Cu Đen kể muốn người khác tin mình hoàn lương thì chính bản thân phải chứng mình bằng hành động. Và suốt 5 năm qua, anh khiến mọi người tin tưởng đã hoàn lương thành công.
Ông Long nay làm nghề bán hoa tươi ở góc đường đối diện chợ Rạch Ông, quận 8, TP HCM |
Sai lầm thưở thanh xuân
Đen là tên gọi ở nhà của ông Mai Thanh Long (SN 1975, ngụ phường 2, quận 8, TP HCM). Lớn lên, lăn lộn giang hồ, người ta lại gọi chết danh là “Cu Đen”. Cái danh Cu Đen – Chợ Rạch Ông từng một thời được cho là “xưng hùng xưng bá”.
Khuôn mặt đen nhẻm đầy sẹo, Cu Đen mang đặc trưng tính hào sảng của người Nam Bộ. Mới gặp khách lần đầu, ông nói chuyện “thẳng như ruột ngựa”, từ chuyện ở tù, lỗi lầm cướp giật đến buôn bán ma tuý, chém người trong quá khứ, ông không giấu giếm ngần ngại, kể như gặp người quen lâu ngày.
Cu Đen dân gốc Bến Tre nhưng sinh ra ở Sài Gòn. Hồi ấy, nhà ông ở quận 4, sau chuyển về quận 8 định cư cho đến nay. “Cái đất quận 4, quận 8 khi xưa, một mét vuông có mấy giang hồ. Mình sống không có lập trường là lây nhiễm ngay. Tui con út trong nhà, học hết lớp 5 thì bỏ ngang sa vào đường “giang hồ tứ chiếng”.
Mười sáu tuổi, Cu Đen tập tành lập băng nhóm bảo kê ở khắp hang cùng ngõ hẻm chợ Rạch Ông. Cũng năm đó, Cu Đen phải đi trường giáo dưỡng vì đánh lộn.
“Từ cái lần đó, tui liên tiếp đi tù. Kể người ta không tin chứ từ năm 1992 đến nay, tui chỉ ăn cơm ở ngoài được vài năm. Cứ ra tù, nhanh thì hai tháng, lâu thì sáu tháng, tui lại quay trở vô. Tính bữa cơm gia đình với bà già ở nhà thì chắc chỉ đếm đủ ngón tay”, ông kể.
Vì sao lại vướng lao lý nhiều đến vậy? Ông chiêm nghiệm do cái tính bồng bột, xốc nổi của tuổi trẻ; cái bướng bỉnh, bất cần của một người từng đi tù, chưa thể suy tính tận cùng; và vì sau mỗi lần ra tù, đám đàn em lại cung phụng tiền bạc, lại rủ rê vào con đường cũ.
Tính đến năm 2014, gần 40 năm cuộc đời, Cu Đen ngồi trong song sắt gần 20 năm. “Những lần đi tù trước, trong trại toàn mấy đứa bằng tuổi hoặc ít tuổi hơn, chúng chưa trải sự đời bằng tui nên tui coi thường những lời họ nói. Lần đi tù cuối cùng, những bạn tù lớn tuổi có những lời khuyên thiết thực. Tui muốn làm lại cuộc đời. Bởi vậy dù có nhiều tiền án, tiền sự nhưng tui vẫn được giảm án nhờ cải tạo tốt”, Cu Đen kể.
Nhiều đêm nằm trong bốn bức tường với cái lạnh lẽo của nhà giam, Cu Đen nghĩ đến mẹ. Người mẹ suốt mấy chục năm qua chưa vui được ngày nào vì đứa con út ngỗ nghịch, lì lợm. Người mẹ dù ở tuổi 80 vẫn hàng tháng lò dò bắt xe đò với mớ đồ ăn trong chiếc giỏ sờn cũ đi khắp nơi thăm Cu Đen.
“Tui thụ án nhiều nơi lắm, có lúc ở Bình Thuận, có lúc Bình Phước, Đồng Nai… Anh chị bỏ mặc vì tui không lo làm ăn, cứ lo đi “cướp, đánh, chém”. Người mẹ thương đứa con dại khờ, tháng nào bà cũng đi thăm”, Cu Đen bùi ngùi kể lại.
Vì những năm tháng đi tù liên tiếp của chồng, mà người vợ không chịu được phải bỏ đi. Đứa con gái của Cu Đen được bà nội bế ẵm chăm sóc từ khi mới 3 tháng tuổi. Đứa trẻ thiệt thòi vì ít thấy mặt cha, ít được gặp mẹ. Nói đến đây, Cu Đen ứa nước mắt: “Tui đã làm khổ nhiều người”.
Cu Đen quyết định hoàn lương, muốn làm người lương thiện.
“Làm thiệt hả anh”?
Quyết tâm hoàn lương, thấy chị gái có cửa hàng bán hoa tươi, Cu Đen mượn tiền chị, mua hoa tươi bán ở lề đường chợ Rạch Ông. “Tui hỏi mượn mấy triệu, chị ấy nói: “Mượn để bán ma tuý nữa hả”. Tui biết tui nói ra khó tin lắm. Vì một kẻ như tui mà thay đổi thì có nước trời sập. Ai tin tui có thể hoàn lương. Nhưng tui không giận, bởi đời tui như thế này, tui còn không tin mình làm được thì nói gì người khác. Tui nhận ra, muốn người khác tin mình hoàn lương thì chính bản thân phải thực hiện bằng hành động. Tui theo đứa em rể đi phụ hồ kiếm mỗi ngày 160 ngàn đồng. Một năm lao động miệt mài, tui lấy lại được niềm tin của mọi người. Tiền gom góp, tui làm vốn mua hoa tươi về bán ở ngay góc chợ”, Cu Đen kể.
Thấy Cu Đen bán hoa, mấy đàn em giang hồ ngơ ngác hỏi “làm thiệt hả anh”. Cu Đen bảo “không thật thì bày biện ra làm gì?”. Bán hoa lề đường được ít lâu, người chị thấy em thay đổi, chịu khó làm ăn nên nhường lại cửa hàng hoa đối diện chợ cho Cu Đen.
Cu Đen rước thêm cô vợ mới về ở chung cho vui vầy. Buôn bán ở cửa hàng ít lâu, hết hạn thuê nhà, tiền mặt bằng tăng vọt, ông không kham nổi nên vợ chồng cùng nhau đưa hoa ra xe đẩy bán ở góc ngã tư đối diện chợ.
Ngày thường, 3h sáng, ông đến chợ đầu mối lấy hoa, cùng vợ, bó, cắt tỉa và 6h sáng mang ra chợ. Vợ chồng thay phiên nhau bán, đến 18h tối thì đẩy xe về. Ngày lễ, rằm, ông dậy sớm hơn, về trễ hơn nhưng bù lại tiền lời nhiều hơn. Mỗi ngày vợ chồng kiếm được dăm ba trăm ngàn tiền lãi.
“Hồi tui còn thường đi tù, cả xóm không ai ưa, người ghét, người sợ. Họ không muốn chơi với “cái thằng tù” làm gì cho nhọc. Gặp tui, cùng lắm, họ chào một câu rồi né xa. Gần tui họ sợ nhiều thứ lắm. Bây giờ khác rồi, ai cũng thương tui hết. Đám tiệc nào họ cũng mời. Mấy ông trong xóm tối nào cũng rủ “sương sương” vài chai rồi ngủ”, ông cười.
Từ ngày hoàn lương, ông bảo “khoẻ re”, tiền kiếm ra được có khi đi du lịch đó đây. Buổi tối ngủ “thẳng cẳng” không sợ gì cả. Ban ngày thoải mái, không còn lo nơm nớp khi thấy bóng dáng công an, dân phòng. Ông kể “hồi xưa còn vào tù ra tội, thấy công an là sợ, phải né dù không biết họ đi đâu làm gì. Tâm lý chung của những người phạm tội và sắp phạm tội thường như thế”.
“Tui hoàn lương thế này, người mừng nhất là mẹ tui. Bà không nói ra nhưng tui biết bà bớt nỗi lo. Còn tui thấy mình cần kiềm chế, cần kiểm soát bản thân hơn nữa. Hoàn lương không dễ nhưng không khó. Ăn thua là mình quyết tâm và thực hiện bằng hành động. Trên cuộc đời thiếu gì việc làm lương thiện. Chỉ là ngày trước mình thích ăn không ngồi rồi, thích có tiền nhưng lại lười biếng”, ông đúc kết.