EU - “Tòa tháp” lớn trước nguy cơ sụp đổ

Pháp tiếp tục giải tỏa khu lán trại trái phép ở cảng Calais.
Pháp tiếp tục giải tỏa khu lán trại trái phép ở cảng Calais.
(PLO) - Chẳng mấy ngạc nhiên nếu Liên minh Châu Âu (EU) không thể tìm ra được những giải pháp chung cho những vấn đề cấp bách của châu Âu khi mà các thành viên chính của liên minh đang có những cuộc tranh luận khác biệt đến như vậy. 

Tựa như Tòa tháp Babel trong kinh thánh, công trình xây dựng đầy tham vọng của châu Âu đang có nguy cơ đổ nhào bởi các nước trong đó đang không nói cùng một ngôn ngữ chính trị.

“Ông nói gà, bà nói vịt”

Với nước Đức, cuộc tranh cãi gay gắt tập trung vào cách giải quyết làn sóng di cư cả triệu người đổ tới, liệu có phải hạn chế số lượng hay không và ở một số nơi là làm cách nào để ngăn họ tới. Nước Pháp, quốc gia coi mình đang trong thời chiến, vẫn đang sống trong tình trạng khẩn cấp và chấn động sau vụ tấn công khủng bố do các tay súng Hồi giáo tiến hành hồi tháng 11/2015 làm 130 người thiệt mạng ở Paris.

Sang nước Anh, chủ đề cuộc đối thoại là về chủ quyền quốc gia và khả năng nước Anh rời khỏi EU trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 tới có thể chấm dứt vai trò thành viên khác biệt của Anh trong EU.

Chuyển sang phía Đông tới Ba Lan, người dân đang tranh cãi về những động thái của chính phủ mới nhằm hạn chế truyền thông và tòa án hiến pháp, về sự nhận thức mối đe dọa từ Nga đối với Đông Âu hiện nay. Còn ở khắp Trung Âu, nội dung thảo luận là làm cách nào chống lại sức ép từ Đức đối với việc chia sẻ gánh nặng người tị nạn.

Sang phía Nam, người Italia và Bồ Đào Nha đang bị hút vào các cuộc tranh cãi nội bộ về cách khôi phục tăng trưởng kinh tế bất chấp chính sách hạn chế ngân sách của EU. Trong khi đó, Tây Ban Nha đang lo lắng về vấn đề ly khai Catalan, tình trạng tê liệt chính trị và bất ổn.

Khi lãnh đạo các nước trên tới Brussels, họ thậm chí còn không thể thống nhất được vấn đề nào nên thảo luận. Trong hai hội nghị thượng đỉnh trước của EU, Anh muốn tập trung vào những yêu cầu của mình về việc đàm phán lại các điều khoản thành viên để Thủ tướng David Cameron có “sự dàn xếp mới” mà ông có thể quảng bá trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 năm nay về việc liệu nước Anh có nên ở lại trong khối hay không.

Ngày 19/2 vừa qua, ông đã giành được một thỏa thuận, song nhiều nhà lãnh đạo đã chán ngán với việc phải mất thời gian cho những thứ mà họ coi là vấn đề phụ và những phát biểu khoa trương khi nhà họ còn đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng.

Một nhà ngoại giao tham dự các cuộc thảo luận cho biết: “Mọi người trong phòng họp và cả ngoài hành lang đều thấy tức giận vì phải giải quyết một số vấn đề khá vớ vẩn trong khi còn có những vấn đề khác nghiêm túc về Syria, việc các nước thành viên đóng cửa biên giới, những vấn đề chính yếu mà chúng tôi thực sự cần phải ưu tiên hơn”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đang phải tranh đấu vì sự nghiệp chính trị của mình trước những lời chỉ trích trong nước về chính sách mở cửa biên giới cho người tị nạn của bà, muốn EU tập trung vào các vấn đề cấp bách nhằm bảo vệ biên giới EU, lập danh sách người di cư, trả về nước những người tị nạn không được chấp nhận và chia sẻ số người tị nạn giữa các nước thành viên.

Tuyệt vọng tìm kiếm một “giải pháp chung châu Âu” cho cuộc khủng hoảng di cư, bà yêu cầu phải tiến hành một hội nghị thượng đỉnh châu Âu nữa với Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/3 tới, vài ngày trước khi diễn ra ba cuộc bầu cử vùng tại Đức mà theo dự đoán, những thành viên cánh hữu phản đối nhập cư có thể giành được thắng lợi lớn.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Francois Hollande tới Brussels để tìm kiếm thêm sự hợp tác chống khủng bố và sự hỗ trợ cho hành động quân sự chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Libya. Tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhân dịp này đã chỉ trích việc bà Merkel mở rộng cửa cho người tị nạn và tuyên bố châu Âu không thể tiếp nhận thêm được nữa.

Châu Âu dường như đang bị “nghiền nát” bởi vấn đề người di cư.
Châu Âu dường như đang bị “nghiền nát” bởi vấn đề người di cư.

Mất kiểm soát?

Khác những cuộc khủng hoảng trước ở châu Âu, khi những bất đồng có thể để hạ hồi phân giải hoặc giải quyết dần từng bước, biến một cuộc tranh cãi chính trị thành một tiến trình kỹ trị thì vấn đề di cư lần này không có cách thức cụ thể nào để trì hoãn hay xoa dịu.

Những diễn biến đang xảy ra ngày càng nhanh khiến EU không kiểm soát được. Chính phủ các nước dọc theo tuyến đường di cư chính phía Tây Balkan do áp lực từ các lực lượng dân túy đang phải dùng đến các giải pháp đẩy trách nhiệm sang nước láng giềng. Áo, nước ở vị trí trung chuyển chính, đã đơn phương áp dụng việc giới hạn số lượng người di cư nhập cảnh và nộp đơn xin tị nạn từ giữa tháng 2/2016.

Một dấu hiệu cho thấy sự lãnh đạo của Brussels và Berlin bị suy yếu là khi Áo cùng 10 nước Trung Âu và Balkan hồi tuần qua đã nhóm họp với nhau, một cuộc họp thiếu các lãnh đạo Đức, EU hay Hy Lạp - điểm đến chính của người di cư, để bàn cách phối hợp thực hiện các giải pháp ngăn chặn dòng người tị nạn di chuyển về phía Bắc.

Khi những chiếc thuyền chất đầy những người di cư bất chấp thời tiết giá lạnh mùa đông hàng ngày vẫn vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ tới Hy Lạp, việc hạn chế đó nhanh chóng biến Hy Lạp - quốc gia suy yếu kinh tế nhất EU - thành một trại tị nạn khổng lồ. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã cảnh báo nước của ông sẽ không làm “kho chứa người” và ông sẽ gây trở ngại các công việc khác của châu Âu nếu các đối tác của Athens không chia sẻ gánh nặng này.

Các nước EU phần lớn đã lờ đi những hạn ngạch về người tị nạn mà hồi năm ngoái họ đã thống nhất sẽ tiếp nhận, và Hungary hiện đang lên kế hoạch tiến hành trưng cầu dân ý về việc liệu nước này có nên chấp nhận hạn ngạch nào hay không.

Anh và Pháp đang ngó lơ thay vì giúp đỡ bà Merkel, nhà lãnh đạo nhiều kinh nghiệm và được tôn trọng nhất châu Âu. Ông Cameron chắc sẽ không nhận bất kỳ người tị nạn nào vì lo ngại sự phản đối người di cư trong dân chúng có thể khiến ông thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông Hollande cũng lo ngại sẽ làm gia tăng sự ủng hộ cho nhà hoạt động dân túy cực hữu Marine Le Pen nếu ông đề xuất hỗ trợ thêm cho Berlin.

Người cứng rắn, kẻ dàn hòa

Ngày 1/3, Pháp tiếp tục dỡ bỏ một phần khu lán trại trái phép của những người di cư được dựng lên ở thành phố cảng Calais, miền Bắc nước này, với sự trợ giúp đắc lực của cảnh sát. 

Bất chấp sự phản kháng quyết liệt trong những ngày qua của những người di cư, cảnh sát Pháp đã dỡ bỏ các khu lán trại tạm thời của người Sudan. Theo giới chức Pháp, có khoảng 800 đến 1.000 người tị nạn đang cư trú trái phép tại khu vực này.

Chính quyền Pháp quyết tâm dỡ bỏ 60% khu lán trại được gọi là trại “Jungle” tại Calais. Dưới áp lực của cảnh sát, những người di cư không có cách nào khác buộc phải ra đi. Tuy nhiên, vẫn xảy ra đụng độ giữa người di cư và lực lượng cảnh sát chống bạo động. Ông Vincent Berton, một quan chức địa phương, thừa nhận sẽ phải mất nhiều thời gian để có thể xóa bỏ 2/3 số lán trại tại Calais. 

Trại tị nạn “Jungle” này là nơi hàng nghìn người di cư trốn chạy chiến tranh và nghèo đói đến từ Trung Đông và châu Phi tạm trú chờ cơ hội tới Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền tự làm, hoặc qua tuyến đường hầm Eurotunnel.

Theo giới chức địa phương, hiện có khoảng 3.700 người di cư tạm trú tại trại tị nạn này và khoảng 800 tới 1.000 người sẽ phải rời đi theo quyết định mới của tòa án. Tuy nhiên, số liệu từ các tổ chức nhân đạo lại cho thấy ít nhất 3.450 người hiện đang sống tại khu vực phía Nam trại tị nạn này, trong đó có khoảng 300 trẻ em không có cha mẹ đi cùng.

Quyết định giải tán khu vực phía Nam của trại tị nạn trước đó đã vấp phải kháng nghị của nhiều tổ chức nhân đạo trong khi nhiều người di cư cũng muốn ở lại đây để đảm bảo khoảng cách gần nhất tới đường hầm Eurotunnel để trốn sang Anh.

Trong khi đó, Bỉ và Đức đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc với Chính phủ Maroc nhằm hồi hương hàng nghìn người Maroc nhập cư trái phép vào hai quốc gia châu Âu này.

Theo đó, việc nhận trở lại người di cư sẽ được tiến hành nhanh chóng trong thời hạn tối đa 40 ngày. Ngoài ra, giới chức Bỉ còn được phép truy cập vào cơ sở dữ liệu vân tay điện tử của các công dân Maroc nhằm xác định những người nhập cư bất hợp pháp.

Số liệu thống kê của Chính phủ Bỉ cho thấy kể từ năm 2000, khoảng 200.000 người Maroc đã được cấp quy chế tạm trú tại Bỉ, song hiện vẫn còn 545 công dân Maroc chưa có thẻ cư trú đang bị giam giữ trong các nhà tù tại đây và nhiều khả năng sẽ bị trục xuất về nước.

Trước đó, hãng hàng không Air Maroc cũng đã tham gia vào việc hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Bỉ. Chuyến thăm Maroc của phái đoàn cấp chính phủ Bỉ và Đức diễn ra trong bối cảnh chính phủ Maroc ngày 25/2 vừa qua quyết định đình chỉ mọi mối quan hệ với EU sau khi Tòa án Công lý châu Âu ra phán quyết bãi bỏ một thỏa thuận nông nghiệp với Maroc. Tuy nhiên, để tránh “đóng băng” quan hệ với Rabat, đồng minh thân thiết của EU trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS, EU đã ngay lập tức kháng cáo quyết định này.

Tất cả những diễn biến trên đang cho thấy một châu Âu đang chìm sâu trong khủng hoảng đưa lại từ những người di cư. Phải chăng, trong khi các nhà lãnh đạo yếu kém và chia rẽ của châu Âu đang rối bời trong tranh cãi, khối liên minh đã từng tạo nền tảng cho sự thịnh vượng chung sau thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang bắt đầu sự chia tách?

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.