Mới đây, vụ việc đau lòng tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khiến chị N.Q.H. (27 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) ra đi mãi mãi vì cú tông xe “định mệnh” của nhóm “quái xế”, đã để lại nỗi đau xé lòng cho gia đình và cộng đồng. Công an quận Hoàn Kiếm đã nhanh chóng khởi tố vụ án và tạm giữ 10 nghi phạm để điều tra.
Điều đáng chú ý các đối tượng đều là các thanh thiếu niên.
Dù các thanh thiếu niên này sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, nhưng sự mất mát của người đã khuất là vĩnh viễn không thể bù đắp. Mạng sống của một người đã bị cướp đi bởi sự bồng bột, ngông cuồng của các bạn trẻ chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng từ hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Vụ việc không chỉ dừng lại ở câu chuyện là một vụ tai nạn giao thông thương tâm mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm giáo dục từ gia đình và xã hội. Theo Trung tá Bùi Chí Hùng - Đội trưởng đội CSGT-TT (Công an quận Cầu Giấy), đây là một lời nhắc nhở nghiêm túc đối với mỗi gia đình.
“Hiện nay, vấn nạn đua xe trái phép vẫn tiếp diễn dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn. Nhiều thanh thiếu niên tham gia đua xe không vì mục đích nào khác ngoài việc chạy theo cảm giác mạnh, bất chấp luật lệ, hậu quả không lường mà hành vi này có thể gây ra cho chính bản thân và những người xung quanh. Vì vậy, việc giáo dục con em tuân thủ luật lệ giao thông từ gia đình là yếu tố then chốt để ngăn ngừa các hành vi vi phạm.” – Trung tá Hùng nói.
Trung tá Bùi Chí Hùng - Đội trưởng đội CSGT-TT (Công an quận Cầu Giấy) đang phát biểu trong một buổi họp. |
Cũng theo Trung tá Hùng, hiện nay trên địa bàn quận Cầu Giấy, có 76 trường học, bao gồm 23 trường tiểu học, 15 trường THCS, 16 trường THPT, và 22 trường trung cấp, cao đẳng, đại học, với tổng cộng 97.007 học sinh, sinh viên cùng 7.823 cán bộ, giảng viên, giáo viên.
Với quy mô học sinh sinh viên đông như vậy, việc duy trì an ninh trật tự giao thông không chỉ là nhiệm vụ hàng ngày mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển đô thị.
Để bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, Phòng CSGT đã phối hợp với các cơ sở giáo dục và phụ huynh, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.”
Trong một tháng triển khai chiến dịch, Phòng CSGT đã xử lý 335 trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh, sinh viên và tạm giữ nhiều phương tiện vi phạm như xe máy và mô tô. Tổng số tiền phạt lên đến 132,8 triệu đồng, với các lỗi chính như không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, vượt đèn đỏ và giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ về tình trạng vi phạm giao thông ở lứa tuổi học sinh, nhưng đủ cho thấy mức độ đáng báo động.
Công an quận Cầu Giấy ra quân xử lý vi phạm giao thông đối với các em học sinh, sinh viên. |
Không chỉ tập trung xử lý vi phạm, các đơn vị CSGT còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học để nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức an toàn giao thông cho thanh thiếu niên. Trong tháng 10, các đội CSGT đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp, phát hành hàng nghìn tờ rơi nhằm phổ biến luật lệ giao thông, với các nội dung như đội mũ bảo hiểm, tuân thủ tín hiệu giao thông và không điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi. Mục tiêu là hình thành ý thức chấp hành từ sớm cho các em học sinh, tạo nền tảng cho thế hệ tương lai văn minh và an toàn khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng vi phạm giao thông từ gốc rễ, theo ông Hùng cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh cần xây dựng một môi trường gia đình gần gũi, sẵn sàng chia sẻ và định hướng đúng đắn cho con em, đồng thời giáo dục các em về pháp luật và hậu quả của việc đua xe trái phép.
Bên cạnh đó, nhà trường nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa lành mạnh, kết hợp với gia đình trong việc giáo dục về an toàn giao thông. Xã hội cũng cần tích cực lên án hành vi đua xe trái phép, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho thanh thiếu niên.
Công an quận Cầu Giấu đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học để nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức an toàn giao thông cho thanh thiếu niên. |
Theo Trung tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 3, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiệu quả, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, trong đó lực lượng CSGT đóng vai trò nòng cốt. Phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm, nêu gương chấp hành luật giao thông và không để con em vi phạm, đồng thời tuân thủ các quy định như đội mũ bảo hiểm khi chở con, không dừng đỗ xe dưới lòng đường hay trên vỉa hè.
“Pháp luật cũng quy định rõ: khi học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, phụ huynh hoặc người giao xe sẽ phải chịu trách nhiệm và có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy phụ huynh học sinh cũng cần hết sức lưu ý về vấn đề này” – Trung tá khuyến nghị.
Cũng theo Trung tá Giang, trong tháng cao điểm, Đội 3 đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền trực tiếp tại các trường học, với sự tham gia của hơn 10.000 học sinh và giáo viên, cùng phát hành hàng nghìn tờ rơi về an toàn giao thông. Trong thời gian này, đơn vị đã xử lý 163 trường hợp vi phạm, phạt tiền tổng cộng 42,9 triệu đồng và tạm giữ nhiều phương tiện. Các vi phạm phổ biến như chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, không chấp hành tín hiệu giao thông và không đội mũ bảo hiểm đều được tập trung xử lý, nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao ý thức cho các em học sinh.
Đội CSGT Đường bộ số 3 ra quân xử phạt một học sinh vượt đèn đỏ trên tuyến đường Trường Chinh |
Đội CSGT Đường bộ số 3 đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học để nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức an toàn giao thông cho thanh thiếu niên |
“Bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là một chiến lược lâu dài, góp phần xây dựng thế hệ công dân có văn hóa giao thông, hướng đến một Thủ đô văn minh, hiện đại và an toàn” - Trung tá Giang nhấn mạnh.