Năm 2012, Hải Phòng phấn đấu triển khai tới tất cả 223 xã, phường trên địa bàn với mô hình “tự quản bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư” nhằm từng bước góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường từ chính người dân.
Ô nhiễm môi trường ở Hải Phòng. |
Những “hạt nhân” ban đầu
Năm 2007, phường Lãm Hà (quận Kiến An), xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) được UBMTTQ TP Hải Phòng tổ chức triển khai xây dựng mô hình điểm về “tự quản bảo vệ môi trường ở cộng đồng dân cư”. Thực hiện chủ trương này, MTTQ phường Lãm Hà đã tổ chức họp dân, ký cam kết bảo vệ môi trường, ký giao ước thi đua với các Trưởng khu dân cư 10 nội dung về “tự quản bảo vệ môi trường”, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, phát phiếu khảo sát về môi trường tới các hộ dân cư trú trên địa bàn.
MTTQ xã Toàn Thắng phối hợp với cấp chính quyền địa phương thành lập tổ vệ sinh môi trường, vận động người dân đóng góp kinh phí để xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Ngoài ra, MTTT phường Lãm Hà, xã Toàn Thắng đã phát động phong trào người dân hiến đất, chung tay cùng chính quyền xây dựng đường bê tông, hệ thống kênh mương thoát nước trên địa bàn.
Ông Vũ Ngọc Lâm - Chủ tịch MTTQ phường Lãm Hà - cho biết, để triển khai công tác bảo vệ môi trường, các chi bộ đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ cho các đảng viên, cùng Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tổ chức họp dân, thống nhất người dân đổ rác đúng nơi quy định, không xả nước thải ra môi trường. Phát huy sáng kiến của người dân trên địa bàn trong việc bảo vệ môi trường.
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Dung (54 tuổi, phường Lãm Hà) đã tự đóng 30 thùng chứa rác bằng gỗ để phát miễn phí cho các hộ dân trong khu vực chưa có thùng chứa rác của Cty công trình đô thị.
Lãnh đạo xã Toàn Thắng nhớ lại, những ngày đầu, xã Toàn Thắng chưa có lực lượng chuyên trách về bảo vệ môi trường, tổ thu gom rác chỉ có 2-3 người, thiếu trang bị bảo hộ lao động, xe đẩy; người dân chưa có thói quen nộp phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Ngoài việc vận động người dân chứa rác thải bằng vật dụng đảm bảo vệ sinh, không để gia xúc, gia cẩm xả xú uế ra đường làng, chính quyền phối hợp với Hội phụ nữ vận động người dân nộp đủ phí bảo vệ môi trường, cùng Đoàn thanh niên, người dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tham gia giám sát việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của từng hộ gia đình trong khu dân cư.
Sau năm năm thực hiện Đề án tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư, UBMTTQ phường Lãm Hà đã vận động nhân dân đóng góp gần 1,5 tỷ đồng nâng cấp 3.000m đường ngõ, xóm, 3.500m cống thoát nước thải; 14 DN trên địa bàn đóng góp 1,1 tỷ đồng nâng cấp đường trong khu vực phường. Từ nguồn thu phí xã hội hóa, xã Toàn Thắng đã đầu tư mua sắm, sửa chữa trang thiết bị như xe chuyên chở rác, bảo hộ lao động, xây dựng được bãi rác tập trung của xã.
Theo ghi nhận của Sở Y tế Hải Phòng, làm tốt công tác bảo vệ môi trường, trong những năm vừa qua, trên địa bàn hai phường xã Lãm Hà, Toàn Thắng không xuất hiện các dịch bệnh, cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch đẹp.
Nhân lên những mô hình hiệu quả
Mới đây, tháng 7/2012, YBMTTQ TP Hải Phòng đã tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực năm năm thực hiện thí điểm mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Theo ghi nhận của lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, mô hình tự quản bảo vệ môi trường ở khu dân cư đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thành công các khu dân cư văn hoá, làng văn hoá, gia đình văn hoá.
Từ những thành công ban đầu, Hải Phòng sẽ kết hợp, lồng ghép mô hình này với các chương trình "nông thôn mới”, "đô thị văn minh” góp phần từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Hải Phòng phấn đấu đến hết năm 2012, đề án "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” sẽ được triển khai tới tất cả 223, phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hải Phòng.
Phương Thanh