Một điều rất đáng khen trong chuyến thị sát lần này là có vẻ như nó không được chuẩn bị trước. Và Bộ trưởng, cũng như Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh đã rất xông xáo tìm ra sự thật khi nghe người dân phản ánh những tồn tại trong bệnh viện.
Nhưng vấn đề chính không phải sự xông xáo trước mặt các phóng viên, mà là làm sao giảm quá tải bệnh viện.
Bài toán quá tải khó giải
Những gì Bộ Y tế đã và đang làm thể hiện nỗ lực giải quyết giảm tải của mình. Từ tăng giá viện phí, đến thông tuyến BHYT, rồi giao quyền tự chủ cho bệnh viện, và bây giờ là chuyển bệnh viện thành doanh nghiệp.
Nhưng có vẻ như còn lâu lắm những cố gắng đó mới mang lại được hiệu quả giảm tải thật sự.
Con đường đi rất đúng, rất phù hợp với sự chuyển đổi từ một nền y tế bao cấp sang một ngành dịch vụ. Vậy mà vẫn còn tới 4 người bệnh nằm trên một cái giường.
Thực ra, đi đúng hay không là do kết quả xác định. Mọi thứ đúng mà kết quả không tốt thì chắc chắn là có gì đó không đúng.
Bài toán giảm tải không thể giải quyết ngày một ngày hai được. Nhưng đã hơn 1 năm kể từ khi các bệnh viện ký cam kết không để bệnh nhân nằm đôi. Việc tăng giá viện phí cũng đã đi được một chặng đường khá dài. Vậy mà vẫn tồn tại cảnh 4 bệnh nhân nằm chung một giường.
Thực ra mà nói, số lượng giường bệnh của chúng ta không đến nỗi quá ít so với những nước có cùng mức thu nhập. Nhưng sự quá tải của chúng ta lại rất ấn tượng, giống như ở những nước nghèo hơn chúng ta rất nhiều.
Trên thực tế, chúng ta có khá nhiều bệnh viện, trạm y tế còn trống, không có hoặc chỉ lèo tèo vài ba bệnh nhân.
Chúng ta đã lãng phí một nguồn lực lớn về y tế khi để những bệnh viện, những trạm y tế đó vắng vẻ, trong khi bệnh nhân tập trung vào các bệnh viện tuyến trên.
Sai lầm phân tuyến trong quá khứ sẽ còn đeo đuổi chúng ta một thời gian nữa, khi mà những biện pháp Bộ Y tế đưa ra chưa phát huy hiệu quả.
Lãnh đạo bệnh viện quản lý kém
Một trong các nguyên nhân được nhiều người nói đến là trình độ quản lý. Trong khi nước Úc, với dân số chỉ bằng 1/4 nước ta, nhưng đã có hàng chục trường đại học đào tạo chuyên ngành quản lý bệnh viện, từ cấp độ cơ bản đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…
Chúng ta chỉ có một số tiết học dành cho cán bộ học tại chức trong chương trình quản lý ngành. Đấy là chưa kể giáo trình có độ vênh không nhỏ.
Việc để bệnh nhân nội trú và ngoại trú lẫn lộn với nhau mà Bộ trưởng đã nhắc nhở cho thấy khả năng quản lý rất kém.
Ý tưởng tuyển giám đốc bệnh viện không phải là nhà chuyên môn giỏi với mục tiêu phát huy khả năng gia tăng trình độ quản lý bệnh viện, chỉ có thể mang lại hiệu quả thiết thực khi vị giám đốc đó được đào tạo quản lý bệnh viện một cách chuyên nghiệp.
Một nguyên nhân nữa là chúng ta chưa có hệ thống bác sĩ gia đình. Mọi thứ, nhức đầu, cảm mạo, ghẻ lác… đều đến bệnh viện, thậm chí là bệnh viện tuyến trung ương.
Không có con số thống kê, nhưng một vài bác sĩ nói với tôi, khoảng 2/3 số bệnh nhân khám tại các bệnh viện tuyến trung ương chỉ cần khám và điều trị tại bác sĩ gia đình là được.
Nhưng liệu đó đã phải là tất cả nguyên nhân chưa? Tôi cho rằng còn một nguyên nhân nữa, rất quan trọng. Đó là việc ngay cả khi bệnh viện được chuyển thành doanh nghiệp, thì nó vẫn là một doanh nghiệp nhà nước. Và Bộ Y tế, nơi lẽ ra phải là cơ quan quản lý nhà nước thì lại dần trở thành một công ty mẹ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, do khả năng quản lý yếu kém, do tham nhũng, do thiếu minh bạch...
Úc cho phép bác sĩ ký hợp đồng với nhiều cơ sở
Khi bệnh viện trở thành doanh nghiệp nhà nước thì cũng vậy thôi. Hãy đừng duy ý chí.
Lại phải nhắc đến nước Úc. Những khu vực nào, những lĩnh vực nào trong y tế có thể mang lại lợi nhuận, nhà nước Úc khuyến khích tư nhân đầu tư. Nhà nước chỉ lo cho những khu vực và những lĩnh vực không sinh lời.
Để giải quyết bài toán nhân sự, chính phủ Úc cho phép các bác sĩ được ký hợp đồng với nhiều cơ sở, không phân biệt công tư, và hoàn toàn không có chế độ biên chế, công chức hay viên chức trong các bệnh viện nhà nước.
Để giải quyết bài toán quá tải, cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó, có những biện pháp mà Bộ Y tế không chủ động được.
BS Võ Xuân Sơn