Chiều 29/8, thông tin từ ông Đặng Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một trận lốc xoáy khiến hơn 40 ngôi nhà bị tốc mái.
Theo đó, vào khoảng 12 giờ 43 phút cùng ngày, trên địa bàn xã xảy trận lốc xoáy với cường độ mạnh kéo dài trong vòng khoảng hơn 10 phút, hậu quả đã khiến 40 căn nhà bị tốc mái, một ngôi nhà bị sập hoàn toàn.
Ngôi nhà bị sập được xác định là của gia đình anh Nguyễn Văn Lịch (SN 1978, trú tại thôn Hòa Tiến, xã Kỳ Hoa), ngôi nhà đổ khiến hai người bị thương.
Cũng theo ông Cường, thời điểm nhà bị sập, vợ con anh Lịch kịp thời chạy ra ngoài, anh Lịch chưa kịp chạy nên bị thương, một người dân khác cũng bị thương do gạch ngói rơi trúng.
Hơn 40 ngôi nhà bị tốc mái hư hỏng nặng do lốc xoáy gây ra (ảnh X.Đ) |
Ngoài ra, lốc xoáy cũng khiến nhiều diện tích hoa màu, cây trồng, nhiều cột điện trên địa bàn xã Kỳ Hoa bị đổ gãy gây mất điện.
Nhận được tin báo, UBND thị xã Kỳ Anh đã điều động các lực lượng công an, quân đội, quân sự trên địa bàn về phối hợp với chính quyền địa phương thăm hỏi và hỗ trợ người dân bị tốc mái lợp lại mái nhà. Riêng đối với hộ gia đình bị sập, chính quyền xã cũng đã bố trí chỗ ở cho gia đình, đảm bảo an toàn trong đêm.
Bất chấp trời mưa, công việc leo trèo vất vả nhưng các cô giáo vẫn quyết tâm để tránh những thiệt hại mưa bão gây ra đảm bảo còn trường để các cháu đến lớp đầu năm học mới (ảnh X.Đ) |
Để hạn chế những thiệt hại do mưa của bão số 4 gây ra, chiều cùng ngày toàn bộ 27 giáo viên nữ của Trường mầm non xã Kỳ Sơn (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có mặt tại điểm trường chính dùng bao tải cát đè trên mái để tránh bị tốc.
Để hỗ trợ các cô giáo, các nam thanh niên xã cũng được điều động để giúp các cô chằng chéo lại các cửa phòng học, dãy nhà chức năng, nhà bếp và di chuyển khu chơi dành cho các em ở ngoài sân trường vào bên trong.
Các cô giáo mần non mang bao tải cát lên mái nhà để tránh bị tốc mái trường học. |
Dù công việc khá là vất vả nhưng với tinh thần hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa bão gây ra, các cô đã xúc cát vào các bao tải, đội mưa đưa lên đặt trên các mái nhà. Đến khoảng 15h30 phút chiều cùng ngày, với sự nỗ lực và sự giúp sức của các lực lượng nên việc gia cố lại mái nhà được thực hiện xong. Đối với các điểm trường lẻ, các cô giáo cũng đã phối hợp với các thôn để được giúp đỡ.
Nghệ An - Hà Tĩnh: Cấm tàu thuyền ra khơi, khẩn trương thu hoạch mùa
Sáng 29/8, người dân tại các huyện ven biển như Cửa Lò, Diễn Châu, Nghi Lộc đã chủ động tháo dỡ biển quảng cáo, chuẩn bị bao cát để giữ mái tôn, chặt cây cối để tránh cây đổ. Từ 5h sáng cùng ngày tỉnh Nghệ An đã cấm các tàu thuyền ra đánh bắt, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú tránh bão, tỉnh đã có các công điện gửi các địa phương về phòng, chống bão số 4.
Nông dân tại các huyện cũng khẩn trương thu hoạch hoa mùa, đã có hơn 10.000 ha lúa được thu hoạch trước khi bão đổ bộ. Toàn tỉnh Nghệ An có 3.947 tàu thuyền, 18.700 lao động, trong đó 3.819 tàu thuyền đang neo bến, 36 phương tiện đang đánh bắt ven bờ đã nhận được thông tin về cơn bão số 4.
Tàu thuyền vào bờ neo đậu tránh trú bão |
Đến nay còn 76 tàu với 750 lao động đang neo đậu ở các tỉnh khác. Có 26.000 người dân ở các huyện ven biển có nguy cơ ngập lụt do triều cường khu bão đổ bộ và khu vực có nguy cơ sạt lở đất ở các huyện miền núi đã được lệnh để sẵn sàng di dời khi có sự cố xảy ra.
Hồ chứa nước Sông Sào - là hồ chứa lớn nhất miền Tây Nghệ An thuộc địa bàn huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa cũng được xả để ứng phó với bão số 4. Hồ Sông Sào được xả 1 cửa tràn, lưu lượng xả 300 m3/s bắt đầu xả từ 7 giờ sáng ngày 29/8 đến ngày 31/8, dự kiến sẽ xả trên 10 triệu m3 nước.
Ngư dân vào bờ, thu dọn ngư cụ để tránh thiệt hại |
Tại Hà Tĩnh, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, địa phương cũng tích cực kêu gọi tàu thuyền đang khai thác tại các vùng biển vào bờ tránh trú bão an toàn. BĐBP và Chi cục Thủy sản tỉnh Hà tĩnh đã liên lạc được 3.960 tàu thuyền, với 15.753 lao động đang đánh bắt tại các vùng khơi, vùng lộng và vùng bãi ngang.
Hiện, có 177 tàu thuyền hoạt động trên biển với 599 lao động đều đã nhận được liên lạc đang trên đường vào bờ neo đậu đảm bảo an toàn trước diễn biến của bão. Người dân cũng tích cực các hoạt động thu hoạch lúa để tránh bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Hiện nay trên một số địa phương ven biển hai tỉnh này đã xuất hiện mưa lớn, tuy nhiên thời gian mưa ngắn không gây ảnh hưởng nhiều.