Hà Nội: Dân chịu ấm ức vì nhường đất mở rộng quốc lộ 32

Đường 32 đoạn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm vẫn còn đó những khuất tất về giải phóng mặt bằng
Đường 32 đoạn phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm vẫn còn đó những khuất tất về giải phóng mặt bằng
(PLO) - Hơn 4 năm kể từ ngày dự án cải tạo mở rộng quốc lộ 32 được hoàn thành, các hộ dân thuộc khu vực huyện Từ Liêm cũ (nay là quận Bắc Từ Liêm) thành phố Hà Nội vẫn đang phải chịu cảnh ấm ức thiệt thòi vì công tác hỗ trợ, đền bù...
Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 32 (Cầu Diễn - Nhổn) đã cơ bản hoàn tất. Để thực hiện dự án này, hàng trăm hộ dân thuộc khu vực huyện Từ Liêm cũ (nay là Bắc Từ Liêm) thành phố Hà Nội đã phải di dời nhà cửa, tài sản trên đất. 
Thế nhưng, đã hơn 4 năm trôi qua, công tác hỗ trợ, đền bù vẫn là câu chuyện gây bức xúc đối với người dân "nhường đất làm đường" bởi một số quyết định khó hiểu được UBND quận Bắc Từ Liêm vừa mới được ban hành.
Đường 32 đoạn qua quận Bắc Từ Liêm dù đã được đưa vào sử dụng 04 năm vẫn còn đó những khuất tất về giải phóng mặt bằng (Ảnh:intenet)
Đường 32 đoạn qua quận Bắc Từ Liêm dù đã được đưa vào sử dụng 04 năm vẫn còn đó những khuất tất về giải phóng mặt bằng (Ảnh:intenet)
Trường hợp của gia đình ông Lê Dũng, trú tại Kiều Mai, phường Phúc Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội là một điển hình. Hộ gia đình ông Dũng và hộ gia đình ông Lê Trọng Tuấn (ông Dũng và ông Tuấn là hai anh em ruột) có 2 thửa đất liền nhau trên mặt đường 32. Khi thực hiện dự án, hai ông đã phải di dời và cũng đã nhận 2 quyết định đền bù tái định cư, theo 2 phương án bồi thường khác nhau. 
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Từ Liêm đã ra văn bản không cho phép 2 hộ gia đình này xây dựng trên thửa đất đã bốc thăm vị trí, đã có bản vẽ ký thuật thửa đất. Gần đây nhất, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có quyết định điều chỉnh phương án đền bù, thu hồi một thửa đất vì cho rằng hai ông tự tách hộ, tự tách thửa đất khi đã có quy hoạch dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Dũng cho rằng, điều khiến ông bức xúc nhất là việc UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định điều chỉnh phương án nhưng cả hộ gia đình ông Dũng và hộ gia đình ông Tuấn đều không nhận được quyết định?! Điều này khiến các ông không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng Luật Khiếu nại.

Ông Lê Dũng cho biết thêm, năm 1990 ông đã mua của ông Vũ Xuân Cát một mảnh đất ven QL32 thuộc tổ 3, thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội có diện tích 23m2 trên đó có một ngôi nhà cấp 4. Đến năm 1993, ông Vũ Xuân Cát tiếp tục nhượng quyền sử dụng 23m2 đất cùng nhà cấp 4 khác cho anh Vũ Hồng Tuấn. Đến năm 1997, do không có nhu cầu sử dụng, anh Vũ Hồng Tuấn đã nhượng lại cho anh trai ông Dũng là ông Lê Trọng Tuấn quyền sử dụng 23m2 đất trên cùng căn nhà cấp 4 đang sử dụng.

Như vậy, thửa đất ông Dũng mua lại của ông Vũ Xuân Cát và thửa đất do anh Lê Trọng Tuấn mua lại của ông Vũ Hồng Tuấn là 2 thửa đất hoàn toàn khác nhau và mua của hai người khác nhau, tại hai thời điểm hoàn toàn khác nhau.

Khi bàn giao mặt bằng cho BQLDA cải tạo mở rộng QL32, hộ gia đình ông Lê Dũng được phê duyệt đền bù theo phương án số 7196 do ông Lê Văn Thư, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký ngày 29/6/2010. Theo đó, tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng đối với hộ ông Dũng là 39m2 (trong đó đất ở sử dụng trước năm 1993 là 22m2. Số còn lại là đất lưu không và đất thủy lợi do gia đình tự cải tạo sau này). Với diện tích đất thu hồi này, theo quyết định hộ ông Lê Dũng được giao đất tái định cư 40m2 và số tiền hỗ trợ được nhận là 41 triệu đồng (sau khi đã khấu trừ tiền sử dụng đất).
Quyết định giao đất tái định cư của UBND huyện Từ Liêm cho ông Lê Trọng Tuấn
Quyết định giao đất tái định cư của UBND huyện Từ Liêm
 cho ông Lê Trọng Tuấn 
Còn đối với hộ gia đình ông Lê Trọng Tuấn, khi cải tạo, mở rộng QL32, đã được ông Lê Văn Thư, chủ tịch UBND huyện Từ Liêm phê duyệt đền bù theo phương án số 7197, ký quyết định ngày 29/6/2010 với nội dung: Hộ gia đình chúng tôi (Lê Trọng Tuấn) bị thu hồi 44,3m2 (trong đó 25m2 đất ở sử dụng trước năm 1993 và 19,3m2 đất lưu không sử dụng làm lối đi và đất thủy lợi gia đình tự sử dụng). Với diện tích đất bị thu hồi trên, ông Lê Trọng Tuấn được xét giao 40m2 đất tái định cư và 92 triệu đồng ( sau khi đã khấu trừ số tiền gần 280 triệu đồng tiền sử dụng đất).

Tuy nhiên, ngày 15/1/2014, ông Nguyễn Kim Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ký quyết định số 594 điều chỉnh phương án đền bù đối với hộ gia đình ông Dũng và ông Tuấn. Theo đó, ông Dũng và ông Tuấn đồng sử dụng đất trước khi bị thu hồi và đồng sử dụng 47m2 đất tái định cư được bố trí. Như thế có nghĩa một trong hai ông bị thu hồi một phương án bồi thường tái định cư. Điều khó hiểu hơn là quyết định được ban hành từ tháng 1 năm 2014 nhưng đến thời điểm này, hai ông vẫn khẳng định chưa hề nhận được quyết định để khiếu nại theo đúng luật.

Chỉ đến ngày 7/10/2014 vừa qua, khi hai ông nhận được giấy mời lên làm việc tại UBND quận Bắc Từ Liêm, hai ông mới chính thức được thông báo bằng miệng và được ông Nguyễn Văn Chiến, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bắc Từ Liêm giải thích về việc thu hồi phương án đền bù. Theo đó, quyết định điều chỉnh phương án được dựa trên phiếu xác nhận số 658 ngày 24/2/2012 của UBND xã Phú Diễn. Theo phiếu xác nhận này, ông Phí Lê Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Diễn đã ký xác nhận thay thế xác nhận số 680 đã ký ngày 20/8/2011 và trước đó là xác nhận số 506 ký ngày 9/12/2009.

Như vậy, chỉ với việc xác nhận nguồn gốc đất và tài sản gắn liền với đất cho một trường hợp cụ thể, UBND xã Phú Diễn đã có đến 3 bản xác nhận. Điều này đã dẫn đến việc điều chỉnh phương án đền bù của huyện Từ Liêm. Điều lạ hơn nữa là các xác nhận cũng như các quyết định của UBND huyện Từ Liêm ban hành đều không đến được tay đương sự là ông Tuấn và ông Dũng.

Những người dân "vật vã" với cuộc sống thiếu ổn định khi di rời nhà cửa để lấy đất làm đường đang phải chịu những thiệt thòi từ những quyết định của UBND quận Bắc Từ Liêm? Dư luận đang chờ đợi những chỉ đạo quyết liệt từ UBND Thành phố Hà Nội để các hộ gia đình trong diện phải di chuyển của dự án cải tạo mở rộng QL32 sớm ổn định cuộc sống trở lại./.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.