Theo đó, sáng 9/4/2017, Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49), Công an TP Hải Phòng phối hợp Công an huyện An Dương đã bắt quả tang tàu hút cát mang biển kiểm soát HP-1644, trọng tải hơn 100 tấn, đang khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy.
Trên tàu có ba thuyền viên, tàu do thuyền trưởng Nguyễn Văn Mạnh, 24 tuổi, ở thôn 5, xã Hợp Thành (huyện Thủy Nguyên) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, những người trên tàu không xuất trình được các giấy tờ về con tàu, bằng cấp, chứng chỉ thuyền viên cũng như các giấy tờ hợp pháp về khai thác khoáng sản. Vụ việc này làm lộ diện thêm về tình trạng khai thác trái phép khoáng cát trái phép trên các dòng sông chảy qua địa bàn Hải Phòng.
Theo thông tin từ cư dân sống bên dòng sông Văn Úc, đoạn qua huyện An Dương, đoạn sông đang có các con tàu hút cát mang các biển kiểm soát Sao Đỏ 08, Sao Đỏ 15, Sao Đỏ 25, Sao Đỏ 06 và nhiều loại tàu mang biển kiểm soát địa phương khác.
Vào ban đêm, các con tàu này tắt hết đèn để hoạt động, chỉ còn tiếng máy nổ lẫn tiếng sóng biển. Có những tàu còn vào sâu giữa bãi nuôi ngao của người dân, ngang nhiên thọc vòi xuống hút cả cát và ngao đang độ lớn sắp được thu hoạch phun lên trắng cả mặt cát trên tàu. Mặc cho những người dân la ó, xua đuổi, song những người trên các con tàu này vẫn phớt lờ, có những chủ tàu còn có thái độ thách thức người dân.
Nhiều người dân khai thác và nuôi trồng thủy sản tại khu vực cửa sông Văn Úc, khu vực cửa biển thuộc địa bàn các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, và vùng đất ngập nước Đèn Nơm thuộc địa bàn giáp ranh huyện Cát Hải và quận Hải An, thành phố Hải Phòng cũng bức xúc phản ánh về việc hàng ngày có hàng chục con tàu hút cát cỡ lớn (từ 800 đến 1.500 khối), được trang bị hàng chục vòi rồng cỡ lớn, hoạt động náo nhiệt như một đại công trường, gây sạt nở, thiệt hại đến tài sản của người dân nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái biển.
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã viên HTX Nam Hải, người nuôi trồng ngao tại bãi cửa sông Văn Úc, lo lắng cho biết, các tàu hút này không chỉ lấy mất ngao giống của chúng tôi mà còn để lại những vực sâu tới hàng chục mét kéo dài 3 đến 4km, khi sóng đánh vào sẽ làm sạt lở bãi, lôi hết ngao xuống. Hơn nữa, dầu mỡ do các tàu này thải ra còn làm ô nhiễm bãi và nước biển, không loại thủy hải sản nào sống được, làm mất ngư trường khai thác của ngư dân tại khu vực mà trước đây có nhiều loài thủy sản sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, gia đình ông và nhiều hộ nuôi ngao phía ngoài bị mất tới 1/3 diện tích rồi nuôi ngao. Các hộ dân nuôi ngao mong mỏi từng ngày các cơ quan chức năng và thành phố có biện pháp xử lý nạn “cát tặc” này, bảo vệ quyền lợi cho những người dân lao động đang hàng ngày bán mặt cho biển, bán lưng cho trời chúng tôi”.
Theo ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TN và MT) Thành phố Hải Phòng thì các cơ quan chức năng chưa cấp giấy phép khai thác cát cho cơ quan, doanh nghiệp nào tại khu vực này. Sở TN và MT cũng nhận được phản ánh của người dân về tình trạng các tàu khai thác cát trái phép làm ảnh hưởng đến tài sản của bà con nuôi trồng, khai thác thủy sản; đã tổ chức các cuộc họp với người dân, lắng nghe ý kiến phản ánh, thành lập các tổ công tác để thanh, kiểm tra, nhưng do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện nên gặp nhiều khó khăn.
Sở TN và MT đã báo cáo thành phố, kiên quyết xử lý vấn đề này để chống thất thoát tài nguyên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Việc Phòng PC49 Công an TP Hải Phòng bắt giữ các tàu hút cát như một lời tuyên chiến với nạn "cát tặc" trên địa bàn Thành phố, để việc khai thác tài nguyên không còn tùy tiện, làm lợi cho một số cá nhân và doanh nghiệp.
Để chống cát tặc một cách bền vững, ngoài việc ngăn chặn các con tàu khai thác cát trái phép, thiết nghĩ, UBND thành phố Hải Phòng cần có những giải pháp vào cuộc quyết liệt để kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm của các tổ chức vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm cả các công chức, cơ quan có trách nhiệm nhưng vẫn để cát tặc hoành hành.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.