Cầu Mỹ Thuận đang đối mặt với mối nguy hiểm khôn lường khi việc khai thác cát trái phép ngày càng tiến đến sát chân cầu.
Nhiều sà lan khai thác cát sông gần cầu Mỹ Thuận gây mất an toàn trong hành lang bảo vệ cầu. |
Càng về khuya càng tiệm cận chân cầu
Dưới chân cầu Mỹ Thuận nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang có mỏ cát lớn ước đến 14 triệu m3. Mỏ cát này do hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang quản lý. Mặc dù ngành chức năng đã cấm khai thác cát trong khu vực cách chân cầu 1,3 km để đảm bảo an toàn cho cầu nhưng thực tế vẫn có nhiều sà lan không chấp hành quy định này.
Người dân sống trong khu vực cho biết, vào ban đêm nhiều sà lan còn tiến gần chân cầu hơn nữa để khai thác và đã khai thác trong suốt thời gian qua.
Mỗi năm, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh phát hiện và xử lý khoảng 30 trường hợp sà lan vi phạm địa điểm khai thác cát trong khu vực cầu. Song do lực lượng chuyên ngành còn quá mỏng, việc lập biên bản xử phạt chủ yếu là nhắc nhở chứ chưa có tính răn đe nên các chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm.
Việc khai thác cát trong khu vực cầu Mỹ Thuận không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo vệ công trình cầu dây văng nối liền hai tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long mà còn làm sạt lở nghiêm trọng đôi bờ sông Tiền nơi đây.
Nhà dân nằm bên miệng “hà bá”
Liên tục mấy ngày qua, gia đình bà Nguyễn Thị Nhành (ấp An Hòa, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) mất ăn mất ngủ vì sạt lở sắp ngậm nuốt căn nhà của gia đình. Đứng ở đầu cồn An Bình, chỉ tay về hướng cầu Mỹ Thuận, bà Nhành than thở: “Mấy chú thấy không, cây nhãn cổ thụ của tôi đã bị cuốn trôi ra sông hồi tháng trước, mà nay sạt lở đã ăn sát nhà tôi thế này. Căn nhà này nay mai chắc cũng trôi theo cây nhãn đó thôi”.
Bà Nhành lo âu vì sạt lở sẽ nuốt căn nhà của gia đình bất cứ lúc nào do khai thác cát sông. |
Theo bà Nhành, gia đình của bà có trên 4.000 m2 đất vườn, trồng nhãn, chỉ có vài năm khai thác cát nơi đây, sạt lở đã nuốt hơn 3.000 m2 đất của bà, nay chỉ còn khoảng 600 m2 luôn cả căn nhà đang ở. Bà Nhành lo âu: “Chỉ vì mấy sà lan khai thác cát này mà hàng chục người dân ở đầu cồn An Bình này đã điêu đứng. Ban đêm, bọn chúng cho sà lan cặp sát vào bờ, vừa ngủ nghê không được vừa làm sạt lở bờ sông. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, bà con chúng tôi đều phản ánh, nhưng rồi cũng như không...”.
Không chỉ có bà Nhành mà ở khu vực này có hàng chục hộ dân cũng đã mất ăn mất ngủ, tiêu tan tài sản vì nạn khai thác cát gần bờ. Ao nuôi cá của bà Trần Thị Ngàn thuộc ấp An Thới, xã An Bình đã bị sạt lở mất cả đê bao từ vài tháng trước. Giờ thì hai cái ao với diện tích gần 10.000 m2 đã trở thành sông, không còn nuôi gì được nữa.
Bà Ngàn cho biết: “Chỉ trong một đêm, cả một đoạn bờ kè bằng dale biến mất vì sạt lở. Cây trái trồng trên bờ bao cũng tiêu luôn. Bây giờ không canh tác, không nuôi trồng gì được hết. Nó ảnh hưởng đến đất ở phía trong, thậm chí tới nhà luôn, để đối phó, chúng tôi phải đắp bờ ngăn nước. Thiệt hại và tốn kém này ai chịu?”.
Tại khu vực này hiện có 42 hộ dân với khoảng 60 ao nuôi cá điêu hồng. Tính đến nay đã có năm ao lở hoàn toàn như ao của bà Ngàn. Đoạn đê do ông Phan Hùng Tiến bỏ tiền ra xây dựng, đã bốn lần dời đê với chi phí cả trăm triệu, nhưng hiện tại, sạt lở cũng đã tới chân đê.
Theo ông Tiến: “Tôi cất cái nhà ở đây thì lúc đó bờ đê của tôi ở ngoài bè cá kìa, cách cái bờ cũ này hơn 20m. Bốn lần dời đê vì sụp mất cái nhà luôn, giờ chỉ còn ló cái nền gạch. Bốn lần dời đê chi phí là một trăm bốn mươi mấy triệu đồng. Rõ ràng nguyên nhân do ảnh hưởng của khai thác cát. Khai thác ngày đêm, gần bờ, mà độ sâu nhiều quá đương nhiên nó phải lôi đất ở trong ra ngoài thôi. Đất mà mất chân thì bờ đê nào cũng sụp. Gia cố cỡ nào cũng sụp, đóng cừ dừa vẫn bị sụp. Bây giờ nhờ cơ quan chức năng làm sao kiểm tra vấn đề khai thác cát này, thứ nhất là phải ngoài cái tầm quy định, để không ảnh hưởng tới người dân, nếu không thì thời gian nữa là đất này mất hết”.
Ông Lê Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, xác nhận hoạt động khai thác cát là nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông. “Theo thống kê của UBND xã An Bình, hiện tại ở các ấp An Hòa, An Long đã có gần 30 ha đất vườn, nhà cửa của dân bị sạt lở xuống sông. Không riêng gì ấp An Hòa mà các ấp An Long, An Thuận cũng bị sạt lở. Chỉ tính riêng đoạn sông Tiền, sông Cổ Chiên ở khu vực các ấp này đã có đến bốn mỏ cát được UBND tỉnh Vĩnh Long cho phép khai thác gồm bốn doanh nghiệp, tổng công suất khai thác lên đến 800.000 m3/năm. Nạn sạt lở bờ sông do hoạt động khai thác cát đã xuất hiện từ năm 2000 nhưng hai năm gần đây tốc độ khai thác cát sông của các doanh nghiệp ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc sạt lở ngày càng trầm trọng”, ông Hùng nói.
Nếu khai thác cát gần đầu cồn An Bình thì hàng chục hộ dân nơi đây tiếp tục bị mất đất, mất nhà, còn nếu khai thác xa đầu cồn thì ngược lại khai thác gần chân cầu Mỹ Thuận cũng gây nguy hiểm khó lường. Theo bà con nơi đây nên chấm dứt tình trạng khai thác cát ở khu vực này để tránh thiệt hại cho cả công trình cầu Mỹ Thuận và hàng chục hộ dân ở đầu cồn An Bình.
Ngọc Long