Góc khuất cuộc đời cố Tổng thống đa tình Sukarno

Sukarno (trái) và Suharto (phải)
Sukarno (trái) và Suharto (phải)
(PLO) -Dewi Sukarno vốn là một nữ nhân viên 19 tuổi của khách sạn Imperial Hotel ở Tokyo, tên là Naoko Nemoto. Tháng 6/1959, khi ông Sukarno sang thăm Nhật đã gặp gỡ, làm quen và trúng “tiếng sét ái tình” với cô gái Nhật trẻ trung, xinh đẹp này.

3 tháng sau, vào ngày 15/9/1959, Naoko rời khỏi Nhật bước chân vào Phủ Tổng thống Indonesia. Sau đó, cô gia nhập quốc tịch Indonesia rồi đổi tên thành Latona Saly Dewi.

Người vợ Nhật nhiều tham vọng

Trong hồi ký của mình, bà Dewi kể lại những ngày đầu bước vào Phủ Tổng thống: “Bắt đầu từ đêm hôm đó (15/9), Sukarno sống chung với tôi. Trong Phủ Tổng thống có một căn phòng ở nơi tĩnh mịch, ít ai lui tới, không có đèn điện, chốn đó trở thành nơi hò hẹn của hai chúng tôi. Trong suốt một thời gian dài không ai biết đến căn phòng ấy…

Đêm đầu tiên ở bên nhau, ông hỏi tôi: “Tôi muốn em đem lại sự sung sướng và sức mạnh cho tôi!” Cũng ngay trong đêm đầu tiên ấy, ông cũng thú nhận là mình đang bao nuôi 1 phụ nữ Nhật khác ở Jakarta, nếu cô đồng ý ở lại Indonesia thì ông sẽ sắp xếp mọi chuyện ổn thỏa. Đến ngày 6/5/1962, hai người bí mật tổ chức kết hôn tại nhà thờ Hồi giáo bên trong Phủ Tổng thống. 

Dewi xuất thân bình dân, nhưng có vẻ đẹp tự nhiên, cặp mắt rất hút hồn người đối diện. Năm 18 tuổi cô đã là nhân viên quán bar của khách sạn, rất giỏi quan hệ xã giao, khiến nhiều người trong giới quyền quý si mê.

Sau khi cưới, Sukarno cho xây dựng một ngôi biệt thự sang trọng ở ngoại ô Jakarta để cô đến sống, lấy tên một người anh trai cô đã mất đặt tên cho ngôi nhà, thường xuyên tới đó cùng người đẹp hưởng lạc, xa lánh dần bà Hartini xinh đẹp.

Hai người đêm đến thường đi xe Jeep ra bãi biển để ngắm cảnh đêm, ăn đồ nướng, đạp xe đi dạo trong rừng cây ngoại ô hoặc nằm trên bãi cỏ…như những cặp tình nhân lãng mạn.

Trong thời gian này, ông si mê vợ đến mức dùng giấy bút chuyên dụng của Tổng thống để viết 2 đạo dụ. Một bản đề ngày 20/3/1961 viết: “Nếu tôi chết trước Naoko thì sau này khi nàng chết, hãy mai táng nàng bên cạnh mộ tôi”. Đạo dụ còn lại viết: “…Tôi có người vợ yêu quý nhất đời, nàng tên là Latona Saly Dewi. Sau khi Dewi chết, hãy mai táng nàng bên trong huyệt mộ của tôi. Tôi muốn mãi mãi được ở bên nàng”.

Dần dà, Dewi ngày càng gia tăng hoạt động tham gia chính sự cùng chồng, như cùng ông đến dự các bữa tiệc chiêu đãi ở sứ quán các nước và các hoạt động xã giao quan trọng, làm Hội trưởng Hội Hữu nghị Indonesia – Nhật Bản, từng bước bước vào chính trường với vai trò “Quốc mẫu tương lai”.

Thế nhưng, sau “Sự kiện 30/9/1965”, khi ông Sukarno lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, Dewi đã phản bội chồng, nhiều lần lui tới nhà Suharto và Nasution để cùng bàn mưu tính kế, cưỡng ép Sukarno bàn giao quyền lực cho Suharto. Dewi còn lớn tiếng công kích Đệ nhị phu nhân Hartini là “thân Cộng”, bóng gió bà Hartini là ngòi nổ dẫn đến cuộc đảo chính 30/9, là người tình của Tư lệnh không quân Dany…, đồng thời ra sức ly gián, chia rẽ quan hệ giữa ông Sukarno và Hartini. 

Năm 1967, khi ông Sukarno bị phế truất và giam lỏng tại biệt thự của Dewi thì bà ta lại lấy cớ sinh con để rời xa chồng giữa lúc ông bị bệnh nặng để đi “hưởng thụ cuộc sống cá nhân tự do tự tại đầy lạc thú” tại Tokyo và Paris suốt 3 năm.

Lúc này, ở bên cạnh Sukarno ốm yếu và bệnh tật chỉ có bà Hartini và mấy người con của bà Fatmawati. Trong khi đó, Sukarno vẫn đau đáu nhớ mong Dewi, luôn nhắc mọi người gọi bà ta về, ngay khi đã hôn mê vẫn nhiều lần gọi tên Dewi.

Bà Dewi Sukarno năm 2014
Bà Dewi Sukarno năm 2014

Những âm mưu đen tối của CIA

Là nguyên thủ quốc gia của Indonesia – quốc gia đông dân, có vị trí chiến lược quan trọng - cũng là một trong số những nhà lãnh đạo quan trọng của Phong trào Không liên kết, nhưng đời sống riêng lại rất phóng đãng, thậm chí dâm loạn. Vì vậy Sukarno đặc biệt được các cơ quan tình báo nước ngoài chú ý “khai thác” điểm yếu này.

Các cơ quan tình báo đều muốn lợi dụng đặc điểm “thích người đẹp” của ông để thực thi mỹ nhân kế. Để lật đổ chính quyền Sukarno, CIA thậm chí đã cho làm một bộ phim “cấp 3” để bôi nhọ danh dự ông; nhưng mọi kế hoạch của CIA đều thất bại. Việc Sukarno có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản cũng như việc ông có quan hệ tốt đẹp với các nước XHCN đã khiến Mỹ bắt đầu thực thi kế hoạch lật đổ ông.

Theo lời kể lại của 2 nhà báo Paul Lashmar và James Oliver trên tờ “The Independent” của Anh thì một bản bị vong lục đề năm 1962 của CIA cho thấy rõ, vào năm đó Thủ tướng Anh Harold Macmillan và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã đạt được thỏa thuận nhất trí về việc “đồng ý trừ bỏ Tổng thống Indonesia khi điều kiện và cơ hội cho phép”.

Trên thực tế, trước đó, CIA đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Sukarno. Tác gia nổi tiếng Evan Thomas trong tác phẩm “The Very Best Men: The Daring Early Years of the CIA” (Những người ưu tú: Những ngày thời kỳ đầu của CIA) đã nhắc đến chuyện ngay từ năm 1955, CIA đã chi hàng triệu USD với ý đồ thao túng cuộc tổng tuyển cử ở Indonesia.

Tuy nhiên, điều khiến CIA đau đầu là, Sukarno được sự ủng hộ mạnh mẽ của các đồng minh chính trị, đã giành được thắng lợi với số phiếu bầu rất cao. Trong 2 năm sau đó, Sukarno ngày càng tăng cường mối quan hệ với Moscow.

Cũng theo Evans Thomas, trong tình thế tuyệt vọng, CIA thậm chí đã soạn thảo một “Kế hoạch hành động quân sự toàn diện” để lật đổ Sukarno, nhưng kế hoạch này sau đó đã bị gác lại. Frank Wisner, người phụ trách hành động của CIA khi đó đã cảnh cáo: hành động quân sự rất có thể thất bại, hoặc gây tác dụng ngược lại.

Ông ta nói: “Chúng ta không thể đảm bảo có thể khống chế được tình hình…Hành động như thế rất có thể sẽ gây nên hậu quả không thể ngờ tới. Chính phủ Mỹ cần chuẩn bị tốt mọi mặt để ứng phó với sự chỉ trích hành động bí mật này đến từ bên ngoài”.

Sau khi hy vọng dùng vũ lực lật đổ Sukarno tan vỡ, CIA đành phải tìm kiếm phương pháp khác. Ít lâu sau họ nhận được thông tin Sukarno rơi vào bẫy quan hệ với một nữ tiếp viên hàng không là nhân viên KGB giả dạng. Thế là CIA quyết định lập ra kế hoạch khác: điều tra sâu rộng về đời sống riêng tư của Sukarno, đồng thời mở chiến dịch tuyên truyền về “lối sống dâm loạn” của ông để bôi lem,  xóa bỏ hình ảnh anh hùng của ông trong tâm trí người dân Indonesia.

Trong đó tập trung vào việc phát tán trong dân chúng những luận điệu như “Sukarno chìm đắm nữ sắc, bị nữ điệp viên KGB thao túng”. Tác giả William Blum trong cuốn “Killing Hope: U.S. Military and CIA Interventions Since World War II” (Loại bỏ hy vọng: Những hành động can thiệp của quân đội Mỹ và CIA sau Chiến tranh Thế  giới thứ 2) đã viết: “CIA sẽ tung ra một loạt báo cáo ngầm ám chỉ việc Sukarno đã bị người Liên Xô khống chế do bị nữ điệp viên KGB tác động và thao túng”.

William Blum khẳng định những cáo buộc của CIA không phải là vô cớ. Khi sang thăm Liên Xô, Sukarno đã đi du ngoạn cùng một nữ tiếp viên hàng không, cô này đã từng đi theo nhà lãnh đạo Kliment Voroshilov sang thăm Indonesia và nhiều lần người ta thấy cô này ở cùng Sukarno.

Về chuyện hôn nhân và tình ái của Sukarno, nhà văn Elizabeth Martyn đã viết trong tác phẩm “The Women's Movement in Postcolonial Indonesia” (Phong trào nữ quyền ở Indonesia  thời hậu thuộc địa): Sukarno công khai bày tỏ ủng hộ chế độ đa thê. Ông nói mình “có 4 người vợ chính thức” và còn cưới những người khác.

Phóng viên chiến trường nổi tiếng Peter Arnett trong cuốn hồi ký “Live From the Battlefield” (Trở về từ chiến trường) kể: Sukarno từng khoe khoang với một nhà ngoại giao Mỹ về khả năng tình dục phi thường của bản thân: “Tôi rất khỏe, ngày nào cũng cần phải hành phòng sự”. Không chỉ vậy, khi sang thăm Mỹ, ông ta còn yêu cầu chủ nhà phải chuẩn bị cả kỹ nữ cho ông ta khiến quan chức Mỹ sửng sốt.

CIA đã tiến hành dựng một cuốn phim giả về chuyện tình ái của Sukarno với nữ điệp viên KGB. William Blum kể lại: CIA định tìm một diễn viên thế thân để đóng giả Sukarno, nhưng họ không tìm ra người nào có mái đầu hói và màu da ngăm đen giống Sukarno nên cuối cùng họ đã tự mình giải quyết bằng cách làm giả một mặt nạ mang khuôn mặt Sukarno rồi tìm người có dáng dấp giống ông để đeo vào và diễn để quay phim. William Blum viết: trong phim không có cảnh đặc tả, nhưng dù sao nó cũng đã được hoàn thành; có điều chi tiết của phim vẫn đầy điều gây tranh cãi.

Trong cuốn “The CIA's Black Ops: Covert Action, Foreign Policy, and Democracy” (Hành động đen của CIA: kế hoạch bí mật, chính sách đối ngoại và nền dân chủ), tác giả John Jacob Nutter đã tiết lộ: bộ phim do một diễn viên đeo mặt nạ diễn, có tên là “Happy Days” (Những ngày hạnh phúc). Còn theo William Blum thì nói cụ thể người này là một cựu nhân viên FBI và là bạn thân của đạo diễn Howard Hughes.

Tuy nhiên, bộ phim này đã không được công chiếu hay phát hành. Nguyên nhân có lẽ do thời đó chưa có mạng internet và máy chiếu, công cụ phát phim chưa phải là thứ phổ cập nên CIA đã gặp khó khăn trong việc phát tán nó.

Đọc thêm

Đoàn kiều bào thăm, động viên quân, dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I

Đoàn công tác số 11 do Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, ra thăm Trường Sa.
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2024) và giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1975), 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn đại biểu kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I trong khuôn khổ Đoàn công tác số 11.

Tiết lộ khẩu pháo phòng không nguy hiểm nhất của Nga

Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga.
(PLVN) - Pháo phòng không bắn nhanh ZU-23-2 của Nga không chỉ là phương tiện phòng không chống lại trực thăng, máy bay không người lái cỡ lớn và máy bay chiến đấu bay thấp mà còn là vũ khí đất đối đất “sát thủ” cả trên bộ và trên biển.