Đôi khi, chỉ cần thiếu chút bản lĩnh, hoặc lơi lỏng sự quan tâm, ràng buộc với gia đình mà con người ta đã bán linh hồn cho ác quỷ…
Anh phụ em rồi, em còn biết tin ai?
“Mưa khuya lạnh buốt khung trời/ Anh phụ em rồi, em còn biết tin ai?” - Câu ca đó có trong bài vọng cổ “Lá trầu xanh” mà chị Huỳnh Thị Phước Chơn (SN 1978, quê Bình Phước) được mẹ hát cho nghe từ nhỏ, vào thời thiếu nữ chị từng hát cho người yêu nghe, rồi đến khi làm mẹ chị lại hát ru các con mình. Vậy mà đến tận bây giờ, thiếu phụ vẫn không ngờ câu ca buồn đó lại vận vào cuộc đời chị, vào tổ ấm bé nhỏ của chị.
Chị Chơn và chồng là người cùng xã, cưới nhau có hôn thú đàng hoàng, có 3 đứa con, hai gái một trai, đứa nào cũng mập mạp dễ thương. Trước kia, khi còn ở Bình Phước, vợ chồng chị quanh năm cạo mủ cao su thuê, đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ nuôi con.
Với mong muốn đổi đời, vợ chồng con cái mới dắt díu nhau lên TP Hồ Chí Minh làm mướn sinh nhai. Tại “miền đất hứa”, người chồng đi làm công nhân trong một xưởng hàn, chị vừa buôn thúng bán bưng, vừa chăm lo lũ trẻ. Bọn trẻ một chiều đi học, một chiều phụ mẹ bán kẹo mút, vé số. Được cái lũ trẻ đều chịu khó và khỏe mạnh và biết nghe lời.
Để kiếm thêm chút tiền trang trải gia đình, chồng chị nói phải “tăng ca” liên tục, ở riết trong xưởng, không về nhà. Chị cũng tin vậy, ai dè không phải vậy. Thì ra chồng chị có bồ, đã dọn đến ở hẳn cùng “vợ bé” luôn. Những đêm dài vò võ, chị hát ru con mà tưởng như cõi lòng tan thành nước mắt: “Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh say vợ bé, bỏ bè con thơ.”
Từ khi có bồ, chồng chị không mặn mà với gia đình, cũng chẳng chu cấp nuôi con. Thành ra, giữa đất khách quê người, mình chị một nách nuôi 3 con nhỏ. Tính tới tính lui, chị Chơn quyết định chọn giải pháp “sống chung với lũ”, đành chịu khổ nhục, để các con còn có cha. Chị đã nói hết nước hết cái, van xin chồng quay lại với gia đình, nhưng anh như ăn phải bùa mê thuốc lú, không chịu tỉnh.
Cực chẳng đã, chị tính kế sẽ đến gặp cô gái kia, van xin cô ta thương tình cảnh của mẹ con chị mà dứt tình. Chị cứ nghĩ rằng tấm lòng nhân nghĩa, tử tế của mình sẽ khiến cặp tình nhân mèo mả gà đồng kia tỉnh ngộ. Nhưng khi chị Chơn chưa kịp đến thì kẻ cướp chồng đã lù lù trước căn phòng trọ của mẹ con chị.
Khi đó là một buổi chiều muộn, sau một ngày lao động cực nhọc, bốn mẹ con chị đang quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Cô ta cùng hai gã “đầu trâu mặt ngựa” xông vào đập phá mâm cơm, sách vở của con chị - thứ tài sản quý giá nhất trong căn nhà trọ tồi tàn cũng bị cũng xé nát, bật quẹt đốt sạch.
Đám trẻ mặt cắt không còn giọt máu, khóc như ri vỡ tổ, díu vào chân mẹ. Chị dường như đã hiểu ra cơ sự, dù không có lỗi nhưng cũng phải van lơn đám người kia tha cho mẹ con mình. Người đàn bà kia “ra lệnh” cho chị phải “phắn” về quê, nếu còn tơ vương dính líu đến “chồng” của cô ta thì sẽ không còn thời giờ mà ân hận, hai đứa con gái của chị cũng sẽ bị hãm hại.
Ngay đêm hôm đó, vì sự an toàn của đàn con, chị nhờ người chở ra bến xe miền Tây để về quê, cũng là nuốt nước mắt đoạn tuyệt với người chồng bội bạc, ăn ở hai lòng.
Ân tình thức tỉnh lương tâm
Về quê, chị âm thầm một mình làm lụng nuôi con, chăm sóc mẹ chồng đau yếu, không dám hé răng với ai sự thật bị chồng phản bội. Cho đến ngày nhận thông tin anh ta đã giết chết cô bồ trong cơn cuồng ghen, mọi người mới vỡ lẽ.
Nhiều người hận thay cho chị, bảo rằng âu cũng là cái giá phải trả cho cặp đôi mèo mả gà đồng. Nhưng lòng chị không hả hê hay oán hận, mà thực ra chị đã tha thứ cho chồng. Chị vẫn giáo dục các con tôn trọng và biết tha thứ cho cha, vì người lớn cũng có khi mắc phải sai lầm. Đàn con của chị nghe lời mẹ, dù chúng đã đủ lớn để nhận thức rằng không hẳn những điều mẹ nói ra đều đã đúng.
Ngay với kẻ “tình địch” đã phá nát tổ ấm gia đình chị, đập tan mâm cơm của các con chị chiều nào, chị cũng không còn căm hận. Chị bảo suy cho cùng, cô ta cũng chỉ là một nạn nhân. Người đàn bà đáng thương ấy, giá như hồi đó chịu gặp chị, nghe theo lời khuyên của chị thì biết đâu cô ta đã không chết thảm?.
Phiên sơ thẩm, chị chứng kiến giây phút anh ta bị tuyên án tử mà con tim đớn đau như chết nửa con người. Đến phiên phúc thẩm, khán phòng chỉ duy nhất mình chị có mặt, với mong manh hy vọng có phép màu giúp anh ta còn được một con đường sống. Chị đã cố gắng chạy vạy để có chút tiền bồi thường thay cho chồng, rồi làm đơn trình bày sự việc nạn nhân từng ghen ngược, bạo hành mẹ con chị, mục đích xin giảm tội cho chồng.
Chị làm tất cả những việc đó là vì một điều còn thiêng liêng hơn chút tình nghĩa vợ chồng đã tiêu tan: đó là lòng nhân ái đánh thức chút lương tri của kẻ sát nhân và vì những đứa con chung của hai người. Nhưng rốt cục, anh ta vẫn bị tuyên y án tử hình. Ngay sau phiên phúc thẩm, chị lại tất tả xin tư vấn những vấn đề liên quan đến việc xin tha tội chết và thủ tục đi thăm nuôi tử tù…
Luật sư Vũ Thu Hường (Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc, Hà Nội) tư vấn pháp luật về tình huống này như sau:
Tử tù được quyền viết đơn ân xá trong thời hạn 7 ngày
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn 7 ngày, tử tù được quyền viết đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch nước. Trong thời hạn 2 tháng, hồ sơ vụ án được Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao kiểm tra lại vụ án một lần nữa để ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm bản án.
Trường hợp tử tù có đơn xin ân giảm án tử hình gửi Chủ tịch nước thì Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao sau khi đã kiểm tra lại toàn bộ vụ án, sẽ có tờ trình Chủ tịch nước, trong đó nêu ý kiến của mình về đơn xin tha tội chết của người bị kết án.
Nếu có quyết định không kháng nghị và quyết định bác đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước (đối với trường hợp tử tù có đơn xin ân giảm) thì bản án tử hình sẽ được thi hành.
Tại Thông tư số 39/2012/TT-BCA của Bộ Công an có quy định chế độ thăm gặp tử tù như sau: Những người được thăm tử tù gồm: ông, bà (nội, ngoại), bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp pháp, bố mẹ vợ (hoặc chồng), anh chị em ruột, vợ (hoặc chồng), con dâu, con rể, con đẻ, con nuôi hợp pháp.
Khi thân nhân đến thăm gặp tử tù phải có sổ thăm gặp do trại tạm giam cấp hoặc đơn đề nghị được thăm gặp có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc, giấy chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.
Tử tù chỉ được gặp không quá 5 người thân trong mỗi lần gặp, mỗi tháng không được gặp thân nhân quá một lần, và thời gian gặp không quá một giờ/lần. Người nhà được gửi quà không quá 2 lần/tháng. Tử tù được gửi đồ vật, tư trang không sử dụng về cho thân nhân, gia đình; được nhận quà, tiền lưu ký và những đồ dùng sinh hoạt mỗi tháng không quá 2 lần.