Thách thức cho tân Giám đốc cơ quan Tình báo Indonesia

Tướng Budi Gunawan
Tướng Budi Gunawan
(PLO)  -Hạ viện Indonesia đã nhất trí thông qua đề cử của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) bổ nhiệm Tướng Budi Gunawan là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia (BIN).

Ông Budi Gunawan thay thế cho ông Sutiyoso - người bị cho là đã xử lý yếu kém những mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng cũng như các vụ tấn công khủng bố ở nước này, nhất là các vụ tấn công do lực lượng ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thừa nhận thực hiện ở Jakarta hồi đầu năm nay. 

Động lực tạo sức mạnh

Theo báo “Bưu điện Jakarta”, việc xem xét bổ nhiệm ông Budi Gunawan đã được Chính quyền Tổng thống Jokowi cân nhắc từ hồi tháng 6 năm nay khi ông Tito Karnavian được bổ nhiệm là người đứng đầu cơ quan cảnh sát quốc gia Indonesia. 

Ông Budi Gunawan, tốt nghiệp Học viện Cảnh sát năm 1987, được cho là có thể tạo ra động lực để khôi phục sức mạnh, hiệu quả của lực lượng tình báo Indonesia. Tuy nhiên, quyết định này của Tổng thống Jokowi cũng có thể gây ra những rủi ro về chính trị đối với BIN bởi vì tướng Budi được biết đến là người có quan hệ gần gũi với đảng Dân chủ Đấu tranh (PDI-P) – đảng cầm quyền của Tổng thống Jokowi. 

Có ba nguyên nhân có thể dẫn đến những rủi ro chính trị tại Indonesia. Thứ nhất, khi Tổng thống lợi dụng các cơ quan gián điệp để phục vụ cho quyền lợi chính trị của mình. Việc lợi dụng ở đây được hiểu, Tổng thống sẽ sử dụng lực lượng tình báo để giám sát các hoạt động của phe đối lập, tiến hành các hoạt động phục vụ cho việc hoạch định chính sách.

Thứ hai, khi các sỹ quan tình báo lợi dụng công việc của mình để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Hoạt động này cũng có thể dẫn đến sự biến dạng đối với các mục tiêu của hoạt động tình báo, bởi vì các mục tiêu hoạt động tình báo trước hết phải phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Cuối cùng, khi Quốc hội không thể giám sát được các hoạt động tình báo, lực lượng tình báo có thể tham gia các động cơ chính trị khác nhau. 

Thách thức cho người đứng đầu

Bất kỳ ai là người đứng đầu BIN cũng phải đối mặt với những thách thức để xây dựng cơ quan tình báo ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Mặc dù được công nhận là một cơ quan tình báo dân sự, song các nhân viên của BIN được tập hợp từ các nguồn khác nhau bao gồm cả trong quân đội cũng như cảnh sát, do đó vấn đề này cũng có thể gây ra việc cạnh tranh nội bộ hay xung đột. Nếu điều đó xảy ra sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động cũng như sự phát triển của cơ quan này.

Do đó, Tướng Budi cần phải hiểu rằng việc tăng cường củng cố nội bộ sẽ có nhiều khác biệt và phức tạp hơn nhiều so với việc củng cố nội bộ ở cơ quan cảnh sát quốc gia. Người đứng đầu BIN cần phải có các biện pháp để kịp thời ngăn chặn những bất đồng nảy sinh, tăng cường sự đoàn kết thể chế. 

Tướng Budi Gunawan nhậm chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia (BIN) trước Tổng thống Joko Widodo
 Tướng Budi Gunawan nhậm chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Indonesia (BIN) trước Tổng thống Joko Widodo 

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò điều phối cộng đồng tình báo của BIN đã được Luật Tình báo Quốc gia Indonesia năm 2011 quy định. Để tăng cường vai trò này, BIN cần có sự hợp tác, chia sẻ với các cơ quan tình báo khác thường xuyên và chặt chẽ hơn. BIN cần phải chia sẻ các báo cáo tình báo và các thông tin liên quan đến các vấn đề về an ninh và đối ngoại.

Các thông tin này rất hữu ích, đảm bảo độ tin cậy để giúp cho những người đứng đầu các cơ quan tình báo ra các quyết định, tập hợp làm báo cáo gửi lên Tổng thống, giúp cho chính phủ có một chiến lược tốt hơn để đối phó các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Là điều phối viên của cộng đồng tình báo Indonesia, BIN phải có trách nhiệm quản lý và tích hợp tất cả các cơ quan tình báo về các mặt công tác khác nhau. Về vấn đề này, ông Budi nên cải thiện tiêu chuẩn và các giao thức phổ biến để giải quyết các vấn đề một cách hài hòa, khắc phục được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tình báo để thực hiện công việc của mình. 

Các nguy cơ về an ninh ở Indonesia được đánh giá sẽ ngày càng tăng và phức tạp hơn, do đó đòi hỏi các cơ quan tình báo, đặc biệt là BIN, cần có tầm nhìn rộng hơn, có sự linh hoạt, phản ứng kịp thời trong mọi tình huống.

Thách thức này buộc BIN phải có được sự thích nghi và khả năng đáp ứng trước những thách thức về an ninh ngày càng tăng và khó dự đoán hơn. Trong bối cảnh này, ông Budi nên tăng cường năng lực của BIN để có thể lường trước những tác động của các mối đe dọa an ninh.

Việc tăng cường thêm năng lực và hiệu quả cho các sở tình báo cấp tỉnh là một trong những giải pháp cần được tính đến. Đồng thời, cũng cần phải nâng cao khả năng giám sát tình báo, khả năng dự báo, phân tích tình hình của BIN để giúp người đứng đầu đưa ra những quyết định chiến lược và khả năng để vượt qua những thách thức về an ninh.

Mặc dù khi thực hiện vai trò này, BIN cũng dễ bị cho là vi phạm nhân quyền, dân chủ. Tuy nhiên, việc tăng cường giám sát tình báo là không thể tránh khỏi, vấn đề là cần áp dụng công nghệ hiện đại trong giám sát tình báo. 

Để đảm bảo cho các hoạt động tình báo không vi phạm dân chủ, nhân quyền, cần có sự tham gia của các cơ quan khác như Ủy ban Quốc gia về Nhân quyền (Komnas HAM) và Ủy ban Chống tham nhũng (KPK), điều đó sẽ nâng cao khả năng giám sát pháp lý về lĩnh vực tình báo. 

Công chúng Indonesia hiện đang hy vọng người đứng đầu BIN có thể đem lại cho cơ quan này sự hiệu quả và trách nhiệm hơn. Thời gian sẽ là câu trả lời liệu tướng Budi có đáp ứng được sự kỳ vọng này hay vẫn chỉ là giải pháp tạm thời của Tổng thống Jokowi...

Tổng thống Indonesia Joko Widodo là nhà lãnh đạo đầu tiên của Indonesia hiện đại không xuất thân từ giới tinh hoa quân sự hoặc chính trị, ông Widodo không có được vị thế đa số trong Quốc hội để thúc đẩy các biện pháp cải cách, trong khi bị cựu Tổng thống Megawati Sukarnoputri kìm hãm.

Bà Sukarnoputri là Chủ tịch độc đoán của đảng Dân chủ-Đấu tranh Indonesia (PDI-P), đảng của ông Widodo. Sau vài cuộc tranh cãi với bà Megawati, Widodo quyết định đưa PDI-P vào tầm kiểm soát và giành được sự ủng hộ của các đảng khác.

Tháng 1/2016, Golkar, đảng lớn thứ hai của nước này chiếm gần 15% số ghế trong Quốc hội, nhất trí ủng hộ liên minh của ông Widodo. Với việc cải tổ nội các hồi tháng trước, ông đã đưa một số đảng xích lại gần mình hơn, thắt chặt sự ủng hộ từ khoảng 2/3 số nghị sỹ Quốc hội và đảm bảo rằng ông không còn dựa vào một đảng cho sự tồn tại chính trị của mình.

Cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Widodo đạt 68%, mức cao nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.