Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề truyền thống của cả nước.
Trong đó có 309 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận, nhiều sản phẩm làng nghề đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội, đây là cơ sở tiềm năng để lựa chọn hoàn thiện, đánh giá, phân hạng và dự thi Chương trình OCOP. Nhiều sản phẩm làng nghề đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tham gia dự thi để có những sản phẩm tiềm năng 5 sao đánh giá sản phẩm quốc gia thông qua Chương trình OCOP.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cùng các đại biểu đi thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP. |
Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019 ghi nhận: Hà Nội có 18/30 quận, huyện, thị xã tham gia, với số hồ sơ tham dự Chương trình OCOP là 301. Trong đó, 6 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao, vượt kế hoạch được đặt ra về Chương trình OCOP của thành phố năm 2019.
Cùng với việc đánh giá, phân hạng sản phẩm, Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội đã thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tổ chức Hội chợ triển lãm tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô với khu trưng bày những sản phẩm tiềm năng dự thi Chương trình OCOP cấp quốc gia.
Các sản phẩm OCOP được giới thiệu đến người tiêu dùng. |
Thành phố cũng tổ chức trưng bày giới thiệu trên 250 sản phẩm của hơn 70 chủ thể đại diện cho sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội tại Diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu và Hội chợ quốc tế OCOP năm 2019. Trên 200 sản phẩm của 10 doanh nghiệp của thành phố tham gia Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên.
Đến nay, Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Hà Nội đã tổ chức 4 hội thảo kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín, Big C Thăng Long và phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); tổ chức tôn vinh các sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm, từ đó, khích lệ, động viên các chủ thể tham gia dự thi Chương trình OCOP. Qua đó, người tiêu dùng nhận diện rõ hơn thương hiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội, tạo thêm niềm tin cho khách hàng.
Các sản phẩm OCOP được giới thiệu đến người tiêu dùng. |
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai Chương trình OCOP tại Hà Nội cho thấy, việc phát triển sản phẩm OCOP của Hà Nội còn gặp một số khó khăn như nhiều sản phẩm còn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô sơ, giá trị sản phẩm chưa cao.
Nhiều sản phẩm dự thi mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ như thiếu kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ…
Các sản phẩm OCOP được giới thiệu đến người tiêu dùng. |
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, trọng tâm của TP Hà Nội thời gian tới là tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn và giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP; các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online…
“Thành phố sẽ nâng cấp phần mềm hệ thống truy suất nguồn gốc thực phẩm nông sản, trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn. Xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã. Đồng thời, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm OCOP, tiếp tục triển khai thêm các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP”- ông Chu Phú Mỹ khẳng định.