Tham dự buổi làm việc, về phía TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch Thưởng trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải và lãnh đạo các Sở, ngành Thành phố.
Về phía Bộ Tư pháp có các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Mai Lương Khôi, ông Nguyễn Quang Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự và lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM. |
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, TPHCM là trung tâm kinh tế tài chính của cả nước, trong những năm qua, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.Trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng, đi cùng với khối lượng công việc tăng, đa dạng, phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh những vi phạm tranh chấp, vì vậy công tác phối hợp cần chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc buổi làm việc. |
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, mục tiêu buổi làm việc nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp, thi hành án dân sự trên địa bàn TPHCM, trong đó, tập trung một số lĩnh vực quan trọng như xây dựng văn bản vi phạm pháp luật, thi hành án dân sự, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp, thi hành án … liên quan đến lĩnh vực tư pháp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải báo cáo tại buổi làm việc. |
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cho biết: Năm 2024, trong điều kiện khối lượng công việc ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp, 03 cấp Tư pháp Thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, tham mưu có hiệu quả cho các cấp chính quyền của Thành phố trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách thể chế, trong đó tập trung là xây dựng thể chế để triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, Nghị định 84/2024/NĐ-CP, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chỉ thị 1 số 39, các Luật gắn liền với sự phát triển của thành phố, xây dựng nhiều chính sách đặc thù chăm lo các đối tượng yếu thế mang ý nghĩa nhân văn và xã hội to lớn; đồng thời thể hiện vai trò tích cực và trách nhiệm trong tham gia ý kiến pháp lý trong giải quyết các vấn đề thực tiễn của Thành phố, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch phát biểu tại buổi làm việc. |
Cũng theo ông Hải, đến nay, ngành Tư pháp Thành phố đã cơ bản hoàn thành tốt chương trình công tác năm và các nhiệm vụ Thành phố giao, đóng góp tích cực trong các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nói chung và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ Thành phố khóa XI nói riêng.
Bên cạnh đó, Thành phố tập trung ban hành các văn bản quy phạm pháp triển khai các Luật mới có nội dung giao địa phương quy định chi tiết, nhất là ban hành các văn bản triển khai 03 Luật có hiệu lực từ 01/8/2024 (Luật Đất Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản). Đến nay, HĐND và UBND Thành phố đã ban hành đầy đủ văn bản được giao chính quyền phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 3 Luật. Ngoài ra, Thành phố hành nhiều chính sách đặc thù thu hút nguồn lực, thể hiện sự chăm lo của Thành phố đối với nhiều đối tượng khác nhau.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Trong thời gian tới, ngành Tư pháp Thành phố tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan than mưu về thể chế của Thành phố, nhất là thể chế cho việc triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15; Nghị định số 84/2024/NĐ-CP và các Luật có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp cũng như sự phát triển của Thành phố; đảm bảo kỹ cương, kiểm soát quyền, lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tá xây dựng pháp luật theo Quy định 178-QĐ/TW.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật năm 2025 trên địa bàn Thành phố, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở năm 2025, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Thành phố, khai thác và mở rộng cơ sở dữ liệu hộ tịch; tiếp tục thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp…
Phát biểu tại cuộc họp về công tác tư pháp, thi hành án dân sự, Thứ Trưởng Mai Lương Khôi cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn có hoạt động bổ trợ lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là đơn vị làm tốt công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp. Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động bổ trợ tư pháp cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Về công tác Hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực), Thứ Trưởng Mai Lương Khôi cho rằng địa phương đã tích cực, chủ động trong việc từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bố trí kinh phí, phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung trên địa bàn. Hiện nay, Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp đã được các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thành phố khai thác, sử dụng ổn định, hiệu quả. Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu về số hoá sổ hộ tịch, bảo đảm tiến độ theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ- CP.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi. |
Theo đó, Thành phố đã triển khai số hoá 04 loại sổ hộ tịch (Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký khai từ và Sổ đăng ký nhận cha mẹ con), đã chuyển vào CSDLHTĐT 11.722.338/12.814.424 dữ liệu cần số hoá (đạt trên 95%); còn lại 355.350 dữ liệu (chiếm 5%) chưa đẩy được vào CSDLHTĐT do trùng dữ liệu (Cục HTQTCT đã có Công văn số 605/HTQTCT-HT ngày 28/5/2024 hướng dẫn Thành phố cách thức xử lý dữ liệu trùng).TP.Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành việc điều chỉnh Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố, kết nối với Phần mềm dịch vụ công liên thông và Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp để triển khai thực hiện 02 nhóm TTHC liên quan đến ĐKKS, ĐKKT theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP thực hiện trên địa bàn thành phố từ ngày 14/8/2024. Kết quả, từ ngày 14/8/2024 đến ngày 31/10/2024, cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận 5.989 hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, 1.405 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, 69 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí.
Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp. |
Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh là 01 trong 02 thành phố triển khai thí điểm quy trình liên thông đăng ký kết hôn, cấp xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến từ tháng 1/2024. Tính từ ngày 06/3/2024 đến ngày 31/10/2024, UBND cấp huyện đã tiếp nhận 94 hồ sơ, UBND cấp xã đã tiếp nhận 1.206 hồ sơ liên thông đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến.
Về công tác Thi hành án dân sự (THADS), TP. Hồ Chí Minh là đơn vị có số việc và số tiền thi hành án hàng năm đứng đầu cả nước, là địa phương đứng đầu cả nước về số vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế được đưa ra truy tố, xét xử, tổ chức thi hành án, trong đó có những “đại án" thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Trong năm 2024, các cơ quan THADS TP. Hồ Chí Minh đã thi hành xong trên 58 nghìn việc, tương ứng với gần 35 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng gần 30% lượng tiền thi hành xong của toàn hệ thống. |
Kết quả công tác THADS, công tác thu hồi tài sản của Cơ quan THADS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp góp phần tích cực đến kết quả thi hành án chung của toàn quốc. Nhìn chung, các cơ quan THADS Thành phố đã kịp thời quản triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành ủy, UBND Thành phố liên quan đến công tác THADS, THAHC; tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, từng bước được đổi mới với nhiều cách làm hay hiệu quả. Các giải pháp mà Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS áp dụng đối với các cơ quan THADS thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong thúc đẩy hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ hoạt động THADS, THAHC trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, để làm tốt công tác bổ trợ tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Thành uỷ, UBND TP. Hồ Chí Minh phối hợp chỉ đạo: Tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với tổ chức xã hội- nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là đối với Đoàn luật sư Thành phố. Chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp vì đây là lĩnh vực tương đối phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản. Trong đó cần triển khai thi hành tốt các văn bản pháp luật mới ban hành như Luật Công chứng sửa đổi, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đồng thời, có giải pháp phát triển đội ngũ làm bổ trợ tư pháp trên địa bàn Thành phố đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của cơ quan tư pháp, hành chính và của người dân, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng phát triển tràn lan, không kiểm soát.Ngoài ra, tiếp tục thực hiện số hoá đối với các sổ hộ tịch còn lại (bao gồm Sổ đăng ký giám hộ; Số đăng ký chấm dứt giám hộ; Sổ ghi chú ly hôn và Sổ đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân); đối với các sổ hộ tịch đã thực hiện xong việc số hoá, đề nghị Sở Tư pháp có kế hoạch rà soát, đối chiếu dữ liệu, bảo đảm dữ liệu được số hóa đúng, đủ, sạch, sống nhằm quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Cục trưởng Cục THADS TP. HCM |
Về công tác THADS, Thứ trưởng đề nghị Thành uỷ, UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với các cơ quan THADS trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, truy cập các cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ công tác xác minh, tổ chức thi hành án. Kịp thời xử lý các vướng mắc, đảm bảo tài sản sạch đưa ra đấu giá; Tập trung hoàn thành rà soát tài sản theo danh sách mà thành ủy đã chỉ đạo, bảo đảm không có vướng mắc trước khi thi hành. Cố gắng rà soát nhanh các tài sản nào đủ điều kiện thì đưa ra thi hành sớm để cơ quan thi hành án thi hành kịp thời có nguồn tiền để chi trả cho các đương sự.
Lãnh đạo Cục THADS TP. HCM tham dự buổi làm việc. |
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Thành ủy TP. Hồ Chí Minh yêu cầu UBND Thành phố báo cáo và có các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo thi hành dứt điểm hoặc đưa các vụ việc thi hành án hành chính phức tạp tại địa phương vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Ban Thường vụ Thành ủy để theo dõi, chỉ đạo. Cấp ủy, người đứng đầu UBND các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác thi hành án hành chính, từ đó chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc thi hành án hành chính.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. |
Nói về những khó khăn trong công tác bổ trợ, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM đề xuất: Đối với mảng bổ trợ, khi triển khai Luật công chứng, cần cân nhắc lộ trình chuyển đổi cũng như xã hội hóa, vì việc này sẽ làm ảnh hưởng đến các giao dịch của người dân khá lớn. Đặc biệt là đối trọng về chuyên môn và hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng rất quan trọng, thực tế cho thấy thời gian qua đã có nhiều trường hợp vi phạm pháp luật. Nhưng Sở tư pháp hiện nay không xử lý được các sai phạm của phòng công chứng mà các đương sự phải kiện ra tòa. Ngoài ra, kiến nghị lãnh đạo Bộ và TP sắp xếp bộ máy tinh gọn theo NQ18 lưu ý hiện nay, chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng lực lượng pháp chế rất là mỏng, TPHCM lại là một TP lớn xin các đồng chí lưu ý vấn đề này trong quá trình sắp xếp lại bộ máy.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cám ơn Bộ Tư pháp trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ đồng hành với Thành phố về công tác tư pháp, Thành phố cố gắng nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ, trong đó phải kể đến sự đoàn kết, nỗ lực và đóng góp của ngành tư pháp Thành phố nói chung và Sở Tư pháp, Cục Thi hành án Thành phố nói riêng là rất lớn.
Đồng chí Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM |
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi tin rằng với việc ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và Thành phố thì công tác này sẽ được triển khai tốt hơn trên địa bàn Thành phố. Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị sau khi ký kết, hai bên sẽ triển khai kế hoạch hàng năm để kịp thời thực hiện các nội dung cụ thể hơn.
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn cho ngành tư pháp Thành phố, trong đó hỗ trợ việc đào tạo nhân lực, công tác giải quyết tranh chấp quốc tế, thi hành án trên địa bàn Thành phố…
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp hỗ trợ Thành phố trong công tác thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với cái yêu cầu phát triển của thành phố, đồng thời thí điểm kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch điện tử của người dân Thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chúc mừng TP. HCM đạt được nhiều kết quả rất tích cực về kinh tế chính trị xã hội, ANQP, đóng góp 27% ngân sách Nhà nước. |
Bộ trưởng nhấn mạnh: Thời gian qua chúng ta đạt nhiều kết quả tích cực về thi hành án, thực hiện Nghị quyết 98, đã ban hành nhiều văn bản với khối lượng lớn. Công tác PBGDPL, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp cũng đượcTP quan tâm. Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao những thành tích của TPHCM nói chung và công tác tư pháp và THADS Thành phố nói riêng, những kết quả này đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thành phố và của Bộ, ngành Tư pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp và các Ban, Sở, ngành của Thành phố quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể sau: Ưu tiên, tập trung hơn nữa nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, xử lý văn bản bảo đảm bám sát các chủ trương định hướng của Đảng và các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên.
Tăng cường công tác phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan trong việc phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp quốc tế; phát huy hơn nữa vai trò của Sở Tư pháp trong công tác giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh ở địa phương; Chuẩn bị tốt nguồn lực và các điều kiện cần thiết để triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhất là các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cũng đề nghị Thành phố tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng các dịch vụ công; chỉ đạo các ban, sở, ngành tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Tư pháp trong việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin dữ liệu và xử lý vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực tư pháp.Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng;
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, THAHC trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các sở, ngành ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn để tổ chức tốt công tác này, hoàn thành các chỉ tiêu được giao, đặc biệt là các vụ án liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, tín dụng ngân hàng, cưỡng chế huy động lực lượng giao tài sản nhà, đất; tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho công tác thi hành án dân sự, ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng kho vật chứng cho các Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố.
Tạo điều kiện cho các đơn vị hành nghề luật sư, công chứng, tạo môi trường pháp lý lành mạnh trong việc sử dụng các dịch vụ pháp lý, làm sao để đội ngũ cán bộ làm tốt chức trách của mình.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh luôn luôn ghi nhớ, trân trọng và cảm ơn những cái sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp, chia sẻ của Bộ Tư pháp suốt thời gian qua. TP. Hồ Chí Minh từng được xem là vùng năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm của các thế hệ trước và cũng từ đây Trung ương đã rút ra nhiều bài học tổng kết để nhân rộng, thậm chí có những thứ thử nghiệm từ đây thành quy chế, thành pháp luật. Đây cũng là địa phương tiếp cận sớm với nền kinh tế thị trường, nơi mà ở đó, người dân cũng được tiếp nhận nhiều thông tin hơn cả.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thống nhất 07 nhóm nội dung chương trình hợp tác để hai bên tìm phương cách tốt nhất giải quyết những vấn đề có lợi cho dân, cho nước. trong đó có việc đồng ý thành lập Ban chỉ đạo thi hành án dân sự để thuận lợi trong việc chỉ đạo, lãnh đạo cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.
Cũng trong buổi làm việc hai bên đã ký kết chương trình phối hợp công tác về tăng cường hợp tác trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2025 - 2030 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh tin tưởng, chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp và UBND TPHCM không chỉ đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác mà còn mở ra những cơ hội bứt phá cho ngành Tư pháp TP giai đoạn 2025 – 2030. Chương trình tập trung vào các lĩnh vực then chốt như thực thi thể chế, bổ trợ tư pháp hành chính tư pháp, thi hành án dân sự, hành chính và đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây là nền tảng quan trọng giúp TP triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong đó có việc thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15.