Mồ hôi nước mắt người phụ nữ thân cô thế cô
Từ năm 2000, bà Trương Thị Bích Loan (SN 1970, ngụ TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) đầu tư tiền bạc bám núi đá, trồng cây gây rừng ở khu vực Hòn Tràu, Gò Hàu thuộc thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập, TP Cam Ranh, ấp ủ giấc mơ du lịch xanh – du lịch thiên nhiên.
Yêu biển Khánh Hòa, nên dù chồng con đã sang nước ngoài định cư, bà vẫn quyết định không đi cùng mà bám trụ lại với biển. Sau khi đăng ký kinh doanh, không có một cục tiền đầu tư lớn, bà đầu tư kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Người phụ nữ chắt chiu từng đồng, xây từng bức tường, đóng từng cánh cửa, dần thành hình khu du lịch sinh thái với những nhà cửa, cầu gỗ, dự định sớm đưa vào kinh doanh du lịch.
Để đến cơ sở du lịch của bà Loan, không có đường bộ. Hoặc phải nhảy qua các tảng đá ven biển, luồn lách dưới các khe đá rất nguy hiểm gần 2km, chỉ cần sẩy chân là ngã chấn thương. Thuận lợi nhất chỉ có đường biển. Để thuận lợi đón đưa khách du lịch và đi ra vào đất liền, bà Loan phải tự sắm chiếc ghe nhỏ. Mất 10 phút lênh đênh trên vịnh mới đến nơi.
Vài năm trước, nhiều người nghĩ bà Loan “có vấn đề” khi dám khởi nghiệp, tạo dựng cơ ngơi nơi đây. Bà Loan nón vành, áo che nắng, chân mang ủng, tối ngày trên bãi bồi hết nuôi hàu lại dọn cây cối, thuê người đổ đất chỗ này xây dựng chỗ kia: “Để thành hình cơ sở du lịch, tôi đổ vào hết biết bao tiền bạc công sức. Tôi mướn người trồng cây, tưới nước liên tục từng ngày. Và phải mất hai ngày mới tưới hết một vòng”.
Chỉ vào những nền đất, bà Loan kể: “Để có được đất như ngày hôm nay, tôi phải kêu người đến phá đá lấy mặt bằng. Mỗi lần kêu 10 người, làm hàng tháng trời. Đục đá, lấy đá xây dựng, rồi moi móc đất trong các khe đá đổ lên cho thành mặt bằng. Vật tư xây dựng chở từ đất liền vào”.
Mấy cây cầu lại càng tốn công sức. Dù nước biển chỉ sâu hơn 2m nhưng phía dưới là đá tảng, không thể chôn trụ cố định. Bà Loan phải mướn thợ dò dẫm đóng cọc, gia cố khắp nơi, mới thành hình hài những cây cầu.
Thế nhưng cơ sở du lịch ấy nay chi chít những dấu vết vụ đập phá tan hoang. “Ngày tôi bắt đầu làm, có ai nói gì đâu. Vậy mà giờ cơ ngơi có tí xíu là họ kiếm chuyện giành giật, phá hoại”, bà Loan cho hay.
Vô cớ đòi tranh giành
Khi hình hài một cơ sở du lịch hiện hữu, có thể thu lợi, ông Trần Văn Hiến (SN 1968, ngụ Cam Ranh) bất ngờ từ đâu xuất hiện, cho người đến giành giật đất, phá huỷ nhiều tài sản của cơ sở du lịch bà Loan.
Theo hồ sơ, bà Loan nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn Chiến (SN 1963, ngụ thôn Nước Ngọt) phần đất có diện tích 3ha. Phần đất này có chiều ngang giáp biển 150m, được ông Chiến xin chính quyền khai phá từ năm 1999. Cùng năm 2000, bà Loan nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1968, ngụ thôn Nước Ngọt) diện tích 2,5ha.
“Sau khi mua, tôi thuê người trồng cây ở cả hai phần đất nói trên. Trong thời gian trồng cây, tôi có cho người khai phá thêm. Do đất toàn đá, việc canh tác rất khó khăn, nên khi mua bán và khai phá thêm, tôi được người làm chỉ mốc giới chứ chưa đo vẽ trên thực tế.
Người phụ nữ thân cô thế cô đã mất hàng chục năm xây công trình du lịch tại Nha Trang. |
Hồi đó đất ở đây cho cũng hiếm ai lấy chứ ai thèm mua. Người ta tưởng tôi bị điên mới mua đất ngoài biển, không có đường đi, toàn giáp núi đá dựng đứng. Thế nhưng ngày đó tôi mua vì đã nhìn thấy được tiềm năng phát triển du lịch”, bà Loan nói.
Do thời gian đó bà không thường xuyên có mặt tại khu đất, nên năm 2007 khi chính quyền xã tiến hành đo đạc, cắm mốc, vẽ sơ đồ địa chính, bà Loan không thực hiện được. Nhưng bà Loan cho rằng: “Tôi có đủ nhân chứng, chứng cứ về việc mua đất khai hoang, trồng cây trên núi. Tôi sử dụng đất từ năm 2000 đến nay, không hề biết ông Hiến là ai, chỉ nghe ông Hiến là Việt kiều Mỹ, có một ngôi nhà to phía bên kia núi đá. Nếu đây là đất của ông Hiến, tại sao tôi sử dụng gần 20 năm, ông Hiến không một lần ý kiến, ngăn cản”.
Về phía ông Hiến, cho rằng phần lớn diện tích đất bà Loan đang sử dụng được ông mua từ ông Ba Dừa từ năm 2001 với sự chứng kiến của ông Hải và ông Lâm Điền Phúc là địa chính xã Cam Lập thời điểm đó.
Bà Loan tố cáo: “Một ngày đầu tháng 1/2019, ông Hiến hẹn gặp tôi để “thương lượng về đất”. Ổng cho rằng đất tôi đang sử dụng là đất ổng mua từ năm 2001. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì bao nhiêu năm qua không biết ông Hiến là ai, chỉ biết ông Hiến có một căn nhà lớn ở bên kia ngọn núi.
Nếu là đất của ông ấy, tôi hàng chục năm trồng cây, xây dựng, sao ông ấy không ý kiến mà phải chờ đến lúc này. Tôi đề nghị ông Hiến mang hồ sơ đất đai, người làm chứng ra UBND xã để nhờ chính quyền phân xử, nhưng ông Hiến không chịu”.
Phá sạch, đốt sạch
“Ông Hiến cùng một số đối tượng xăm trổ và có tiếng côn đồ ở địa phương nhiều lần kéo đến đất nhà tôi. Ngày 15/1, ông Hiến cho người đến nhổ dừa. Ngày 22/1 họ đi cano chở khoảng 20 thanh niên, trong đó có một người tên Sói. Ông Hiến đánh dấu trên các vách đá, cho rằng đó là phần đất của ông ấy.
Ngày 25/1, ông Hiến tiếp tục cho người phá một nhà kho, một cầu gỗ, nền xi măng và các vật tư xây dựng. Phá xong, ông Hiến quăng hết xuống biển. Ngoài ra họ còn nhổ, chặt 30 cây dừa xiêm ba năm tuổi, cây cối”, bà Loan tố cáo. Phá xong, ông Hiến cho người dựng trụ rào, dây kẽm gai, chiếm đất dọc bờ biển dài gần 150m. Ngoài, ông Hiến bị cho là còn có những lời lẽ đe dọa những người làm của bà Loan.
Ít ngày sau đó, ông Hiến cho người đến chặt phá những cây trồng hàng chục năm tuổi trên núi của bà Loan. Chặt xong, ông Hiến cho người đốt sạch.
Sợ hãi, ngày 29/1, bà Loan gửi đơn đến công an xã Cam Lập đề nghị xử lý vụ việc huỷ hoại tài sản. Bà Loan được mời lấy lời khai. Thế nhưng ông Hiến vẫn tiếp tục đưa người đến huỷ hoại tài sản bà Loan. Ngày 5/3, ngày 11/3, ngày 14/3, ông Hiến liên tiếp cho hàng chục người đến “quậy”.
“Ngày 14/3, tôi không ở nhà, người làm báo lại ông Hiến cho cano đưa nhiều người cầm cưa máy, rựa và dụng cụ khác đến phá toàn bộ phần trại và cầu gỗ bao lưới nuôi sò. Người làm của tôi quay phim được. Tôi gọi điện cho ông Phạm Như Thúc Bảo, Trưởng Công an xã Cam Lập cầu cứu. Ông Bảo nói sẽ tổ chức đoàn sang hiện trường làm việc. Nhưng từ 10h sáng đến 16h chiều, không thấy ai đến”, bà Loan tố cáo. Lời tố cáo này phù hợp với clip mà bà cung cấp, theo đó có nhóm khoảng năm người dùng cưa máy cưa cầu.
“Đất ở trên núi rất khô cằn, để cây dừa sống được, biết bao mồ hôi đổ xuống. Vậy mà ông Hiến cho người nhổ, chặt bỏ hết. Tôi cho rằng ông Hiến đang cố phi tang bằng chứng chứng minh đây là đất của tôi mua và sử dụng từ năm 2000 đến nay”, người phụ nữ cô đơn rớt nước mắt.
Từ UBND xã Cam Lập đến bến thuyền khoảng 1km và 10 phút đi thuyền đến nơi xảy ra sự việc. Nhưng không hiểu tại sao, cơ sở du lịch nhiều lần bị phá hoại, nạn nhân liên tục trình báo nhưng chính quyền không có mặt lập biên bản, xử lý theo quy định pháp luật. Vì sao lại có nghịch lý trên? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong số báo tới.