Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên địa bàn TP Hà Nội đạt 48.674 người, tăng 37,6%, tương ứng tăng 13.311 người so với năm 2019, đạt 101,32% kế hoạch.
BHXH TP Hà Nội cho biết, thành công trong thực hiện BHXH tự nguyện ở Hà Nội trong năm 2020 là huy động được cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp với cơ quan BHXH, giao chỉ tiêu cụ thể đến từng xã, thôn, tổ dân phố và các đoàn thể; các bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng các đoàn thể tích cực tham gia tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện.
Nhờ sự chủ động và kịp thời tham mưu của các cấp đã giúp BHXH TP Hà Nội có được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng đơn vị, địa phương chứ không chỉ riêng ngành BHXH.
Cùng với đó, BHXH thành phố đã tổ chức phát động phong trào thi đua rộng khắp toàn hệ thống BHXH, mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên, vận động người thân, bạn bè, nhân dân... tham gia BHXH tự nguyện; tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân và các đại lý thu có thành tích xuất sắc...
BHXH thành phố đã chủ trì phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, đối thoại ngay tại địa bàn dân cư. Tại các hội nghị tuyên truyền luôn có sự tham dự của đại diện cấp ủy, chính quyền cơ sở để chia sẻ những kết quả đã đạt được, các định hướng thực hiện chính sách, qua đó giúp củng cố niềm tin của nhân dân.
Ngoài ra, BHXH thành phố đã phối hợp với Bưu điện TP Hà Nội tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tại thôn, phường, xã, tổ dân phố, đồng thời phối hợp với Bưu điện thành phố thực hiện hai đợt ra quân tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình tạo hiệu quả truyền thông tốt.
Theo đó, trong năm 2021, BHXH TP Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao chỉ tiêu tỷ lệ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên lực lượng trong độ tuổi lao động (nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức) đạt 1%.
Để hoàn thành chỉ tiêu, BHXH thành phố và BHXH quận, huyện, thị xã đã tham mưu để UBND các huyện, thị xã giao chỉ tiêu BHXH tự nguyện đến từng xã, thôn, thị trấn; BHXH quận, huyện, thị xã giao chỉ tiêu BHXH tự nguyện tới từng cán bộ.
BHXH thành phố đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn để nâng cao chất lượng hoạt động của các đại lý thu BHXH, BHYT; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đại lý thu, trường hợp đại lý thu hoạt động không hiệu quả thì thanh lý hợp đồng.
Bên cạnh đó, BHXH quận, huyện, thị xã phối hợp với các đại lý thu, UBND các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể tổ chức các hội nghị tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, vận động lãnh đạo, ban chấp hành, hội viên các hội, đoàn thể trên địa bàn, đoàn thanh niên, cán bộ không chuyên trách cấp xã, đảng viên gương mẫu tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Đặc biệt, BHXH thành phố yêu cầu BHXH quận, huyện, thị xã tổng hợp phân tích nhóm đối tượng tiềm năng chưa tham gia, tập trung vào nhóm có khả năng tham gia BHXH, BHYT trước. Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đối thoại về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Người làm việc thường xuyên tại các làng nghề truyền thống, người hoạt động không chuyên trách ở nông thôn, tổ dân phố, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, người buôn bán nhỏ, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, học sinh, sinh viên,... nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân.