Theo người dân, tình trạng mất an toàn của những miệng cống hay sự bất hợp lý trong thiết kế thoát nước đã được người dân gửi đơn kiến nghị trong nhiều năm, tuy nhiên vẫn không được cải thiện. Hoặc chỉ được vá víu một cách sơ sài, cho đến khi tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Sáng 18/10/2016, sau gần 48 giờ tìm kiếm, một người đi chăn bò đã phát hiện thi thể cháu bé tại bãi đất trống cạnh suối Nhum (gần khu ký túc xá của trường Đại học Quốc gia TP.HCM), cách hiện trường vụ việc khoảng hơn 3km. Trưa cùng ngày, thi thể bé trai đã được cơ quan chức năng bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng.
Gặp nạn khi giúp đẩy xe chết máy
Một nhân chứng thuật lại, khoảng hơn 16h ngày 16/10, cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống như trút nước. Khi nhân chứng đang ngồi tránh mưa trong quán cà phê (đoạn giao nhau giữa đường số 4 và đường số 6) thì thấy bốn em nhỏ (gồm Hiếu, anh trai và hai bạn nhỏ - PV) vui vẻ đùa nghịch, tắm mưa ở khu vực gần đường số 4 (đối diện trường THSC Võ Trường Toản, nơi các em đang theo học).
Nhân chứng trên cho hay: “Tôi nghĩ các em chỉ ham vui một lúc rồi về nhà, hơn nữa đường thoáng đãng rộng rãi, nghĩ sẽ không có vấn đề gì nên tôi không để ý thêm”.
Tuy nhiên, cơn mưa quá lớn khiến chưa đầy 30 phút sau, nước ở đoạn đường số 4 đã dâng lên rất cao. Dòng chảy ở những miệng cống thoát nước chảy xiết tạo thành dòng xoáy. Lúc này hai anh em Hiếu vẫn cùng các bạn say sưa đùa nghịch, thậm chí lao xuống lòng đường nước đang tiếp tục dâng cao.
Anh Nguyễn Anh Dũng (31 tuổi, nhân viên văn phòng trên đường số 4) chỉ tay về hướng cháu bé gặp nạn, nhớ lại: “Chiều đó tôi từ trong phòng nhìn ra thấy nước đã lên cao quá nhanh. Nhiều xe máy bị ngập nước chết máy phải dắt bộ rất khó khăn.Nghe tiếng cười đùa của trẻ con, tôi chạy ra thì thấy khoảng bốn em nhỏ đang chơi trò đuổi bắt, tạt nước. Thấy các em chơi gần hố cống nguy hiểm, sợ không may bị vấp ngã nên tôi hốt hoảng hét lên yêu cầu các em phải về nhà”.
Miệng cống nơi cháu bé bị nước cuốn đã được hàn lại vỉ sắt chắn rác |
Sau khi chờ các bé lên khỏi dòng nước và đi khuất về phía đường số 6, anh Dũng mới yên tâm trở vào phòng với công việc. Nhưng chỉ một lát sau, anh lại hốt hoảng chạy ra vì nghe thấy tiếng người dân hét “mau cứu, lũ nhỏ bị cuốn trôi”.
“Tôi hớt hải chạy ra thì thấy mấy đứa nhỏ túm tụm vào nhau lăn lộn trong dòng nước chảy xiết, không ngừng la hét vì sợ hãi. Không còn kịp suy nghĩ, nhanh như cắt tôi lao ra nắm được ba đứa nhỏ, khi đó một bé gái đã bị hút vào miệng cống. Phải khó khăn lắm tôi mới kéo được bé lên.
Nhưng sau đó có một cháu hoảng sợ kêu lên: “Còn em cháu nữa. Em cháu đâu rồi”. Tôi và một số người dân khác vội vã lần mò hết xung quanh nhưng hoàn toàn bất lực, đành phải đưa các cháu trở vào rồi nhanh chóng báo chính quyền địa phương nhờ trợ giúp tìm kiếm”, anh Dũng kể.
Còn Nguyễn Hữu Thái Thái (người phát hiện các cháu bé gặp nguy hiểm và là đồng nghiệp của anh Dũng) còn hãi hùng kể lại: “Lúc đó tôi đang dùng điện thoại quay lại cảnh dòng nước chảy xiết thì nhìn thấy một người phụ nữ đang lội bì bõm dắt xe vì bị chết máy, nước ngập đến ngang bụng. Cạnh đó có một vài chiếc ô tô bị cuốn trôi.
Ngay khi đó tôi thấy các cháu lội ra đẩy giúp xe cho người phụ nữ. Khi chiếc xe đã được đẩy đi một đoạn ngắn thì có chiếc ô tô từ phía sau chạy lên, nước dập quá mạnh nên tất cả các cháu bị ngã xuống rồi đột ngột bị cuốn trôi. Tôi hoảng loạn tri hô mọi người cùng lao ra ứng cứu”.
Tai nạn đã được dự báo trước
Từ khi tai nạn xảy ra, hàng trăm người dân đã cùng phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiếm cháu bé bị nước cuốn trôi. Gần 48 giờ sau khi bị hút xuống cống, sáng 18/10, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy ở khu đất trống cạnh suối Nhum (gần khu ký túc xá của trường Đại học Quốc gia TP.HCM), cách hiện trường vụ việc khoảng hơn 3km.
Suốt thời gian tìm kiếm, mẹ cháu bé đều túc trực ở hiện trường đốt nhang đèn cầu nguyện cho con trai được tai qua nạn khỏi. Còn bố cháu bé phải nén nỗi đau, tất tả theo đoàn hỗ trợ tìm kiếm con.
Một người hàng xóm kể: “Biết rằng cơ hội gặp dữ hóa lành gần như không có, nhưng trong trường hợp đó, người làm cha mẹ nào cũng chỉ biết cầu mong hi vọng con được sống. Suốt hai ngày liền, mẹ cháu bé không ăn, không ngủ, chỉ ngồi ở miệng cống khóc. Nên đến khi biết tin đã tìm được thi thể con, cổ đau đớn đến ngất xỉu...”.
Người này cũng cho hay, cha mẹ cháu bé sớm chia tay. Hai anh em Hiếu ở với cha, nhưng cuối tuần nào cũng chở nhau đến thăm mẹ. Chiều hôm đó là chủ nhật, anh em Hiếu mới chào mẹ trở về thì gặp nạn.
Anh Dũng, người đã cứu được 3 cháu bé thoát nạn |
Cách hiện trường sự việc không xa, nhiều người dân có mặt trong ngày đưa tiễn nạn nhân nhỏ tuổi. Trong buổi chiều tổ chức tang lễ cho cháu bé, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Đại Nam (chủ đầu tư nhiều hạng mục trong khu trung tâm hành chính Dĩ An gồm: khu hành chính, khu dân cư, hệ thống giao thông, công viên cây xanh… rộng hơn 66ha) đã đến chia buồn cùng gia đình nạn nhân và nhận trách nhiệm bồi thường 100 triệu đồng, nhằm phần nào bù đắp những mất mát của gia đình.
Một số người bày tỏ bất bình với việc đơn vị chịu trách nhiệm thi công, bảo trì hệ thống cống vội vàng dùng những thanh sắt “vá víu” lại nắp cống sau khi tai nạn xảy ra. Một người phụ nữ sống gần nơi nơi cháu bé gặp nạn cho hay:
“Đoạn đường số 4 tuy ở trung tâm hành chính, chỉ cách trường tiểu học vài chục mét nhưng còn được gọi là hố trũng, nước từ những con đường khác đều đổ về, hố cống không thông được kịp thời nên từ nhiều năm nay mọi nhà ở đây đều phải chịu cảnh ngập úng. Mùa mưa rác thải lại từ đâu trôi về khiến nơi đây như một bãi rác thải. Cũng vì tấm chắn đã lâu bị rỉ, lại thêm rác quá tải nên bị bong ra. Người dân kiến nghị nhiều rồi mà vẫn vậy”.
Bà nói thêm: “Tui mua nhà ở đây từ năm 2009, đã hai lần nâng cấp nhà nhưng mùa mưa nào nước cũng vào ngập lênh láng. Năm nào tui và những hộ dân khác cũng viết đơn kiến nghị cải tạo hệ thống cống, nâng cấp đường nhưng đều không nhận được trả lời thỏa đáng. Trước đây cả con đường chỉ có vài cái cống thoát nước, hai năm trước vì người dân phản ánh quá gay gắt nên chủ đầu tư dự án mới làm thêm hai cống nhưng vẫn không cải thiện được là bao.
Vì đường sát trường tiểu học, phụ huynh ngày nào cũng phải tập trung ở đây đưa đón con. Nhiều hôm mưa ngập, tui chứng kiến phụ huynh và trẻ đều phải lội bì bõm, kẹt xe, tắc nghẽn cả một đoạn đường dài... Tui và nhiều người viết đơn cảnh báo về nguy hiểm và khẩn thiết yêu cầu nâng cấp lại hệ thống thoát nước, nâng cấp đường nhưng vẫn không ai đả động. Cho đến nay “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã muộn mất rồi...”.
Được biết, theo quy định, các tuyến đường trong khu hành chính Dĩ An đều phải lắp miệng cống bằng tấm bê tông, bên hông hố ga là nơi thoát nước xuống cống thì phải lắp vỉ sắt. Những vỉ sắt này vừa có vai trò chắn rác, vừa đảm bảo người dân, trẻ nhỏ không bị rớt xuống cống. Thế nhưng, vị trí hố ga nơi cháu bé bị nước cuốn không có vỉ sắt nên mới dẫn đến tai nạn cháu bé bị nước cuốn xuống cống dẫn đến tử vong.
Cũng tại Bình Dương, chiều 6/9/2014, cháu La Văn Tỷ (9 tuổi, quê An Giang) cùng 2 trẻ khác tắm mưa tại đường 22/12, khu phố Hòa Lần 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An. Cơn mưa hôm đó cũng rất to, đường bị ngập sâu, nước chảy xuống cống cuồn cuộn, một số nắp cống bị đẩy khỏi miệng.
Trong lúc đùa giỡn với bạn, Tỷ bị rơi vào miệng cống thoát nước rộng khoảng 2 m2 trên vỉa hè. Sau hơn 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể cháu Tỷ cách hiện trường 700m.