Những 'mảnh ghép' quanh Tổng thống Philippines Duterte

Tổng thống Philippines Duterte.
Tổng thống Philippines Duterte.
(PLO) -Người trừng phạt, người đàn ông đầy màu sắc là những từ được người ta dùng để miêu tả về Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte – người vừa trở thành tâm điểm chú ý với việc... chửi Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Rodrigo Duterte sinh ngày 28/3/1945 trong một gia đình gốc gác ở tỉnh Cebu, miền đông Philippines. Giữa những năm 1950, cha ông quyết định đưa cả gia đình tới thành phố Davao sinh sống. Một thời gian sau đó, cha ông trở thành thị trưởng Davao.

Thị trưởng “huyền thoại”

Cậu bé Duterte khi còn nhỏ được miêu tả là một người khá gầy gò nhưng tính tình ương bướng, thích giao du với các đối tượng đường phố. Chính vì vậy nên cậu thường xuyên bị mẹ đánh đòn và 2 lần bị các trường học ở địa phương đuổi, khiến cha phải chuyển cậu tới học ở các trường cách xa nhà vài chục km.

Chật vật mãi, Duterte cuối cùng cũng tốt nghiệp trung học và theo học ngành luật tại trường Đại học San Beda, tốt nghiệp năm 1972. Cùng năm, ông thi đỗ vào liên đoàn luật sư Davao rồi sau đó trở thành cố vấn luật cho chính quyền thành phố. Sau cuộc cách mạng năm 1986, ông gia nhập chính trường Philippines một cách đầy tình cờ và trở thành thị trưởng Davao vào năm 1988.

Ở cương vị thị trưởng, ông Duterte đặt mục tiêu quan trọng nhất là chống tội phạm. Mỗi tuần 2 lần, ông thường tự lái xe mô tô dẫn đầu những đoàn cảnh sát có vũ trang đi tuần tra quanh thành phố.

Ông chính là người đi tiên phong trong việc thực thi chính sách cho phép cảnh sát và các nhóm bán quân sự giết chết những nghi phạm buôn bán ma túy và tội phạm bạo lực, áp dụng nhiều lệnh cấm để duy trì trật tự ở địa phương như lệnh cấm uống rượu từ 1h00 đến 8h00 sáng, cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng…

Có người kể rằng ông đã đẩy một kẻ buôn bán ma túy khỏi một chiếc trực thăng đang bay hay buộc một du khách phải nuốt đầu lọc thuốc lá vì vi phạm lệnh cấm. 

Những biện pháp mạnh tay mà ông Duterte áp dụng đã khiến ông vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt. Nhưng, người ủng hộ ông cũng không ít vì thực tế ông được đánh giá là có công lớn trong việc đưa Davao từ thành phố “thủ phủ giết người” trở thành một trong những thành phố an toàn, đáng sống nhất ở Philippines.

Năm 2002, cựu Tổng thống Gloria Arroyo đã mời ông làm cố vấn cho các chiến dịch chống tội phạm của bà.

Năm 1998, vì luật Philippines quy định thị trưởng chỉ được làm 3 nhiệm kỳ 3 năm liên tiếp nên ông Duterte ra ứng cử đại biểu quốc hội và trúng cử. Vốn là một người ưa hoạt động nên ông từng thẳng thắn thừa nhận việc làm nghị sỹ chỉ là để giết thời gian.

“Tôi chỉ ở Quốc hội sau lễ chào cờ rồi chuồn. Tôi không được xem phim suốt 30 năm liền nhưng khi làm đại biểu tôi đã có thời gian đi xem những bộ phim như Nottingham Hill, Gladiator và có thời gian đi mua sắm nữa” – ông nói trong một cuộc phỏng vấn. 

Sau nhiệm kỳ tại Quốc hội, ông Duterte tiếp tục về tranh cử và đắc cử thị trưởng Davao. Tính đến khi trở thành tổng thống, ông đã là thị trưởng của thành phố này trong 7 nhiệm kỳ, với tổng thời gian là 22 năm, trở thành một trong những người làm thị trưởng trong quãng thời gian dài nhất của Philippines. 

Trước khi ra tranh cử tổng thống tại cuộc bầu cử năm nay, ông cũng từng 4 lần được các Tổng thống Fidel Ramos, Joseph Estrada, Arroyo và Benigno Aquino III đề nghị giữ chức Bộ trưởng Nội vụ nhưng ông đều từ chối với lý do “tự thấy mình không đủ tiêu chuẩn”.

Vị tổng thống đầy tranh cãi

Bất chấp là một nhân vật gây tranh cãi, tháng 5 vừa qua, ông Duterte giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử tổng thống của Philippines, trở thành tổng thống nhiều tuổi nhất trong lịch sử, người có bước nhảy vọt lớn nhất từ một quan chức địa phương trở thành lãnh đạo cao nhất, luật sư đầu tiên kể từ thời ông Ferdinand Marcos trở thành tổng thống Philippines.

Có thể nói, kể từ khi ông Duterte trở thành tổng thống của Philippines, nước này được thế giới biết đến nhiều hơn hẳn, trước hết là bởi cuộc chiến chống tội phạm ma túy do ông phát động với những chính sách gây tranh cãi như cho phép cảnh sát giết chết nghi phạm buôn bán ma túy và người nghiện.

Theo các thống kê, tính đến nay đã có khoảng 900 người có liên quan đến ma túy thiệt mạng trong các chiến dịch của cảnh sát và 1.500 trường hợp tử vong khác đang được điều tra. 

Bên cạnh đó, ông Duterte cũng liên tục khuấy động dư luận thế giới với các phát biểu khiếm nhã, tục tĩu của mình.

Một tháng trước khi thắng cử, ông khiến các nhóm nữ quyền sôi sục tức giận và thậm chí còn bị khiếu nại lên Ủy ban nhân quyền của LHQ vì những phát biểu về một phụ nữ người Australia đã bị sát hại sau khi bị hãm hiếp 27 năm trước.

“Tôi tức giận vì cô ấy bị hãm hiếp, đó là một chuyện. Nhưng cô ấy đẹp quá, thị trưởng lẽ ra phải là người đầu tiên làm việc đó. Thật phí phạm” – ông Duterte khi đó được dẫn lời nói. 

Trước hơn, tháng 11/2015, khi Giáo hoàng Francis đến thăm Philippines và gây ra vụ kẹt xe kinh hoàng ở thủ đô Manila, ông cũng đã sừng sộ chửi bới: “Đồ con của con điếm, cút về nước mày đi!”.

Trong thời gian qua, dù đã là tổng thống của một nước nhưng ông vẫn không bỏ phong cách nói chuyện bạt mạng, luôn đệm những từ tục vào câu chuyện của mình.

Ông đã công khai chửi Đại sứ Mỹ tại Manila, công kích đầy tục tĩu nhằm vào cá nhân Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và LHQ để phản đối những chỉ trích của LHQ về cuộc chiến chống tội phạm ma túy do ông khởi xướng và chỉ đạo.

Trong tuần qua, ông lại khiến truyền thông sôi sục khi lớn tiếng xúc phạm Tổng thống Mỹ Barack Obama là “con của một con điếm”, khiến ông Obama quyết định hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch của 2 người bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29 ở Lào.

Ông Duterte sau đó đã lên tiếng bày tỏ hối tiếc về phát biểu của mình và Tổng thống Mỹ cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với ông ở Lào nhưng sự việc này được cho là sẽ vẫn có ảnh hưởng nhất định đến quan hệ giữa Mỹ và Philippines – 2 nước vốn là đồng minh thân thiết.

Về đời tư, trong khi nhiều người khác cố tỏ ra mình là người chuẩn mực thì Tổng thống của Philippines lại chẳng ngần ngại thừa nhận mình đã bỏ vợ và đang có đến 2 nhân tình. Ông cũng chẳng giấu giếm việc mình phải dùng đến viagra để cải thiện khả năng sinh lý khi đã ở tuổi 71.

Chân dung một ông Duterte “khác”

Tuy là một nhân vật gây quá nhiều tranh cãi nhưng ở ông Duterte cũng có rất nhiều điểm khiến người ta phải nể trọng. Ông chính là quan chức cấp địa phương đầu tiên của Philippines đến thăm thành phố Tacloban sau khi thành phố này bị siêu bão Hải Yến quét qua, gây thiệt hại khủng khiếp về người và của hồi năm 2013, trước cả Tổng thống Philippines lúc bấy giờ là ông Aquino. 

Cùng với 7 triệu peso để ủng hộ cho các nạn nhân của bão, ông đã đích thân chỉ huy một nhóm cứu trợ nhân đạo bao gồm các bác sỹ, y tá và các nhân viên tìm kiếm cứu nạn được ông đưa từ Davao tới Tacloban để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả ở đây.

Các phóng viên cho biết, tại Tacloban, vị thị trưởng nổi tiếng cứng rắn này thậm chí đã không cầm được nước mắt, bật khóc nhiều lần khi chứng kiến những hậu quả nặng nề của bão.

Bên cạnh đó, ông Duterte cũng được miêu tả là một người sống tình cảm. Nhận định này được đưa ra dựa trên một câu chuyện cho biết ông luôn giữ bên mình tấm chăn gai đã rất cũ được mẹ mua cho từ khi mới 1 tuổi.

Qua năm tháng, tấm chăn đã rất cũ và rách nát nhưng ông vẫn cố khâu lại những chỗ rách để tiếp tục dùng. Có chuyện kể rằng, vào giữa những năm 1990, khi chuẩn bị đồ cho một chuyến công tác tới Indonesia, một quan chức thành phố Davao đã nhìn thấy trong những vật dụng của ông Duterte có một “cái giẻ” và đã yêu cầu nhân viên vứt đi.

Tuy nhiên, ông Duterte đã kiên quyết giữ tấm chăn lại và tuyên bố sẽ không đi công tác nếu vị quan chức kia vẫn cố đòi vứt chăn vì sẽ không thể ngủ được nếu thiếu chiếc chăn đó.

Ngoài ra, ông Duterte cũng là một người rất khiêm nhường. Năm 2014, trên cương vị Thị trưởng Davao, ông được Tổ chức các thị trưởng đề cử nhận giải Thị trưởng Thế giới được trao mỗi 2 năm cho những lãnh đạo thành phố có thành tích xuất sắc trong việc phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Duterte đã lịch sử từ chối và nói rằng “Tôi thực hiện công việc không phải vì hào quang của cá nhân mà vì đó là điều mà người dân mong muốn tôi làm”. Trước đó, ông cũng nhiều lần từ chối các giải thưởng do các tổ chức khác nhau trao tặng.

Khi đã là tổng thống Philippines, ông Duterte cũng rất giản dị. Khi từ Manila tới Davao hồi tháng 7 vừa qua, ông cũng chỉ mua vé hạng phổ thông, thực hiện việc kiểm tra an ninh như tất cả những người khác và yêu cầu không lập vùng cấm bay trong thời gian chuyến bay cất cánh hay hạ cánh vì lo ngại việc đó có thể khiến các chuyến bay khác bị chậm trễ.../. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.