Việc đưa tàu thuyền vào các âu thuyền đã được thị xã Kỳ Anh tiến hành từ sáng sớm nay. Các ngư dân đang tự giác, triển khai nhanh, sớm nhất việc di chuyển tàu bè vào nơi neo đậu an toàn, tránh gây thiệt hại lớn về tài sản.
Tại khu vực kinh doanh mực nhảy Vũng Áng, các bè nổi đã được các chủ nhà hàng triển khai biện pháp tránh bão.
Chủ bè mực Thoàn Liên cho hay, do thường xuyên nắm bắt thông tín thời tiết nên các chủ nhà hàng kinh doanh tại đây đều chủ động được các phương án phòng tránh bão, rất ít khi bị thiệt hại nặng.
Theo ghi nhận đến trưa nay (25/7), toàn bộ 20 hộ kinh doanh mực nhảy tại Vũng Áng đã di chuyển thuyền bè về nơi tránh trú bão an toàn.
Để ứng phó với mưa bão, thị xã Kỳ Anh sẽ cấp phát hơn 20.000 bao bì cho các xã, phường, nhất là những địa điểm trọng yếu để sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra do mưa to, gió lớn.
Tại cuộc họp triển khai ứng phó mưa bão, lãnh đạo UBND huyện Hương Khê yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn, sẵn sàng lực lượng khi có yêu cầu; tổ chức thường trực 24/24h, chủ động nắm bắt, cập nhật diễn biến của mưa bão; triển khai kịp thời các phương án ứng phó, tuyệt đối không để tình trạng mất thông tin liên lạc.
Hương Khê đã xuất hiện mưa to |
Đồng thời chủ động thoát nước đệm, đảm bảo an toàn diện tích lúa và hoa màu, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, đảm bảo an toàn lưới điện, chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, trực tiếp xuống tận cơ sở đôn đốc các địa phương tránh tình trạng để xảy ra thiệt hại lớn về tài sản và người… Đặc biệt, chú ý đến các vùng trọng điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao, các công trình đang thi công giang dỡ , kịp thời cảnh báo ngăn chặn người và phương tiện qua lại vùng, cầu và các tuyến đường ngập lũ.
Ông Nguyễn Văn Việt – Phó Ban chỉ huy PCTT – TKCN huyện Hương Khê yêu cầu các địa phương đảm bảo công tác an toàn giao thông, cảnh báo kịp thời vùng xung yếu bằng biển báo sào ngăn, cấm các phương tiện hoạt động trên sông, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng mưa lũ đi đánh cá trên sông; các vùng núi đề phòng lũ quét, cấm người dân vào rừng, chủ động kiểm tra phòng ngừa các hồ đập, hồ chứa nước như: đập Đá Hàn, Khe Trồi...
Từ sáng sớm nay, người dân ven biển Lộc Hà đã chủ động chằng chống nhà cửa, ngư dân đã đưa thuyền neo đậu an toàn tại âu trú bão.
Trung tá Trần Đình Chiến - Phó chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết, ngay khi có thông tin cơn bão số 4, chúng tôi đã phối hợp kêu gọi tàu thuyền và giúp đỡ ngư dân neo đậu, giằng néo thuyền. Đến nay, các tàu thuyền ngư dân địa phương đã vào âu trú ẩn an toàn. Còn 6 tàu với 36 ngư dân Thạch Kim, Thạch Bằng không về Cửa Sót cũng đã vào trú ẩn an toàn tại đảo Bạch Long Vĩ và Cát Bà.
Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, hiện còn một số tàu lớn đang chờ ngoài âu, khi triều lên sẽ vào. Thông thường bão sẽ kèm theo triều nhưng nếu không có triều, thì sẽ rất nguy hiểm vì tàu to khó vào âu. Chúng tôi đang theo dõi và đã có phương án xử lý trong trường hợp bão vào mà không có triều.
Ngư dân Lê Văn Nghệ (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) cho biết, khi nghe tin bão, chúng tôi đã cho tàu vào âu Cửa Sót Hà Tĩnh neo đậu, giằng néo cẩn thận để khỏi ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ không mạo hiểm ra đánh bắt trong thời điểm này, mặc dù trước bão cá rất nhiều. Khi bão tan, an toàn, chúng tôi mới ra khơi...
Tính đến chiều tối ngày 24/7, 936/1.038 tàu cá các loại của huyện Cẩm Xuyên đã trở về neo đậu an toàn. Hiện nay, 102 tàu cá gồm 503 lao động đang hoạt động ở khu vực ngoại tỉnh.
Theo ban phòng chống lụt bão của huyện, đến sáng 25/7, tất cả các tàu này đều đã nhận được thông tin về bão số 4 và đang tìm cách neo đậu.