Như Báo PLVN đã thông tin về nhiều bất cập trên tuyến tránh TP Vinh đoạn qua huyện Hưng Nguyên khi lưu lượng xe qua lại rất lớn, không có dải phân cách cứng và xe đi với vận tốc cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các điểm đấu nối dày đặc với đường dân sinh và các nhà máy, công ty, doanh nghiệp. Đặc biệt là những điểm đấu nối này đã hết hạn đấu nối tạm, một số thì đấu nối trái phép, một số “bất chấp bị phạt” để hoạt động.
Theo Công văn số 1740 ngày 2/12/2019 của Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh về việc thống kê, báo cáo tình trạng đấu nối đường ngang san lấp mặt bằng trên tuyến tránh TP Vinh, các điểm đấu nối ngang thời điểm đó là 49 điểm.
Trong đó, có 25 điểm đường ngang đấu nối trái phép; 7 điểm cấp phép tạm thời đến nay đã hết hạn; 14 điểm đấu nối trên tuyến do Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh cấp phép trước thời điểm Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 là 14 điểm; chỉ có 2 điểm được đấu nối chính thức.
Về những vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Hoài – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II – Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, thực trạng các điểm đấu nối trên tuyến tránh TP Vinh đã hết hạn đấu nối tạm, nhưng vẫn đang được tồn tại là có thật.
Ông Hoài cho hay, theo quy định thì trừ trường hợp nhà dân có trước đường quốc lộ, còn những nhà có sau này thì không được đấu nối vào nhà dân mà phải làm đường gom và đấu nối ra một điểm trên quốc lộ.
“Việc đấu nối theo quy định rất chặt chẽ, việc các đơn vị được đấu nối tạm để phục vụ việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để hoàn thành dự án trong một thời gian nhất định tối đa 12 tháng, nếu được gia hạn thêm một lần là 24 tháng”, ông Hoài cho biết.
Để được đấu nối tạm thì đơn vị, doanh nghiệp có ý kiến đề nghị tỉnh, sau đó tỉnh có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải, sau khi xem xét Bộ sẽ có ý kiến và giao cho Cục Quản lý đường bộ II làm các thủ tục đấu nối.
Khi hết thời hạn đấu nối tạm thì UBND tỉnh phải chủ động xóa các điểm đấu nối tạm này, nếu có đủ tiêu chí thì phải làm thủ tục cấp phép đấu nối chính thức, nếu không phải xây dựng đường gom để phục vụ và đấu nối với một điểm trên quốc lộ.
Ông Hoài cho biết thêm, đối với những điểm đấu nối tạm hết hạn trên tuyến tránh TP Vinh vào năm 2019, Cục đã có văn bản đề nghị tỉnh Nghệ An về việc này, tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Cục để kiểm tra và tham mưu cho tỉnh. Việc kiểm tra đã tiến hành xong, tuy nhiên vẫn chưa có ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An đối với những trường hợp này.
Một điểm khó trong việc xử lý đối với những đơn vị đấu nối hết hạn, đã có nghị định rồi nhưng không có hướng dẫn nào tạm ứng để có kinh phí tiến hành cưỡng chế. Tạm ứng xong rồi thì hoàn ứng như thế nào, các đơn vị đấu nối còn trái phép thì việc bỏ tiền ra để cưỡng chế là điều rất khó.
Từ đầu năm 2020, Cục Quản lý đường bộ II đã tiến hành lập biên bản xử phạt theo điểm B khoản 9 Điều 12 Nghị định 100 với 12 trường hợp vi phạm quy định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với số tiền hơn 198 triệu đồng trên địa bàn Nghệ An. Tuy nhiên, xử phạt xong rồi nhưng họ vẫn chấp nhận phạt và tiến hành hoạt động như trước vì họ đã tiến hành xây dựng xong. Hiện Cục đang tiến hành xây dựng kế hoạch cưỡng chế đối với các trường hợp hết hạn đấu nối trên tuyến quốc lộ.
Người dân, doanh nghiệp hy vọng với những bất cập nhìn thấy được trong việc đấu nối trên tuyến tránh TP Vinh sẽ được lãnh đạo địa phương có phương án để sớm khắc phục. Đảm bảo cho sự lưu thông an toàn của người và phương tiện trên đoạn đường trên, tránh những sự cố đáng tiếc khi những điểm đấu nối trái phép trên tuyến đường này vẫn tồn tại.