Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 9/63 tỉnh thành trên cả nước và lọt Top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất Việt Nam. Để có được kết quả trên thì không thể không kể đến sự góp phần của việc triển khai có hiệu quả phần mềm một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến tại các Sở và UBND các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn.
Ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền Thông cho biết, đến hết tháng 12/2017, hệ thống trên đã được triển khai xong cho 18/20 Sở, ngành; 13/15 quận, huyện và 212/223 xã, phường, thị trấn tại Hải Phòng. Việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến đã thực hiện mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần quan trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI cho Thành phố. Đây cũng là bước đệm chắc chắn để triển khai có hiệu quả Nghị Quyết 10-NQ/BTV ngày 27/12/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị Quyết 09/2014/NQ-HĐND ngày 05/5/2014 của HĐND TP Hải Phòng về phát triển viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2020.
Để triển khai ngay hệ thống phần mềm một cửa và danh mục 353 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến cấp xã trên toàn TP Hải Phòng trong năm 2017 cần lượng kinh phí khá lớn (khoảng 70 tỷ). Trong điều kiện ngân sách của Hải Phòng hiện nay, việc phân bổ nguồn vốn lớn như trên là không khả thi. Do đó, việc triển khai hệ thống trên được phép áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định tại Quyết định 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là kiên quyết đẩy mạnh thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, thực hiện việc thuê ngoài đối với các dịch vụ công liên quan thanh toán, chi trả, bảo đảm hiệu quả, thuận tiện, tiết kiệm và công khai, minh bạch.
Theo đánh giá của ông Vũ Đại Thắng, việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ làm giảm áp lực về tiến độ triển khai hệ thống, giảm áp lực về kinh phí đầu tư. Bởi việc áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho Hệ thống này chỉ chiếm trên 20% so với hình thức lập dự án để đầu tư một lần, tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng và nhiều loại chi phí khác.
Không chỉ vậy, việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin không làm phát sinh nhu cầu bố trí biên chế, nhân lực phục vụ vận hành thường xuyên hệ thống và làm giảm áp lực về yêu cầu nâng cấp, bảo trì, đảm bảo an toàn thông tin cho Hệ thống.
Tính đến thời điểm hiện tại, Văn phòng UBND TP Hải Phòng và UBND huyện Bạch Long Vĩ chưa áp dụng phần mềm một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Hai đơn vị khác là UBND quận Hồng Bàng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và triển khai hệ thống riêng. Thời gian tới, các đơn vị trên sẽ tiếp tục triển khai kết nối vào Hệ thống chung theo chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng.