộng hơn 5m, lớn bằng cả một cái nhà nên dễ hiểu một khi rơm bén lửa sẽ bốc cháy dữ dội đến mức nào. “Lửa khi ấy cháy dữ dội lắm, lại gặp trời đang nắng và có gió nên bao nhiêu xô nước hắt vào cũng như không”, bác Thanh thuật lại.
Nguy hiểm hơn nữa bởi cạnh đống rơm bị cháy là một đống rơm khác đồ sộ không kém, hai đống rơm lại chỉ nằm cách vách các nhà ngôi nhà lân cận chừng vài mét nếu không khéo thì hậu quả khôn lường. “Nhà cửa trong xóm nằm liền kề nhau, nếu cháy lan ra thì cả xóm đi ăn mày”, một người dân nói.
Thấy hàng xóm hì hà hì hục dập lửa, mặt mày đen nhẻm mà lửa vẫn cháy đùng đùng, chị Võ Thị Thuý, một người hàng xóm chợt sực nhớ tới số điện thoại cứu hoả 113, bốc máy gọi thảm thiết: “Các anh ơi, cứu làng chúng em với”. Chỉ chưa đầy nửa tiếng sau, hai chiếc xe cứu hoả đỏ chót hú còi ầm ĩ đã từ thành phố lao xuống.
“Hai chiếc xe cứu hoả với khoảng 15 anh cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng phải phun nước gần hai tiếng đồng hồ mới dập tắt hoàn toàn đống cháy. Tổng cộng 14 xe nước đã được hút về để phun vào đống rơm nhà tôi”, chị Thuỷ kể thêm. Đó là chưa kể sự hỗ trợ của hàng trăm người dân các thôn lân cận mang lá cây tươi, xẻng xúc cát thay phiên nhau dập lửa đống rơm đùng đùng cháy.
Cây rơm khổng lồ hầu như bị biến thành đống tro, số rơm được cứu cũng bị nát bấy không thể dùng vào việc gì nữa. “Thu mua rơm từ bốn mẫu ruộng chúng tôi mới đủ dựng nên cây rơm cao như vậy nhằm làm nấm rơm. Nay chẳng may bị cháy biết làm sao bây giờ”, chị Thuỷ xuýt xoa tiếc rẻ. Theo ước tính, trị giá đống rơm bị “bà hoả” cướp đi khoảng 3 triệu đồng.
Chỉ tại con tắc kè
Sau khi đám cháy được dập tắt thì cũng là lúc người ta truy tìm ai là thủ phạm đã phóng hoả, định thiêu cháy cả làng. Lúc đầu người thì gặng hỏi nhà chị Thủy có thù hằn với ai không để bị “trả thù”, người thì vắt óc suy nghĩ xem xóm có đối tượng thần kinh nào không bày trò, người thì suy đoán “Hay biết nhà chị làm nấm rơm nên “đối thủ kinh doanh” nào chơi xấu?”…
Bà chủ của đống rơm “khủng” bị cháy cho biết, sau khi đám cháy được dập tắt, chị sợ hãi vì con mình sém gây họa khiến cảnh sát PCCC cũng phải vất vả nên ngỏ ý xin được… nộp phạt hoặc “bồi dưỡng”. Tuy nhiên các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vui vẻ chối từ: “Chúng tôi chỉ giúp dân” rồi chào từ biệt trước ánh mắt cảm phục của người dân làng Vĩnh Lưu. |
Nhưng chưa kịp “nghi vấn” cho “nghi phạm” nào thì thủ phạm đã “lộ diện”: Đó chính là hai đứa trẻ con trai nhà bà chủ. Bà mẹ thuật lại: “Lúc dập lửa xong tôi chạy vào giường thì thấy thằng Bi (5 tuổi) và thằng Bun (7 tuổi) trùm kín chăn sợ hãi. Chúng nói dối đang ngủ nhưng thực tình không phải.
Bình thường trong xóm có chuyện gì nhỏ như con kiến là đã lao đi xem đầu tiên, nay làng xóm ồ ồ ngoài đường thế kia mà chúng lại trùm chăn kín đầu nằm ở nhà thì lạ quá. Nghi ngờ gặng hỏi, hai đứa ấp úng đùn đẩy “đổ tội” sang nhau”. Tiếp tục “xét hỏi”, người ta mới ngã ngửa: “Chúng nói là đang đuổi bắt con tắc kè hoa thì con tắc kè chui lọt vào đống rơm. Tìm mãi không thấy, chúng bàn nhau châm lửa thiêu chết con tắc kè cho hả giận”.
Người cha kể thêm suốt cả tháng sau khi đám cháy xảy ra, hai đứa bé lo sợ nơm nớp, cứ có người đến hỏi là bọn trẻ lại chui vào gầm giường không dám lõ đầu ra. Mẹ bọn trẻ mỉm cười kể chuyện bọn trẻ sau một phen khiếp vía đã hứa sẽ không dám tinh nghịch nữa: “Có lần tôi nói đùa còn đống rơm ngoài kia các con ra đốt cho hết thì chúng ngoan ngoãn đáp “Con đi ngủ thôi chứ không đốt đâu”. Bố mấy đứa trẻ dù bực tức đến “sôi máu” nhưng thấy chúng thơ ngây như vậy cũng không nỡ đánh roi nào”.
“Thủ phạm” gây ra vụ cháy tại hiện trường còn sót lại |
“Điều may mắn trong vụ cháy là đám cháy được phát hiện kịp thời. May sao hôm đó dân làng vừa thu hoạch vụ mùa xong nên đều ở nhà và hỗ trợ dập lửa, chứ nếu chẳng may đám cháy xảy ra lúc mọi người đang ngoài đồng thì thiệt hại khó mà đoán trước”, ông Đặng Văn Phương, người dân trong thôn thở phào đáp chuyện.
Nói về trách nhiệm của mình trong vụ cháy, mẹ hai đứa bé thừa nhận sai sót: “Bình thường nấu ăn xong tôi cất giấu hộp quẹt trên cao. Tại hôm đó mùa vụ bận rộn, nấu ăn xong tôi bất cẩn để hộp quẹt ngay dưới nền nhà nên bọn trẻ mới lấy được. Từ nay hễ ra khỏi nhà là tôi tắt hết lửa, giấu kĩ hộp quẹt, cắt cầu dao điện”.
Do đặc thù là làng sản xuất nấm rơm nên hầu như gia đình nào cũng trữ rơm khô quanh nhà, là mối nguy hiểm tiềm ẩn hỏa hoạn. Được biết thêm việc trẻ em dùng lửa đốt cháy rơm khô từng xảy ra nhiều lần tại thôn Vĩnh Lưu nhưng lần cháy đống rơm vừa qua mới thực sự đi vào “kỉ lục” bởi đống rơm “to khủng khiếp” và có cả xe cứu hoả tận trên thành phố về chữa cháy.
Nghị định 52/2012/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 5/8/2012 quy định, nếu ai vô ý vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra hỏa hoạn dù chưa gây thiệt hại cũng bị phạt từ 200 – 500 ngàn đồng. Nếu để xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại vật chất từ 25 - 50 triệu đồng, mức tiền phạt là 500 ngàn – 1 triệu đồng. Trong trường hợp hỏa hoạn do vô ý mà làm thiệt hại giá trị tài sản trên 50 triệu đồng, mức phạt sẽ lên đến 2 - 3 triệu đồng. Nghị định cũng cho phép cơ quan chức năng sau khi phạt tiền, nhận thấy người vi phạm có dấu hiệu phạm tội thì sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan tố tụng có thẩm quyền giải quyết. |
Mai Văn