Giấc mơ về một cây cầu trên “đảo lạc”

Không có cầu mọi sinh hoạt của người dân 4 thôn Cồn Bãi như bị “cột chân”, để bắt kịp với đời sống của xã hội và đi lên trong các hoạt động kinh tế - xã hội thì người dân nơi đây luôn mơ ước có được một cây cầu
Không có cầu mọi sinh hoạt của người dân 4 thôn Cồn Bãi như bị “cột chân”, để bắt kịp với đời sống của xã hội và đi lên trong các hoạt động kinh tế - xã hội thì người dân nơi đây luôn mơ ước có được một cây cầu
(PLO) - Cho đến bây giờ thì 4 xóm cồn bãi thuộc xã Quảng Minh (TX.Ba Đồn – Quảng Bình) vẫn còn nằm “lọt thỏm” giữa ngã ba sông Son và sông Gianh. Mới ghé thăm “đảo lạc” thì không thể nào hiểu hết được nỗi niềm riêng ở xứ đảo này. 

Chỉ có thể ở lâu, ăn cùng, ngủ cùng để tâm sự với những người dân chất phác mới phần nào thấu hiểu cái khổ “không giống ai” của họ. Họ chua xót ví von rằng, cuộc sống trên mạn ngược mà cứ tựa như ở mãi tận ngoài đảo xa xôi. Bởi muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, với những khu đô thị nhộn nhịp sầm uất thì họ buộc phải qua phà, đi thuyền để băng qua con nước dập dềnh, chất chứa muôn vàn hiểm nguy.

Một cồn 4 xóm cô đơn…

Cồn Đảo hay Cồn Bải (tên thường hay gọi của người dân nơi đây), có cả thảy 4 xóm đó là: Cồn Nậm, Tân Định, Minh Hà, Đông Thành. Với gần 600 nhân khẩu, cuộc sống chủ yếu của người dân nơi đây là nghề sông nước, một số làm thuê chốn đất khách, số khác theo tàu lớn để men dòng ra Cửa Gianh rồi qua biển lớn đánh bắt hải sản.

Những năm trước, người dân ở đây thường đến với các địa phương bên ngoài bằng những con đò nhỏ rất thô sơ. Cứ như thế, cuộc sống trên cạn mà như ngoài đảo của người dân xứ “đảo lạc” đã chẳng còn lạ lẫm với sông nước. Thậm chí, có nhiều khi tiết trời chuyển gió khiến đò chìm, họ lại tự cứu mình bằng cách bơi ngược triền sông.

So với những người dân miền ngược, cuộc sống của họ cơ cực hơn bội phần. Bởi năm này qua năm khác, đời này qua đời khác họ vẫn cặm cụi đợi đò trên bến cũ, sống tách biệt với cộng đồng. Nhiều người trông cảnh ấy rồi héo hon, than thở rằng, chẳng có gì khởi sắc ngoài con đò thô sơ đã gắn thêm máy nổ.

Bà Nguyễn Thị Xuân, 62 tuổi, ở xóm Cồn Nâm nói như khóc: “Khổ lắm chú à. Thấy nơi đây nhà cửa ai nấy cũng khang trang rứa đó, nhưng toàn nợ nần chồng chất cả thôi. Chứ giờ sống giữa con nước quanh năm mưa lũ thế kia nếu nhà cửa không kiên cố thì răng sống cho nổi hả trời! Bởi rứa, mới nói là dân vùng ni có một cái khổ không ai hiểu hết được đâu. Cười mà ra nước mắt là rứa đó chú…”

Ông Nguyễn Cương Quyết, trưởng thôn Đông Thành nhìn nhận: “Đó là một thảm kịch chung của cả bốn thôn nơi đây, mọi tiếp xúc với bên ngoài đều bị hạn chế. Nói như mấy chú cũng đúng. Đây là xứ đảo lạc trên miền ngược. Năm nay mới có nước sạch, chứ mấy năm trước còn khốn khó nhiều lắm.

Ngay cả việc xây một cái nhà thôi mà cũng khổ trăm đường. Khổ nhất là công tác vận chuyển vật liệu. Bên kia người ta xây nhà chỉ trăm triệu chứ bên ni phải lên thêm vài chục triệu tiền vận chuyển nữa, đúng không cầu, không đường thiệt trăm đường khổ”.

Trăn trở nơi “đảo lạc”

Những năm trời hành mưa lũ, chốn “đảo lạc” này như chìm trong biển nước. Từ xóm trên đến xóm dưới tất thảy đều ngước cổ lên kêu trời. Mọi sinh hoạt của họ bị nước lũ làm ngưng trệ, mọi lời kêu than trong cơn nước lớn đều chìm như cát chìm đắm vào biển khơi. Và chỉ chờ khi nước rút thì mọi chuyện mới có thể được giải quyết.

Nhớ lại cảnh tượng ấy, bà Nguyễn Thị Xuân hãi hùng kể: “Có đận, nước lũ dâng tràn trong xóm Cồn Nâm có đôi vợ chồng trẻ, người vợ đang lúc sắp sinh, nước kéo đến cũng là lúc con chào đời. Cứ thế, hai vợ chồng họ quay quắt trong nước lũ chẳng biết kêu ai hết. Đợi khi nước rút thì mới kêu làng xóm đến giúp cắt rốn cho con. Đận ấy, cả xóm Cồn Nâm đều khiếp hồn, khiếp vía”.

Theo tìm hiểu, hầu hết con em ở nơi đây đều chỉ học xong lớp 9 là nghỉ học, bởi giao thông đi lại hết sức khó khăn. Một học sinh kể: những hôm vào mùa mưa lũ phải đợi nguôi lũ thì mới dám qua sông để theo học. Có những hôm nước khá lớn, con đò thô sơ đưa đón đến trường tròng trành trong con nước rất nguy hiểm, không biết sẽ chìm lúc nào.

Nhắc chuyện này, ông Nguyễn Giang Nam, trưởng thôn Tân Định tâm sự: “Nói thì hơi xui, nhưng ai biết được chữ ngờ chứ. Con em ở nơi đây chỉ biết sống chung với lũ thôi, lấy năng lực bơi lội ra để tự bảo vệ mình thôi chứ còn cách nào khác bây giờ chứ. Nan giải lớn nhất của người dân nơi đây là con đường đến với thế giới văn minh, nó gần có một quãng mà như xa xăm lắm vậy. Đúng là thua thiệt trăm đường”.

Chị Nguyễn Thị Liễu ở kế bên góp lời: “từ chợ búa, đến mua thuốc thang hay khám bệnh, xăng xe, rồi con cái đi học, mua lân, đạm để bón cho đồng ruộng… đều phải qua phà, đều phải tốn tiền đò hết cả. Nếu đổ bệnh, đau nặng muốn được chữa trị phải đợi đò thôi chứ biết sao bây giờ chứ. Bởi vậy, có nhiều trường hợp lo thuốc thang, đi lại không nổi phải chịu thua bệnh tật là vậy”.

Chưa hết, theo tìm hiểu riêng của người viết, xuất phát từ việc không có cầu và gần như bị cô lập bởi mênh mông nước nên số con em trong vùng có theo học Đại học chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Kinh tế người dân cũng hết sức nghèo nàn bởi đất đai trên địa bàn đều bị nhiễm mặn, không thể canh tác lúa để cung ứng lương thực.

Chung một nỗi trăn trở, sẻ chia với người dân, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết: “Không có cầu để qua sông, không chỉ người dân trong 4 thôn cồn bãi khó khăn, mà cả xã Quảng Minh cũng rất khó để hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế mới được.

Đời sống của các thôn cồn bãi rất nghèo khó, con em thì thất học, trình độ dân trí của người dân còn thấp. Hiện tại chúng tôi cũng kêu gọi các ban ngành xem xét giải quyết nhằm mau chóng có cầu cho bà con đi lại, cũng như nắm bắt nhanh các hoạt động sản xuất làm ăn kinh tế cải thiện đời sống…”

Mơ một cây cầu qua “xóm cô đơn”

“Toàn thể người dân nơi đây đều chung một ước nguyện là có cầu để qua sông, để đến với văn minh đô thị chỉ vậy thôi. Vì không cầu, thì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nếu xét cho đúng thì hàng ngày chúng tôi phải đem tính mạng của mình, con em mình ra cầu cạnh ông lái và con đò thô sơ của ông. Nhưng vẫn chỉ là con người như nhau cả thôi, làm sao ông lái hoàn hảo và luôn là người tin tưởng suốt được chứ!”, ông Quyết trình bày nguyện vọng.

Quả thực, chỉ cần như vậy thôi, dù to hay nhỏ đi chăng nữa nhưng tất cả người dân ở xứ “đảo lạc” này đều trông đợi vào ơn Đảng, sẽ có được một cây cầu. Khi nghe người lạ ghé thăm là ai ai cũng tò mò muốn biết rằng bao giờ thì xứ mình mới có cầu. Các em học sinh khoe khoang với bạn bè chúng rằng: Sang năm tới sẽ có một cây cầu mới cứng cho chúng tới đến trường. Nhưng năm nào thì chẳng ai dám chắc được, trước mắt người dân trong vùng vẫn chỉ là bến đợi cô đơn.

Căn nhà của vợ chồng ông lão Nguyễn Hữu Tịnh (63 tuổi) nằm cạnh dòng sông này vẫn còn đó những mối lo lắng khôn nguôi. Ông Tịnh kể, khi lũ kéo về, dòng sông Gianh tụ thủy, nước cuồn cuộn như hò hét. Gia đình ông nằm gọn trên nóc nhà, nước lũ kéo vào ngập nửa căn. Lũ như muốn cuốn trôi nhà của ông mà dồn dập từng hồi kéo đến.

Ông Tịnh phải ghì lấy thanh chắn cửa cứ gò giữ mãi không cho nước cuốn vào, trên nóc nhà vợ con ông đội sẵn thùng lớn ở trên đầu để phòng khi ngói bị vỡ rồi rơi nhằm đầu. Trên nóc nhà gió cuồn cuộn thổi, dưới nền nhà nước lũ dâng tràn, đúng là “trăm bề khổ”.

Câu chuyện của ông lão Tịnh cứ thế vương vất trong tâm trí tôi, nó khiến tôi chợt ngẩn ngơ rồi tự hỏi, đến khi nào thì bến cô đơn mới có một cây cầu? Tôi đứng giữa bến đợi đò mà lòng như khô quạnh lại. Trời dần về chiều, trên triền tây những dãy núi xếp tầng, mây vần vũ sấm chớp. Bến đợi đò nằm ở thôn Minh Hà sắp chìm vào cơn mưa lớn, phía bên kia nơi có con đò – phương tiện duy nhất giúp người dân qua sông như đang thở hổn hển, nó dập dềnh trong làn nước dữ.

Cho đến bây giờ mọi sinh hoạt của người dân ở 4 xóm Cồn Bãi vẫn phải đi con đò thô sơ, cuộc sống của người dân trên miền cạn không khác nào nơi hoang đảo xa xôi. Họ thường ví von, đây là xứ “đảo lạc”. Ngay cả việc xây một cái nhà thôi mà cũng khổ trăm đường, bởi giá vật tư vận chuyển khiến tiền của xây cất đội giá lên nhiều lần.

Cô lập, sống trong cảnh không cầu, không đường khiến trẻ nhỏ đứt quãng học hành. Hay như một chuyện khác, cách đây ít năm, khi nước lũ dâng tràn trong xóm Cồn Nâm có đôi vợ chồng trẻ, người vợ đang lúc sắp sinh, nước kéo đến cũng là lúc con chào đời. Cứ thế, hai vợ chồng họ quay quắt trong nước lũ chẳng biết kêu ai…

Đọc thêm

Bài học từ buýt nhanh BRT

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tin tuyến buýt nhanh BRT của Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động, chính thức được đưa ra mới đây, khi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ 2009 - 2023.

Xe tải va chạm xe khách, 23 người thương vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 22 người bị thương.
(PLVN) - Chiều 13/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum cho biết, trên tuyến đường Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe khách khiến một người chết, 22 người bị thương.

Thông xe tuyến đường kết nối cầu vượt sông Cầu, kết nối vùng Hà Nội - Bắc Giang

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe kỹ thuật tuyến đường.
Dự án được thông xe kỹ thuật đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết TP Hà Nội với tỉnh Bắc Giang và các tỉnh lân cận, hoàn thiện đường Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bắc Giang; kết nối các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các khu công nghiệp tại TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc...

Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử

Bộ GTVT đồng ý với đề xuất nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026".

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách

Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội: Cần có các đột phá về cơ chế, chính sách
(PLVN) - Đây là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội tổ chức sáng 11/4. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.