Cùng với việc hoàn thiện thủ tục đẻ đưa vào vận hành 2 tuyến không trợ giá thành trợ giá, TP sẽ tổ chức đấu thầu 5 tuyến buýt để đưa vào vận hành từ 1/10/2016.
Hiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội gồm có 92 tuyến gồm 72 tuyến buýt có trợ giá, 12 tuyến không trợ giá và 8 tuyến buýt kế cận.
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP, chất lượng phục vụ của xe buýt cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Số vi phạm đã giảm 19,5% so với cùng kỳ, trong đó, vi phạm về doanh thu giảm tới 30%.
Ông Hà Huy Quang - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP khẳng định: "Hoạt động vận tải bằng xe buýt đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại của nhân dân" |
Ngoài ra, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội cung cấp thêm, tình hình trật tự an ninh trên xe buýt đã được duy trì tốt hơn, hiện tượng trộm cắp, móc túi… trên xe buýt tại các điểm dừng đỗ đã giảm rõ rệt.
Đó là nhờ sự phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP trong việc triển khai theo dõi, quét vét các đối tượng trộm cắp, móc túi tại các điểm trung chuyển xe buýt, các đầu bến bãi, điểm nóng và trên xe buýt vào tất cả các cung giờ.
Kết quả, trong 5 tháng đầu năm 2016, đã bắt giữ 11 vụ với 11 đối tượng trộm cắp, móc túi trên xe buýt và tại các điểm dừng. Ngoài ra, tổ công tác phối hợp cũng đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ đối tượng có hành vi quấy rối, sàm sỡ hành khách đi xe.
Nhấn mạnh đến những khó khăn của hoạt động vận tải bằng xe buýt, ông Quang cho biết, xu hướng các loại hình cạnh tranh mạnh mẽ với xe buýt như Uber, Grab Taxi và xe đạp điện gia tăng làm ảnh hưởng đến sản lượng của xe buýt.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, TP sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực của hệ thống vận tải bằng xe buýt, góp phần giảm tải nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.