Ngay từ thời nhà văn Vũ Bằng, Thạch Lam, là những người viết nhiều về nét đẹp văn hóa Hà thành đã khẳng định giá trị của văn hóa hàng rong. Một vẻ đẹp được tiếp biến qua nhiều thời kỳ, bồi đắp nên thành phố vì hòa bình như ngày hôm nay. Đến thời kỳ tân tiến hơn nhà văn Băng Sơn đã chuyển thể linh hoạt và khúc chiết những nét đẹp giản dị của cuộc sống đời thường nơi phố xá lên những áng tùy bút tuyệt đẹp khiến nhiều độc giả mê mẩn. Ở trong văn ông, những người bán hàng rong bám vào phố luôn thấy mình được góp mặt vào sự phát triển đa dạng, muôn màu của Hà Nội.
Cùng với quá trình quản lý đô thị, quản lý hàng rong, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, có thể nói là có một cuộc thanh lọc trên các tuyến phố. Nói rõ ra là, có những tuyến phố không được phép bán hàng rong. Còn lại, nhiều tuyến phố đủ rộng lượng để với tay đến những người mưu sinh, buôn bán nhỏ. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã từng có những bài tản văn tuyệt hay về Hà Nội với vẻ đẹp đất kinh kỳ. Trong đó ông dành không ít trang để nói về những người bán hàng rong. Trẻ hơn, nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng đã có những bài viết sâu, khảo cứu về nhu cầu có thật và việc gìn giữ vẻ đẹp của phố phường bằng chính những con người mưu sinh giản dị. Ít ai biết được hàng rong có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố nghìn năm tuổi, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét riêng của văn hóa Hà thành...
Vào cữ này, khi các làng hoa đang hối hả chuẩn bị vào vụ Tết, các làng nghề ở Hà Nội cũng đang căng mình với những đơn đặt hàng của khách thập phương thì hàng rong cũng vì thế được tăng chuyến, tăng người. Làng nghề ăn theo Tết. Nhà nhà ăn theo Tết. Nghĩa là sao? Nghĩa là vào vụ Tết, nhu cầu sử dụng sản phẩm, tiêu dùng sẽ tăng cao hơn bình thường, thậm chí tăng hàng chục lần. Vì thế không thể không có chuyện có những người om hàng dành Tết mới bán vì chờ được giá. Có những làng nghề dù quanh năm được sống dựa vào việc sản xuất, thì vẫn chờ đợi mình kiếm được nhiều hơn vào cuối năm. Còn với những người bán hàng rong, trong đó có người dùng xe máy, xe đạp để chở. Một số khác dùng đòn gánh để gánh gồng trên phố.
Một trong những mặt hàng được bán khá nhiều là những xe chở hoa. Đúng thôi. Người Hà Nội có thú chơi hoa. Chơi hoa thể hiện sự sang trọng, cuộc sống no đủ và sự tao nhã của người dân. Bởi thế gánh hàng hoa đã len lỏi vào đời sống người dân đô thị nơi đây từ rất nhiều năm rồi. Vậy nên, không chỉ những người dân ở các làng hoa ven Hà Nội như Tây Tựu, Quảng Bá, Nhật Tân, Hồng Vân… mang hoa về Hà Nội, mà các làng hoa mạn Hưng Yên, ở tuyến trên như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, thậm chí là từ Đà Lạt, hoa ngoại nhập cũng được chuyển về Hà Nội.
Hoa đi muôn nẻo. Hoa đi vào chợ, vào ngõ phố, ngách phố. Hoa về với các gia đình, tỏa hương trong phòng.
Hoa quan trọng với cuộc sống con người là thế, nhưng có lúc, nhìn những gánh hàng hoa, những người chở hoa và cây cảnh đi rong, tôi đã đặt câu hỏi: Có bao giờ những người bán hoa này tự tặng mình những đóa thơm? Một lần tâm sự với người phụ nữ bán hoa ở khu vực cầu Lủ (quận Thanh Xuân), rằng có bao giờ chị cắm hoa ở nhà mình? Hơi lúng túng một chút, chị này chia sẻ: “Thật ra cũng có. Nhưng chỉ là cắm hoa ế. Tức là ngày đó chưa bán hết. Còn nếu bán hết thì cũng chẳng còn mà cắm ở nhà đâu. Mình vừa bán vừa thưởng thức hương thơm là được rồi”.
Vậy đấy. Người bán hoa mang hoa cho đời, cho người, nhưng đâu có thời gian để mà chơi hoa một cách bình lặng như thường. Họ vừa bán hoa vừa chơi hoa theo cách của họ. Họ thưởng thức hoa bằng màu sắc và hương thơm trôi rơi trên các hành trình, trên phố phường. Họ khiến tôi xúc động vì trong mùa đông rét mướt này, vẫn cần mẫn làm việc, nhẫn nại và chăm chỉ.
Nhiều người sống ở Hà Nội lâu hơn, để ý và thấy rằng Hà Nội sẽ không bao giờ mất hàng rong. Ngay cả các kiến trúc sư cũng khẳng định vậy. Họ vẫn có cách để mưu sinh và thành phố sẽ có những cách để tạo điều kiện cho người dân có đất mưu sinh. Việc mưu sinh ấy sẽ càng trở nên sôi động khi phố trôi vào những ngày cuối năm đầy hồi hộp và hy vọng.