Trên bảo không nợ tiêu chí, dưới nói có
Khoảng hơn 17h chiều tối ngày 9/3, sau nhiều giờ chờ đợi chúng tôi mới gặp được ông Lê Đình Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai để làm rõ thông tin, thắc mắc xung quanh những tồn tại ở các trạm y tế đạt chuẩn.
Sau khi nghe chúng tôi phản ánh thực trạng xuống cấp ở một số trạm y tế xã trên địa bàn huyện như: Trạm y tế xã Thanh Văn, Trạm y tế xã Đỗ Động, Trạm y tế xã Kim An…nhưng vẫn đạt chuẩn quốc gia.
Ông Lê Đình Chiến cho hay, huyện Thanh Oai có 21 trạm y tế xã, thị trấn thì 20/21 trạm đạt chuẩn. Trong đó, có 1 trạm y tế đang chờ tái chuẩn là Trạm y tế xã Bích Hòa. Thanh Oai phấn đấu từ giờ đến cuối năm, 100% đạt chuẩn theo đúng lộ trình của Thành phố.
Ông Chiến xác nhận, thực tế có một số trạm y tế cơ sở vật chất yếu, kém nhưng vẫn đủ điều kiện đạt chuẩn, không phải nợ tiêu chí. Điển hình là Trạm y tế xã Thanh Văn, dù không có cổng, nhà để xe, nhà bếp dột nát, tường bao bên trái sắp đổ, trạm xa khu dân cư, đường đi ở thế ngõ cụt… nhưng vẫn đạt chuẩn.
Theo ông Chiến giải thích, trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, số điểm dành cho tiêu chí thứ 3 về cơ sở hạ tầng trạm y tế chỉ chiếm một phần điểm nào đó, khi chấm đã trừ hết rồi mà trạm vẫn đủ điểm và các mặt khác vẫn đạt thì phải chấm đạt chuẩn.
Ông Chiến nhớ, thời điểm chấm chuẩn quốc gia, Trạm y tế xã Thanh Văn ở mức “chấp chới”, đạt điểm 91 dù không cao nhưng vẫn đủ chuẩn. Ông Chiến khẳng định, tiêu chí cơ sở vật chất không phải là tất cả.
Trước đó, trong lúc đợi ông Chiến đi họp, chúng tôi có trao đổi với một số cán bộ Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai cũng với nội trên thì được hay để Trạm y tế xã Thanh Văn đạt chuẩn “các sếp cho nợ tiêu chí”.
Một cán bộ tiết lộ: “Đường đi vào Trạm y tế xã Thanh Văn mới được bê tông hóa chứ trước đây là đường đất, rất bé. Cứ động mưa là ngập do nền sân thấp. Mình đề xuất, cứ bao giờ xây dựng được thì mới chuẩn nhưng trên bảo là năm nay phải đạt chuẩn. Nhưng mà cơ sở vật chất nó chưa chuẩn thì chuẩn làm gì?
Theo ý kiến mình, nếu mà cho mình trong đoàn chấm chuẩn mình đề xuất khi cơ sở vật chất của nó chưa đủ, nhà cửa nó chưa đảm bảo thì đừng có đạt chuẩn. Còn về phần chuyên môn của mình cứ chuẩn về phần mình đi nhưng các ông ý bảo là cho nợ để sang năm xây. Cho nợ xong sang năm chẳng xây”.
Khi chúng tôi hỏi thế ông nào ép chuẩn? Người này trả lời: “Từ trên huyện đây này, từ trên huyện ép chuẩn, chuẩn là chuẩn từ chính quyền giao xuống”. Một cán bộ Trung tâm Y tế khác phân trần: “Chỉ tiêu là trên Thành phố giao xuống thì huyện lại phải giao xuống thôi”.
Tôi thắc mắc, trước khi đề xuất công nhận đạt chuẩn, các cơ quan ban ngành liên quan cũng phải đi kiểm tra, giám sát chứ? Thì một lần nữa người cán bộ này khẳng định: “Các sếp bảo cho nợ tiêu chí. Cán bộ y tế rất muốn được khang trang. Nhà cửa rộng rãi đầy đủ, tiện nghi để làm việc. Còn các nhà quản lý, lãnh đạo thì muốn hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch nhưng tiền thì lại chưa có để xây dựng”.
Tường bao của Trạm y tế xã Thanh Văn nứt toác, sắp đổ |
Vậy, có hay không việc “ép” chuẩn, chạy theo “số lượng”, thành tích bằng cách cho nợ tiêu chí? Điều chắc chắn rằng, việc cơ sở vật chất tại một số trạm đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh của cán bộ y tế và người dân là điều dễ nhìn thấy.
Cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra là tốt nhưng “cố” đạt chuẩn bằng mọi cách trong khi “nội lực” còn yếu thì lại là một biểu hiện đặc trưng của bệnh thành tích. Có lẽ, ở thời điểm nào, ở lĩnh vực nào thì căn bệnh thành tích chưa bao giờ hết tính thời sự.
Làm xét nghiệm để biết chứ không dám công bố
Bắt đầu từ năm 2009 đến nay, các trạm y tế xã thuộc huyện Thanh Oai được mua sắm, cấp phát nhiều loại thiết bị y tế do nguồn vốn của TP. Hà Nội rót về.
Điều đáng nói, theo lời 1 cán bộ trung tâm thì từ năm 2009 đến năm 2015, Trung tâm Y tế Thanh Oai mua sắm các thiết bị y tế theo kiểu áp giá trực tiếp của 1 đến 2 đơn vị đấu thầu làm điểm trước đó do Sở y tế Hà Nội chỉ định, hướng dẫn. Nghĩa là mua sắp từ kết quả đấu thầu của người khác trong vòng 6 tháng. Còn từ năm 2016 trở lại đây, các thiết bị y tếmới được mua sắm, cấp phát theo hình thức đấu thầu tập trung.
Ông Chiến tỏ ra là người “nhạy bén” khi cho biết, ngay khi nghe thông tin được cấp phát máy siêu âm, Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai đã kết hợp với Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ mời bác sĩ của BV Thanh Nhàn về dạy phần lý thuyết cho cán bộ y tế,sau đó ra BV Thanh Nhàn thực hành. Nhưng, BV Thanh Nhàn chỉ cấp được giấy chứng nhận mà không cấp được chứng chỉ.
Sau này, ký hợp đồng với BHYT, Trung tâm Y tế Thanh Oai buộc phải cử cán bộ y tế đi học lại ở BV Bạch Mai để được cấp chứng chỉ.
Tương tự như huyện Ứng Hòa, khi được cấp phát các máy xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai đã phải cử 21 cán bộ y tế ở các trạm, thị trấn đi học kỹ thuật xét nghiệm cơ bản trong vòng 3 tháng (ông Chiến không nhớ rõ cử cán bộ đi học năm nào) tại BV Hà Đông. Nhưng, BV Hà Đông cũng chỉ cấp được giấy chứng nhận mà thôi.
Ông Chiến cho hay, từ đó cho đến nay vẫn chưa tổ chức cho cán bộ y tế đi học lại được phần vì chưa sắp xếp, bố trí được công việc ở trạm, phần vì hiện có quá nhiều cán bộ đang đi học nâng cấp theo quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, dù chưa được cấp chứng chỉ nhưng các cán bộ y tế ở trạm vẫn làm các xét nghiệm?. Ông Chiến giải đáp: “Họ làm xét nghiệm cho người thường, chứ BHYT có làm được đâu. Thứ hai là họ làm xét nghiệm ở các đợt khám sức khỏe thôi chứ còn bệnh tật thì làm để biết chứ không dám công bố.
Các máy móc sử dụng cho bệnh nhân chỉ là 1 phần công việc của trạm thôi còn sử dụng chủ yếu trong công tác phòng bệnh. Bởi vì thời lượng của trạm chủ yếu là phòng bệnh hay nói cách khác là làm cho người khỏe chứ không phải làm cho người ốm”.
Nói như vậy có nghĩa là dù người dân có nhu cầu làm xét nghiệm và trạm có đủ các trang thiết bị để làm xét nghiệm nhưng vẫn phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhất là bệnh nhân có BHYT vì cán bộ y tế chưa được cấp chứng chỉ. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn làm mất thời gian cũng như công sức của người dân.
Một số thiết bị y tế được mua sắm, cấp phát cho các trạm y tế từ nguồn vốn của TP. Hà Nội. Ảnh chụp tại Trạm y tế xã Kim Thư |
Chờ chỉ đạo từ cấp trên
Liên quan đến việc sử dụng các trang thiết bị y tế được cấp phát, trong lúc đợi ông Chiến đi họp về chúng tôi đã đề ghị Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai cung cấp cho bảng thống kê các loại trang thiết bị y tế.
Sau khi, được sự đồng ý của bà Phó giám đốc trung tâm Nguyễn Thị Phượng, nhân viên kế toán Nguyễn Thị Hương đã mang đến 1 cuốn sổ thống kê tất cả các loại máy móc thiết bị y tế được mua sắm, cấp phát cho 21 trạm y tế xã, thị trấn từ năm 2009 tới nay.
Chúng tôi xem qua và đề nghị trung tâm cấp cho một bản. Nhân viên Nguyễn Thị Phượng cầm cuốn sổ đi ra ngoài, khoảng 15 phút sau chị này quay lại nói là do mất mạng nên không in được. Tôi đề nghị được nhận bản photocopy, nhưng chị này tìm mọi lý do để không cung cấp.
Cuối cùng, khi tôi giơ máy ảnh lên chụp lại chị này liền đóng sổ và từ chối cung cấp thông tin dưới mọi hình thức với lý do là mọi thông tin phải được sự chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm.
Trong lúc chúng tôi cùng bà Phượng (Phó giám đốc trung tâm), ông Cường (Phòng Hành chính) ngồi trò chuyện tại Phòng hội trường của trung tâm thì có một cuộc họp đột xuất với sự tham dự của nhiều nhân viên.
Trong đó, có một nhân viên từng quản lý hệ thống mạng của trung tâm. Anh ta nói rằng từ sáng đến giờ mạng rất ổn định. Như vậy, rõ ràng lý do không có mạng chỉ là cái cớ để không cung cấp thông tin cho chúng tôi.
Nói về chỉ đạo của cấp trên, tôi nhớ đến nữ nhân viên y tế ở Trạm y tế xã Kim Thư - người xưng “mày- tao” và cấm chúng tôi chụp ảnh. Lý do cấm là: “…Mày tham quan bọn tao cho tham quan thoải mái, thích hỏi cái gì nói cái đấy, nhưng mà chụp là không, dứt điểm với nhau là như thế, cái này nó do chỉ thị từ trên chỉ thị xuống, chứ không phải bọn tao tự quyền được”.
Để xác minh người phụ nữ này có phải là nhân viên y tế của trạm hay cộng tác viên y tế ở thôn? Tôi cho bà Phượng, ông Cường xem ảnh và nghe đoạn ghi âm thì bà Phượng xác nhận đây là nữ y tá ở Trạm y tế Kim Thư. Bà Phượng gọi tên người phụ nữ này là Hằng “đen”.
Bà Phượng cho biết, nữ y tá này công tác ở trạm đã lâu, không lập gia đình, bị bệnh thận, nhận thức hạn chế nên nói lời khó nghe.
Những câu hỏi như: Có phải nhân viên y tế xưng “mày- tao” và “cấm” phóng viên chụp ảnh là có “chỉ đạo”? Nhân viên y tế ở trạm có phải mặc áo blue khi khám bệnh? Và có được phép xưng hô “mày-tao” ở trạm y tế không? Thế nhưng, khi chúng tôi đặt câu hỏi thì ông Chiến chỉ... cười trừ (?).
Những thắc mắc này xin được tiếp tục gửi lên Sở Y tế và TP. Hà Nội.