Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, TP, cao nhất từ trước tới nay; chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc); chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xếp thứ 2 cả nước.
Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu dân cư. Hà Nội cũng trong nhóm 4 TP có Chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương ghi nhận và biểu dương những đổi mới trong công tác CCHC, sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP Hà Nội trong việc cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
“Qua kiểm tra thực tế tại UBND quận Đống Đa cho thấy, 14 lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) được tổ chức tốt, TTHC được công khai và có liên thông, ứng dụng CNTT có hiệu quả, có hòm thư, có sổ góp ý, trưởng bộ phận một cửa (BPMC) ngồi trực tiếp nơi tiếp dân…” - ông Lê Quý Vương đánh giá.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử với người dân của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thụ lý, giải quyết TTHC. Tập trung việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đề cao vai trò con người. Cùng đó, lực lượng Công an TP tiếp tục rà soát, bố trí hợp lý cán bộ thực hiện CCHC theo đúng năng lực, vị trí.
Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu những kiến nghị của đoàn kiểm tra trong công tác CCHC của TP để khắc phục những tồn tại và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Ngoài những kết quả TP đã đạt được trong CCHC, chúng tôi đều nhận thức được điểm yếu nhất trong việc thực hiện CCHC của TP hiện nay là trình độ, thái độ, tác phong của một số người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên tại BPMC của cấp phường, xã vẫn còn hạn chế, thậm chí còn yếu kém và hách dịch. Đây là những cán bộ, chuyên viên trực tiếp thụ lý hồ sơ, giao tiếp với dân nên vô hình trung đã tạo ra hình ảnh không tốt trong mắt người dân. Tới đây, TP sẽ tập trung chấn chỉnh tác phong, thái độ của đội ngũ này và xử lý nghiêm vi phạm” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
TP Hà Nội xác định CCHC là 1 trong 3 khâu đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh. “Mục tiêu của TP trong CCHC là sẽ vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết 30/NQ-CP và Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ đề ra” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP kiến nghị với đoàn kiểm tra in tự động thẻ tạm trú để thuận tiện cho giải quyết TTHC của người dân và cho việc quản lý dữ liệu dân cư của Công an cấp phường, xã. Cùng đó, đề xuất giao cho Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) chia sẻ dữ liệu ô tô và mô tô để phục vụ CSGT TP kiểm soát phương tiện trên đường, đảm bảo bảo mật.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề xuất sẵn sàng tặng toàn bộ phần mềm xây dựng, quản lý dữ liệu dân cư của TP Hà Nội đang hoạt động rất hiệu quả để triển khai trên các tỉnh, thành còn lại.
Thay mặt đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Thứ trưởng Lê Quý Vương hoan nghênh trước đề xuất trên của Chủ tịch UBND TP. Đoàn kiểm tra ghi nhận và tiếp thu những kiến nghị của UBND TP Hà Nội để báo cáo lại với Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, đồng thời sẽ giao trực tiếp đầu việc cho các đơn vị chức năng để thực hiện.